Đưa máy bay không người lái vào công cuộc trồng rừng

07:57 - 05/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Mỗi máy bay không người lái có thể gieo trồng hơn 40.000 hạt giống mỗi ngày, và có thể vận hành hoàn toàn tự động.

Trồng rừng bằng máy bay

Airseed Technology - một công ty khởi nghiệp của Australia đang sử dụng một đội máy bay không người lái hiện đại để gieo hạt trồng rừng, góp phần vào công cuộc tái tạo rừng trong bối cảnh nạn tàn phá rừng chưa được đẩy lùi. 

Trí thông minh nhân tạo (AI) được sử dụng để điều khiển "máy gieo hạt" được thiết kế đặc biệt có thể "bắn" hạt giống xuống đất từ trên không.

Đưa máy bay không người lái vào công cuộc trồng rừng - Ảnh 1.

Một công ty có kế hoạch trồng 100 triệu cây vào năm 2024, bằng cách thả hạt giống từ máy bay không người lái. Ảnh: Euronews, bản quyền Canva

Ông Andrew Walker, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Công ty AirSeed Technologies cho biết: "Mỗi máy bay không người lái của chúng tôi có thể gieo trồng hơn 40.000 hạt giống mỗi ngày, và có thể vận hành hoàn toàn tự động.

So với các phương pháp gieo trồng truyền thống, máy bay đạt tốc độ gieo hạt nhanh hơn tới 25 lần nhưng lại tiết kiệm được tới 80%".

Mục tiêu trồng 100 triệu cây vào năm 2024

Mỗi "máy gieo hạt" do từng máy bay chuyên chở được đổ đầy sẵn các hạt giống với lớp vỏ bọc hạt giống được chọn lọc đặc biệt, phù hợp nhất với điều kiện tự nhiên trong khu vực sẽ được bắn xuống.

Lớp vỏ bọc hạt này được sản xuất từ chính rác thải sinh khối, cung cấp một lớp phủ giàu carbon để bảo vệ các hạt cây khỏi chim, côn trùng và động vật gặm nhấm.

Walker cho biết: "Bí quyết thực sự nằm trong công nghệ sinh học của chúng tôi, đó là lớp vỏ hỗ trợ cho hạt giống khi nó ở trên mặt đất.

Lớp vỏ bọc ngoài bảo vệ hạt giống khỏi các loại động vật hoang dã, nhưng cũng hỗ trợ hạt giống khi nó nảy mầm và cung cấp tất cả các chất dinh dưỡng và nguồn khoáng chất mà hạt giống cần. Lớp vỏ bọc này cùng với một số chế phẩm sinh học thúc đẩy sự phát triển của hạt giống ở giai đoạn đầu".

Sau khi bay trên không, máy bay không người lái sẽ di chuyển theo các đường bay cố định, gieo hạt giống theo chương trình được cài đặt sẵn và ghi lại tọa độ hạt đã gieo. Điều này cho phép Công ty đánh giá sức khỏe của cây khi chúng phát triển.

Walker cũng cho biết, Công ty cũng nhận thức rõ ràng sự cần thiết phải phục hồi "sức khoẻ" cho đất đai, không chỉ khôi phục lượng vi sinh vật trong đất mà còn cần khôi phục cả môi trường sống cho động vật.  

Cho đến nay, công ty đã trồng hơn 50.000 cây xanh và đặt mục tiêu trồng tổng cộng 100 triệu cây vào năm 2024.

Tình trạng phá rừng trên khắp thế giới hiện đang nghiêm trọng như thế nào?

Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc cho biết, Trái đất mất đi 70.000 km vuông rừng mỗi năm - gần bằng với diện tích của đất nước Bồ Đào Nha.

Liên hợp quốc kêu gọi thế giới cần nỗ lực giảm con số này xuống một nửa vào năm 2025 và chấm dứt nạn phá rừng trên toàn cầu vào năm 2030.

[Chỉ có một Trái đất]

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, việc giảm một cách nhanh chóng diện tích rừng bị phá là khó khăn, vì thế các biện pháp sáng tạo như nêu trên đây để khôi phục rừng bị phá là hết sức cần thiết nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Điều đáng mừng là Công ty AirSeed không hề "đơn độc" trong việc phát triển các hệ thống trồng cây gây rừng dựa trên máy bay không người lái để chống lại sự mất đa dạng sinh học. Hiện có hai công ty khởi nghiệp khác là Dendra và Biocarbon Engineering cũng đang hướng tới việc sử dụng công nghệ cao trong gieo trồng để tái tạo lại rừng.

Kể từ năm 2000, thế giới đã mất khoảng 10% độ che phủ của rừng, và đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng trái đất nóng lên. Diện tích rừng bị phá vẫn gia tăng dù cho đã có các các cam kết giảm thiểu nạn phá rừng, chẳng hạn như Tuyên bố New York về Rừng 2014 với mục tiêu giảm một nửa tốc độ phá rừng vào năm 2020.

Nguồn: Euronewws