Du lịch vũ trụ rút ra bài học sau thảm kịch chìm tàu Titan

Lam Linh
16:20 - 30/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sau vụ nổ tàu Titan khiến 5 hành khách thiệt mạng khi đang trên đường tới thám hiểm xác Titanic, một số chuyên gia đã đưa ra những bài học kinh nghiệm đối với ngành du lịch vũ trụ.

Du lịch vũ trụ rút ra bài học sau thảm kịch chìm tàu Titan - Ảnh 1.

Tàu Titan chở khách thám hiểm xác Titanic. Ảnh: Getty Images

Sau vụ chìm tàu Titan thảm khốc cùng với sự mất tích đầy bí ẩn của 5 hành khách trong chuyến du lịch ngắm xác tàu Titanic dưới đáy Đại Tây Dương, du lịch vũ trụ đã trở thành tiêu điểm bàn luận của nhiều chuyên gia trong ngành.

Du lịch vũ trụ có nhiều điểm tương đồng với du lịch thám hiểm đại dương

George Nield, Chủ tịch Công ty Công nghệ không gian thương mại, người đã thực hiện thành công chuyến bay vào vũ trụ bằng tên lửa New Shepard của Blue Origin vào năm 20222 nói rằng: "Suy ngẫm về cái chết bi thảm của 5 hành khách "xấu số" trong vụ nổ tàu Titan, tôi thấy có cả điểm tương đồng và khác biệt giữa việc du hành xuống đáy đại dương ngắm xác tàu Titanic và lái tàu vũ trụ từ bệ phóng lên bầu trời để trải nghiệm tình trạng không trọng lực và nhìn ngắm không gian".

Theo ông George Nield, những điểm tương đồng giữa du lịch vũ trụ và du lịch thám hiểm đại dương đó là: Cả hai trải nghiệm đều diễn ra trong môi trường khắc nghiệt và không gian chật hẹp; cả hai trải nghiệm đều mang lại mức độ rủi ro lớn; cả hai trải nghiệm hướng đến tệp khách hàng siêu giàu và chỉ có rất ít người tham gia trải nghiệm này từng có kinh nghiệm về vũ trụ hay đại dương.

Đồng thời, ông George Nield cho rằng, tàu lặn có một bộ tiêu chuẩn công nghiệp toàn diện là sự khác biệt lớn nhất giữa hai chuyến du ngoạn vũ trụ và thám hiểm đại dương.

Du lịch vũ trụ rút ra bài học sau thảm kịch chìm tàu Titan - Ảnh 3.

George Nield (ngoài cùng bên phải) cùng với các hành khách khác đã trải nghiệm thành công chuyến du lịch vũ trụ để nhìn ngắm không gian qua ô cửa của tàu tên lửa. Ảnh: Blue Origin

Cần có khung pháp lý quy định về du lịch vũ trụ

Ông George Nield cho biết, các chuyến bay thương mại đưa con người vào vũ trụ "đang thiếu cơ chế giám sát an toàn", vậy nên cần phải có khung pháp lý quy định về vấn đề này. 

Bên cạnh đó, để bảo đảm quyền lợi của khách hàng có nhu cầu tham gia trải nghiệm, các công ty cung cấp dịch vụ phải thông báo đầy đủ và kỹ lưỡng về tất cả các rủi ro có thể xảy ra. Sau đó yêu cầu khách hàng ký vào một văn bản cam kết nêu rõ họ đã hiểu và chấp nhận những rủi ro đó.

Nói về vấn đề này, Eric Yaverbaum, Giám đốc điều hành của Ericcho Communications cũng cho rằng, các công ty cung cấp dịch vụ du lịch vũ trụ phải bảo đảm có thông điệp rõ ràng và ngắn gọn liên quan đến vấn đề an toàn cho hành khách.

Mặt khác, ông George Nield cho rằng, các tiêu chuẩn đối với các chuyến bay vào vũ trụ cần tập trung vào sự an toàn của con người khi tham gia trải nghiệm "du lịch cực đoan". Bởi ông lo ngại rằng, sau những tai nạn nổi tiếng về chuyến bay của con người vào không gian sẽ vấp phải sự chỉ trích gay gắt và phản đối kịch liệt của công chúng, truyền thông khi họ sẽ đặt câu hỏi: "Tại sao Chính phủ lại cho phép điều này xảy ra?"

Vậy nên, theo ông George Nield, ngành du lịch vũ trụ tư nhân nên được hoạt động dưới sự giám sát của chính phủ và chấp hành theo các tiêu chuẩn công nghiệp thông thường.

Nhiệm vụ quan trọng của các công ty cung cấp dịch vụ du lịch vũ trụ

Du lịch vũ trụ rút ra bài học sau thảm kịch chìm tàu Titan - Ảnh 4.

Nhiệm vụ quan trọng của công ty cung cấp dịch vụ du lịch vũ trụ là phải lường trước mọi sự cố có thể xảy ra và lập kế hoạch xử lý khủng hoảng. Ảnh: Independent

Theo ông Eric Yaverbaum, các công ty cung cấp dịch vụ du lịch vũ trụ phải có sẵn có các quy trình và biện pháp để đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Đồng thời, phải chắc chắn các thông điệp về các biện pháp an toàn là không bịa đặt và có thể sao lưu nếu cần.

Ngoài ra, theo Giám đốc Eric Yaverbaum, dự kiến rủi ro và lên những phương án xử lý những khủng hoảng có thể phát sinh là điều vô cùng quan trọng đối với những công ty cung cấp dịch vụ du lịch mạo hiểm, khi mà tai nạn gây thương vong luôn có thể xảy ra bất kể lúc nào.

"Sau khi xác nhận tàu Titan nổ tung, tuyên bố duy nhất mà Công ty OceanGate đưa ra là đã đình chỉ mọi hoạt động thăm dò và thương mại. Từ đây, có thể thấy, im lặng không phải cách giải quyết. Thay vào đó, nhiệm vụ quan trọng của công ty cung cấp dịch vụ du lịch mạo hiểm là phải lường trước mọi sự cố có thể xảy ra và lập kế hoạch xử lý khủng hoảng", Eric Yaverbaum nhận xét.

Thêm vào đó, Eric Yaverbaum cho rằng, khi du lịch vũ trụ đang ngày càng trở nên hấp dẫn đối với giới siêu giàu, các tổ chức trong ngành nên bắt đầu lập kế hoạch phát triển các kế hoạch về khủng hoảng có thể xảy ra, biện pháp xử lý đối với những tình huống khẩn cấp và trách nhiệm giải trình.

Theo Eric Yaverbaum, không có cách nào có thể dự đoán hết được chính xác những gì có thể xảy ra trong các chuyến du lịch thám hiểm. Tuy nhiên, có rất nhiều cách để ngăn ngừa thiệt hại tiềm ẩn và chuẩn bị sẵn sàng trong mọi tình huống khủng hoảng có thể xảy ra.

Công ty OceanGate chưa bao giờ xin lỗi về những gì đã xảy ra, điều này đã gây ra hậu quả nặng nề cho thương hiệu. Vì vậy, một điều nữa mà ngành du lịch mạo hiểm có thể học được từ OceanGate là phải chuẩn bị sẵn sàng và thừa nhận mọi hành vi sai trái nếu điều tồi tệ nhất xảy ra.

Nguồn: Space.com