Euro ngang giá USD khiến kẻ khóc, người cười
Đồng tiền chung châu Âu (Euro) giảm mạnh và ngang giá USD sau 20 năm khiến nhiều đối tượng lao đao, nhưng cũng giúp không ít đối tượng được hưởng lợi. Nhận định về tương lại của đồng tiền này, nhiều chuyên gia cho rằng Euro vẫn sẽ tiếp đà giảm.
Euro ngang giá USD
Tính đến ngày 12/7, Euro dao động quanh mức 1,004 USD, giảm 12% so với hồi đầu năm. Đây là lần đầu tiên sau 20 năm, một đồng Euro đổi được một đồng USD.
Lần đầu tiên đồng Euro ngang giá với đồng USD là vào tháng 12/1999, chưa đầy một năm sau khi ra đời.
Lần cuối cùng, Euro có giá thấp hơn USD là từ tháng 11/2002, năm đầu tiên đồng tiền này chính thức được phát hành sau 3 năm tồn tại dưới dạng thử nghiệm. Khi đó, mỗi euro đổi được 0,99 USD.
Vào năm 2008, khi nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đồng Euro có giá trị gấp khoảng 1,6 lần đồng USD.
Đầu tháng 2, mỗi Euro vẫn còn tương đương 1,13 USD. Tuy nhiên, khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Euro bắt đầu trượt dài và bắt đầu giảm sốc trong vài tuần gần đây. Nguyên nhân do lo ngại Nga sẽ cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt của nước này đến châu Âu khu vực để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Thực tế, đến nay, đã có 12 quốc gia trong EU bị Nga cắt một phần, hoặc toàn phần nguồn cung năng lượng này.
Châu Âu đang phải hứng chịu cuộc hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong hàng thập kỷ qua. Lục địa già này thậm chí còn có thể phải trải qua một cuộc suy thoái sâu và kéo dài.
Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chậm tăng lãi suất cũng là tác nhân khiến đồng tiền chung Euro ngang giá với USD.
Trong khi, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang thúc đẩy việc tăng lãi suất rất nhanh, thì Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lại có phần chần chừ hơn nhiều khi ECB mới thông báo sẽ nâng lãi trong tháng này.
Điều này làm lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cao hơn so với lợi suất trái phiếu của châu Âu, khiến các nhà đầu tư tìm đến USD thay vì Euro. Thêm vào đó, trước những bất ổn địa chính trị và kinh tế toàn cầu, USD vẫn được coi như một “thiên đường trú ẩn an toàn”. Vì vậy, nếu bất ổn tiếp tục kéo dài, Euro sẽ còn trượt giá.
Được và mất từ việc đồng Euro lao dốc
Đồng Euro về ngang giá USD cũng giúp nhiều bên được hưởng lợi.
Thứ nhất, hàng xuất khẩu từ châu Âu sẽ rẻ hơn trên thị trường quốc tế. "Các công ty xuất khẩu ra ngoài khu vực đồng euro sẽ hưởng lợi khi giá giảm, do sản phẩm của họ cạnh tranh hơn khi đổi sang USD", ông Philippe Mutricy, Giám đốc nghiên cứu tại ngân hàng Bpifrance nhận xét.
Thứ hai, Euro suy yếu cũng giúp thu hút du khách đến châu Âu du lịch, đặc biệt là người sử dụng đồng USD. Sara Rathner, một chuyên gia du lịch, nhận định: "Những gì đang diễn ra giống như bạn được giảm giá 15% cho toàn bộ chuyến đi. Nó sẽ nhẹ nhàng hơn đối với ngân sách du lịch của mọi người".
Thêm vào đó, tình trạng lao dốc của đồng tiền chung châu Âu lại xảy ra đúng vào thời điểm thuận lợi khi lạm phát lên cao khiến mọi thứ trở nên đắt đỏ. Và người Mỹ cũng đang rất "thèm khát" được đi du lịch nước ngoài sau thời gian dài hạn chế do dịch COVID-19.
Tuy nhiên, cái hại của sự suy yếu đồng Euro cũng không khó để thấy. Đồng Euro yếu đi cũng chính là lúc giá cả hàng hóa nhập khẩu đắt đỏ hơn. Cụ thể, vào tháng 6, giá tiêu dùng tại Eurozone đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu Eurostat, gần một nửa lượng hàng hóa nhập khẩu vào Eurozone được thanh toán bằng USD, cao hơn so với gần 40% thanh toán bằng Euro. Ví dụ, dầu mỏ và khí đốt thường được mua bán bằng đồng bạc xanh".
Giáo sư Isabelle Mejean của Đại học Sciences Po nhận định: "Hàng nhập khẩu sẽ trở nên đắt đỏ hơn". Điều này càng khiến lạm phát thêm trầm trọng và làm giảm sức mua của các hộ gia đình.
Thứ hai, Euro mất giá so với USD sẽ khiến hoạt động du lịch từ châu Âu sang Mỹ sụt giảm.
Thứ ba, theo các nhà hoạch định chính sách, đồng Euro thấp là một rủi ro đối với mục tiêu đưa lạm phát trở lại 2% trong trung hạn của ECB.
Thứ tư, Euro lao dốc ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý các nhà đầu tư. Nhà kinh tế trưởng Robin Brooks tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho rằng: "Việc ngang giá chỉ là con số thôi. Nhưng các thị trường được tạo ra bởi con người, và họ quan tâm đến các mốc. Mốc ngang giá này có ý nghĩa lớn về tâm lý, khi 20 năm rồi mới xảy ra".
Dự báo Euro sẽ còn giảm
Tuần này, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ công bố bản cập nhật dự báo kinh tế. Giới quan sát cho rằng EC sẽ hạ dự báo tăng trưởng của khu vực này.
Khó mà đoán được đồng Euro sẽ còn giảm ra sao so với đồng USD, nhưng một số nhà phân tích dự đoán, đồng tiền chung châu Âu có thể giảm xuống chỉ ngang 90 xu Mỹ. Trường hợp tồi tệ này có thể xảy đến nếu Nga tiếp tục mạnh tay cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Theo dữ liệu giao dịch từ Depository Trust & Clearing Corporation, kể từ đầu tháng 7/2022, các nhà giao dịch đã đặt cược vào tỉ giá một euro đổi 0,985 USD - 0,950 USD và cho đây là "đáy" ngắn hạn của đồng tiền này.
Còn theo tính toán của các chiến lược gia của Deutsche Bank, tỉ giá một euro đổi 0,95 - 0,97 USD mới là mức "đáy" mọi thời đại kể từ khi hệ thống Bretton Woods, hệ thống liên kết giá trị của nhiều loại tiền tệ với đồng USD, đổ vỡ. Tuy nhiên, mức giảm đó vẫn có thể lặp lại nếu nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google