Du lịch mùa cao điểm, du khách được khuyến cáo coi chừng "ác mộng tiền tip"
Một vụ việc vừa xảy ra lại làm "dậy sóng" dư luận trước tình trạng "tiền tip tăng phi mã, vượt tầm kiểm soát". Trước thềm cao điểm du lịch mùa thu, thay vì cảnh báo sốc nhiệt các chuyên gia khuyến cáo du khách coi chừng sốc vì "ác mộng tiền tip".
Du lịch sang chảnh, du khách nhà giàu cũng sốc vì "ác mộng tiền tip"
Tiền tip (hay còn gọi là tiền boa, tiền bo "vay mượn" từ tiếng Pháp "pourboire") vốn chỉ là khoản thanh toán thêm bằng tiền mặt, như phần thưởng cá nhân được khách hàng tặng cho người phục vụ khi hài lòng với chất lượng dịch vụ. Từ đó dẫn tới cái gọi là "văn hóa tiền tip" (tipping culture) ngày càng phổ biến trên thế giới.
Tuy nhiên "văn hóa tiền tip" ở nhiều nơi đã và đang bị cả người dân cũng như du khách phàn nàn, do "không chỉ leo thang mà là tăng phi mã" (theo nhận xét của một chuyên gia du lịch).
"Chỉ tính phí dịch vụ mà không dựa vào tâm trạng của khách hàng, tiền tip ở Mỹ đang là cơn ác mộng" - báo Express của Anh mới đây dẫn lời du khách có nick là Jose Gaston viết trên Twitter. Trong khi du khách có nick là Ry nêu rõ: "Văn hóa tiền tip đang vượt khỏi tầm kiểm soát ở Mỹ! Hãy trả lương xứng đáng cho nhân viên của các vị, để họ không phải sống dựa vào tiền tip nữa".
Đặc biệt kể từ khi du lịch quốc tế trở lại gần như bình thường sau dịch COVID-19, ngày càng nhiều du khách lên mạng bày tỏ bị sốc khi nhận được những hóa đơn "cắt cổ" từ các nhà hàng, quán bar tại một số điểm đến kỳ nghỉ nổi tiếng chủ yếu là ở châu Âu.
Một "giọt nước tràn ly" đang khiến dư luận lại một lần nữa dậy sóng là vụ "ác mộng tiền tip" mới nhất vừa xảy ra tại Saint-Tropez, khiến đến cả du khách nhà giàu cũng sốc.
Báo nước ngoài cuối tuần qua dẫn nguồn tin báo chí địa phương ngày 15/8 cho biết: Một nam du khách người Italy "rất giàu có" đã sốc khi bị bồi bàn đuổi theo tới tận bãi đỗ xe của nhà hàng nơi ông vừa dùng bữa, với lý do vị khách này "chỉ để lại 500 euro tiền tip".
"Người phục vụ nói rằng số tiền đó là chưa đủ, nên khách cần để lại 1.000 euro theo thông lệ là phải tip 20% tổng số tiền thanh toán" - tờ báo địa phương Le Martin dẫn lời người bạn Pháp của khổ chủ kể lại. Vụ việc khiến vị khách nhà giàu Italy thề sẽ không bao giờ đặt chân tới Saint-Tropez nữa.
Điều tương tự đã xảy ra không ít lần trước đó, nay thêm "giọt nước tràn ly" dẫn tới quyết định của Văn phòng Thị trưởng Saint-Tropez yêu cầu các nhà hàng và quán bar trong thị trấn phải dán nhãn "Signal Conso", để người tiêu dùng báo cáo bất kỳ hành vi vi phạm nào thông qua sử dụng mã QR.
"Ác mộng tiền tip" và sự thể hiện văn hóa xa hoa thái quá
Từ một làng chài nhỏ, ngày nay thị trấn ven biển Saint-Tropez đã trở thành điểm đến nghỉ dưỡng nổi tiếng, được mệnh danh là "Thánh địa của ngành du lịch thế giới", là "thủ phủ tiệc tùng" của French Riviera".
Saint-Tropez cũng được coi là "sân chơi" nhà giàu bởi thu hút nhiều người nổi tiếng bao gồm từ các thành viên hoàng gia, giới triệu phú - tỷ phú tới các siêu sao thể thao và nghệ thuật… thường xuyên lui tới.
Tuy nhiên giới chức Saint-Tropez đã bày tỏ lo ngại về tình trạng sự thể hiện văn hóa xa hoa thái quá. Thậm chí bà Thị trưởng Sylvie Siri còn cáo buộc một số doanh nghiệp hành xử như kiểu "tống tiền" và thực hành phi đạo đức - ngụ ý tới tình trạng lựa chọn khách hàng theo "độ dày ví tiền" của họ.
Saint-Tropez tự hào vì có một số nhà hàng và quán bar cao cấp rất sang chảnh, với mức chi phí để sử dụng đồ ăn thức uống tại đó cao ngất ngưởng. Những yêu cầu gây sốc với khách hàng bao gồm nhiều du khách dường như ngày càng lan rộng khắp vùng. Một doanh nhân địa phương cho biết ông nhận được tờ rơi quảng cáo cho mức giá đặt bàn ăn "cao cấp" tại một nhà hàng ở thị trấn Ramatuelle (gần Saint-Tropez) là từ 100.000 euro/bàn.
Một số nhà hàng còn đề ra chính sách "tiền thưởng bắt buộc" (mandatory gratuities), hoặc mức chi tiêu tối thiểu cho mỗi khách hàng phải từ khoảng 1.500 euro (2.750 USD) trở lên.
Nhiều du khách phàn nàn rằng họ bị ám ảnh bởi thông lệ về mức tiền tip tối thiểu (mandatory minimum tips). Đặc biệt là tại Mỹ - nơi "văn hóa tiền tip" là thông lệ phổ biến, với mức tiền tip bắt buộc tại các quán bar và nhà hàng từ 15-20% hóa đơn sử dụng dịch vụ.
Ngược lại, Nhật Bản nổi tiếng với "văn hóa không tiền tip" (no-tipping culture) nghiêm ngặt. Người Nhật Bản tự hào về việc cung cấp các dịch vụ đặc biệt mà không mong đợi bất kỳ khoản tiền bổ sung nào. Thay vào đó, du khách lịch sự nói câu "arigatou gozaimasu" (cảm ơn rất nhiều) là cách tốt nhất để ghi nhận dịch vụ đặc biệt ở Nhật Bản.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google