Du lịch châu Âu hè 2023: Du khách được khuyến cáo cách phòng tránh sóng nhiệt
Đợt nắng nóng lịch sử - sóng nhiệt đang bao trùm nhiều khu vực ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ, với mức nhiệt độ phá vỡ mọi kỷ lục trước đây. Tại châu Âu, một số điểm tham quan nổi tiếng phải tạm đóng cửa sau khi có những du khách ngã quỵ tại các điểm đến đông đúc.
Sóng nhiệt tại Nhật Bản, Trung Quốc cảnh báo nhiệt độ cao, Italy báo động đỏ
Tại châu Á, nhà chức trách Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo say nắng do sóng nhiệt với hàng chục triệu người ở 20 trong số 47 tỉnh thành, khi nhiệt độ cao gần mức kỷ lục bao trùm các khu vực rộng lớn và mưa xối xả trút xuống các khu vực khác.
Đài truyền hình NHK đưa tin: Nhiệt độ tại Tokyo và một số nơi khác lên tới gần 40 độ C; đồng thời mức nhiệt độ kỷ lục 41,2 độ C (lần đầu tiên được ghi nhận năm 2018 tại thành phố Kumagaya thuộc tỉnh Saitama) có thể bị vượt qua.
Trong khi đó Trung Quốc đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ trước tới nay là 52 độ C vào ngày 16/7 tại làng Tam Bảo, gần thành phố Thổ Lỗ Phồn ở Tân Cương. Đồng thời một số cảnh báo nhiệt độ từ 40-45 độ C cũng được đưa ra tại khu vực có một phần là sa mạc Tân Cương, cùng mức nhiệt 39 độ C ở khu vực phía nam tỉnh Quảng Tây…
Tại châu Âu, theo tin ngày 18/7 từ mạng truyền hình Pháp Euronews, tuần trước miền nam châu Âu đã phải hứng chịu một đợt nắng nóng khắc nghiệt được gọi là vùng xoáy nghịch (anticyclone) hoặc sóng nhiệt (heat waves).
Sóng nhiệt Cerberus (gọi theo tên của quái vật chó 3 đầu canh giữ địa ngục trong thần thoại Hy Lạp là Cerberus) bắt đầu từ sa mạc Sahara, di chuyển qua phía bắc châu Phi tới Địa Trung Hải.
Phần lớn khu vực Nam Âu bao gồm cả các điểm đến du lịch nổi tiếng như Tây Ban Nha, Italy, Croatia và Hy Lạp đã phải chống chọi với tình trạng nhiệt độ cực cao do sóng nhiệt Cerberus gây ra. Một số vùng ở miền nam Italy và Hy Lạp ghi nhận nhiệt độ cao hơn 40 độ C.
Riêng tại Italy đã có 20 thành phố được đặt trong tình trạng báo động đỏ (red alert) về nắng nóng. Con số này dự kiến tăng lên 23 kể từ ngày 19/7 - nghĩa là gần như tất cả, trừ 4 thành phố lớn nhất. Chính quyền Italy khuyến cáo người dân và du khách tránh ánh nắng trực tiếp từ 11 giờ trưa đến 6 giờ chiều.
Du khách được khuyến cáo cách phòng tránh sóng nhiệt
Một số điểm tham quan nổi tiếng đã phải đóng cửa sau khi có những báo cáo về trường hợp du khách ngã quỵ vì nắng nóng tại các điểm đến đông đúc. Trong đó có cả Acropolis - thành phòng thủ cổ nổi tiếng nhất thế giới, nay là Di sản thế giới của UNESCO ở thủ đô Athens của Hy Lạp đã tạm đóng cửa với du khách vào buổi chiều trong vài ngày kể từ 14/7.
Từ 16/7 lại thêm bão nhiệt (heat storm) Charon (tên gọi được đặt theo tên người lái đò chở các linh hồn trên sông Styx xuống âm phủ trong thần thoại Hy Lạp) bắt đầu di chuyển khắp châu Âu làm trầm trọng thêm tình trạng thời tiết khắc nghiệt.
Theo dự báo thời tiết, Tây Ban Nha hứng chịu đợt nắng nóng mới từ 17-19/7 với nền nhiệt độ có thể lên tới hơn 40 độ C tại quần đảo Canary và khu vực phía Nam Andalusia. Hồi cuối tuần trước cháy rừng đã bùng phát trên đảo La Palma khiến 4.000 người phải sơ tán.
Các nhà dự báo thời tiết cảnh báo thời tiết cực nóng có khả năng kéo dài tới cuối tháng 7. Tuy nhiên nhiệt độ cao có thể giảm bớt tại các nước Tây Âu như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong vài ngày tới.
Sóng nhiệt (heat waves) khiến một số du khách ngất xỉu khi đi ngoài trời, những người khác tìm cách hạ nhiệt dưới các đài phun nước công cộng… Có tin không ít du khách hủy kế hoạch du lịch châu Âu, hoặc thay đổi hành trình để tránh các "điểm nóng" sóng nhiệt.
Nếu đi du lịch châu Âu dịp này, du khách được khuyến cáo: Cần sử dụng kem chống nắng; tránh ra ngoài vào những thời điểm nóng nhất trong ngày và giữ nước (cho cơ thể); không uống rượu vì có thể làm tăng nguy cơ mất nước, kiệt sức vì nóng hoặc say nắng.
Đặc biệt là du khách phải có bảo hiểm du lịch trong trường hợp cần điều trị y tế.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google