Du học sinh Anh chia sẻ áp lực của giới trẻ Nhật Bản và Hàn Quốc
The PIE News đã có cuộc trò chuyện với 2 du học sinh đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc về những áp lực của giới trẻ 2 đất nước này, gồm dân số già, việc làm trong tương lai, sự cạnh tranh trong giáo dục và kỳ vọng của bố mẹ đối với con cái.
Tình trạng dân số già gây áp lực lên giới trẻ Nhật Bản
The PIE News gần đây đã có cuộc trò chuyện với 2 du học sinh đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc - những sinh viên đang theo học tại Đại học Brighton (Anh). Theo đó, họ đã chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về những áp lực thường không được nói ra, từ dân số già đến cuộc sống trong tương lai.
Trước tình trạng dân số già khiến nền kinh tế quốc gia trì trệ và làm chậm sự thay đổi xã hội, Nariko (21 tuổi) đến từ vùng ngoại ô gần Sapporo, Nhật Bản, hiện đang theo học chương trình A-level ở Anh, chuyên ngành Quan hệ quốc tế nói: "Người ta nói rằng, mỗi người sẽ phải chăm sóc một người già trong tương lai. Vì vậy, đây sẽ là gánh nặng cho những người trẻ tuổi. Trong khi đó, người trẻ chúng tôi không thực sự chắc chắn liệu mình có được trả lương hưu trong tương lai hay không khi tuổi nghỉ hưu đang tăng lên.
Mọi việc đang trở nên thực sự khó khăn đối với các gia đình vì họ chưa thấy lương tăng trong một thời gian dài. Tại Nhật Bản, lạm phát vẫn đang gia tăng trong khi các nước châu Á xung quanh khác đang tăng trưởng nhanh chóng. Vậy nên tôi không muốn làm việc ở đây, tôi thực sự không nhìn thấy tương lai tươi sáng".
Theo Nariko, trong khi bản thân là người có quan điểm tiến bộ về các vấn đề xã hội thì ở Nhật Bản, nếu một người có những ý kiến rất khác biệt về các vấn đề như chính trị thì rất có thể người đó sẽ bị tách biệt khỏi cộng đồng.
"Là người Nhật, bạn phải tuân theo những giá trị xã hội nhất định, đặc biệt nếu bạn sống như một phụ nữ ở Nhật Bản, bạn phải chịu áp lực khi phải làm những việc nhất định và không làm những việc nhất định", Nariko giải thích.
Khi du học sinh lựa chọn quay trở về quê hương dù có khó khăn phía trước
Hàn Quốc - một quốc gia châu Á khác có xã hội "siêu già", nơi tỷ lệ sinh thuộc hàng thấp nhất thế giới. Kim Sangwon (25 tuổi) hiện đang học chuyên ngành Tiếng Anh ở Anh cho biết, đất nước của anh là quê hương của "Suneung" - nổi tiếng là một trong những kỳ thi đại học khó nhất thế giới khi quyết định người thi sẽ học đại học nào và cả tương lai của họ.
"Khi còn là học sinh trung học, tôi ở trường từ 9 giờ sáng đến 10 giờ tối. Tôi phải học hàng ngày và điều tương tự lặp đi lặp lại từ thứ Hai đến thứ Sáu, thậm chí cả cuối tuần. Tôi không có nhiều thời gian rảnh vì hệ thống giáo dục Hàn Quốc rất cạnh tranh và rất nhiều phụ huynh mong đợi con mình làm được nhiều việc hơn.
Tôi từng đi học thêm vào cuối tuần. Thật lòng mà nói thì điều này không tốt cho trẻ em", Sangwon nói.
Kể từ khi chuyển đến Vương quốc Anh để học tập, Sangwon đánh giá cao văn hóa châu Âu trong việc khám phá những sở thích rộng hơn bên cạnh sự nghiêm túc trong học tập.
"Tại Hàn Quốc, tôi không có nhiều cơ hội để tìm kiếm những sở thích khác của bản thân hoặc trải nghiệm những điều khác và thực sự tôi không thích điều đó", Sangwon phản ánh.
Tuy nhiên, Sangwon vẫn quyết tâm trở về quê hương để phát triển tương lai. Anh đang đặt mục tiêu đạt được điểm IELTS cao để có cơ hội làm việc tại công ty quốc tế trong lĩnh vực Kỹ thuật hóa học.
Sangwon giải thích: "Tôi muốn tìm kiếm một số doanh nghiệp nước ngoài ở Hàn Quốc. Khi đến Anh, tôi đã nghĩ đến việc tìm việc làm ở đây, nhưng bây giờ tôi nhận ra rằng, tôi rất nhớ đất nước của mình - nơi có gia đình, người thân".
Sangwon hiện đang chờ kết quả bài kiểm tra tiếng Anh của mình nhưng công việc khó khăn vẫn còn ở phía trước đối với anh. Bởi Hàn Quốc nổi tiếng không chỉ với những kỳ vọng giáo dục cao mà còn có thời gian làm việc dài và văn hóa chuyên nghiệp mãnh liệt.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google