Dự thảo Thông tư xét thăng hạng có giải quyết được bất cập về lương giáo viên?

Phan Anh
13:57 - 23/03/2024
Công dân & Khuyến học trên

Xét thăng hạng giáo viên có khiến nghề giáo thăng cấp theo hệ số lương và vị trí, vai trò của giáo viên cũng được nâng lên trong nghề hay không?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập và giáo viên dự bị đại học.
Dự thảo Thông tư xét thăng hạng có giải quyết được bất cập về lương giáo viên?- Ảnh 1.

Giáo viên cơ bản cùng làm một nhiệm vụ như nhau đó là giảng dạy và giáo dục học sinh nhưng chênh lệch hệ số lương giữa các hạng khá xa là chưa hợp lí.

Tôi là một giáo viên nhận thấy, dự thảo Thông tư xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, trung học cơ sở, trung học phổ thông vẫn chưa giải quyết được những bất cập về hệ số lương.

Thứ nhất, theo Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT, nếu giáo viên trung học phổ thông hạng III được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp lên hạng II thì người có hệ số lương 3,33; 3,67; 3,99 đều được lên hệ số 4,0.

Như thế, giáo viên có hệ số lương 3,33; 3,67 được hưởng lợi hơn rất nhiều so với người có hệ số lương 3,99. Giáo viên có hệ số lương càng cao, khi thăng hạng sẽ bị thiệt thòi hơn giáo viên có hệ số lương thấp hơn.

Trong khi đó, để được tăng 1 bậc lương giáo viên phải dạy 3 năm. Giáo viên có thành tích được tăng lương trước thời hạn tối đa 1 năm. Giáo viên không được xét tăng lương trước thời hạn 2 lần liên tục.

Thứ hai, theo Luật Giáo dục và các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật, nhiệm vụ chính của giáo viên là giảng dạy và giáo dục học sinh. Ví dụ, giáo viên học ngành sư phạm Văn thì ra trường làm giáo viên dạy Văn và có thể kiêm nhiệm thêm công tác chủ nhiệm.

Thế nhưng, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông hạng II có hệ số lương từ 4,0 đến 6,38 là cao hơn nhiều so với giáo viên hạng III có hệ số lương từ 2,34 đến 4,98. Còn giáo viên hạng I chỉ được xếp hệ số lương từ 4,4 đến 6,78 là chưa hợp lí.

Thứ ba, giáo viên hạng III và hạng II cơ bản làm nhiệm vụ như nhau nhưng hưởng lương khác nhau là bất cập. Ví dụ, giáo viên trung học phổ thông hạng III và hạng II đều dạy 17 tiết/tuần theo chương trình nhưng mức lương giữa 2 hạng lại chênh nhau.

Cùng với đó, quy định nhiệm vụ của giáo viên trung học phổ thông hạng II cũng chưa hợp lí. Ví dụ, giáo viên hạng II chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên đề ở tổ chuyên môn… Đây là nhiệm vụ của tổ trưởng chuyên môn do hiệu trưởng phân cấp phân quyền theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT.

Thứ tư, theo quy định, giáo viên có bằng thạc sĩ trước khi được tuyển dụng thì chỉ cần 6 năm là đủ điều kiện xét thăng hạng từ III lên II. Trong khi đó, giáo viên có bằng cử nhân thì phải có thời gian giữ hạng III 9 năm mới đủ điều kiện xét thăng hạng cũng chưa phù hợp với thực tiễn dạy học.

Bởi vì, không có minh chứng khoa học nào cho thấy giáo viên có học vị thạc sĩ thì giỏi kỹ năng sư phạm hơn giáo viên có bằng cử nhân. Tương tự, cũng không thể so sánh giáo viên dạy 6 năm, 9 năm thì giỏi hơn người chỉ ra trường vài ba năm.

Thứ năm, giáo viên được thăng hạng nhưng rất nhiều người không làm nhiệm vụ của hạng mới. Bởi vì, như đã nói, nhiệm vụ chính của giáo viên là giảng dạy và giáo dục học sinh, nên về lí, họ không cần phải làm nhiệm vụ khác như tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ từ cấp trường trở lên.

Đáng nói, giáo viên được thăng hạng nhưng không có "giáng" hạng cũng tạo sức ì trong công việc. Bộ Giáo dục và Đào tạo không quy định về "giáng" hạng nên tạo bất công, bất bình đẳng giữa giáo viên hạng cao, hạng thấp.

Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại những nội dung này để khi dự thảo Thông tư tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập được thông qua thì giáo viên sẽ không còn "tâm tư" kéo dài dai dẳng từ năm 2020 đến nay.