Động thái mới của TikTok sau lệnh cấm của Mỹ và EU

Hồng Ngọc
17:50 - 25/04/2024
Công dân & Khuyến học trên

TikTok đã ngừng cung cấp dịch vụ cung cấp phần thưởng trên ứng dụng TikTok Lite tại Pháp và Tây Ban Nha trong bối cảnh Liên minh Châu Âu (EU) đe dọa chặn tính năng này vì lo ngại trẻ em sẽ bị nghiện.

Động thái mới của TikTok sau lệnh cấm của Mỹ và EU- Ảnh 1.

TikTok đang phải đối mặt với nhiều vấn đề pháp lý. Ảnh: Kiran Ridley/AFP/Getty Images

Tính năng mới bị EU "sờ gáy", TikTok tự ngừng cung cấp

Ngày 22/4, ông  Thierry Breton - Ủy viên phụ trách lĩnh vực công nghiệp của EU cho biết, TikTok đã "không chứng minh được" tính năng mới trên TikTok Lite (được ra mắt gần đây ở Pháp và Tây Ban Nha) tuân thủ các nghĩa vụ theo Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA). Đây là trường hợp đầu tiên không tuân thủ tại EU kể từ khi DSA có hiệu lực vào tháng 8/2023.

Theo ông Breton, EU cho rằng dịch vụ này có thể "gây nghiện như thuốc lá" và cho TIkTok 48 giờ để phản hồi bằng bất kỳ biện pháp bảo vệ mới nào.

Dịch vụ cung cấp phần thưởng cho phép người dùng kiếm điểm bằng cách hoàn thành một số nhiệm vụ trên TikTok, chẳng hạn như xem, like video, theo dõi người sáng tạo, mời bạn bè tham gia TikTok… Điểm mà người dùng được thưởng có thể đổi thành các phần thưởng như phiếu giảm giá Amazon, thẻ quà tặng PayPal hoặc tiền TikTok.

Ông Breton cho biết thêm: "Các vụ kiện của chúng tôi chống lại TikTok về nguy cơ gây nghiện của nền tảng này vẫn tiếp tục, bao gồm cả cuộc điều tra để xác định xem việc ra mắt TikTok Lite có tuân thủ DSA hay không. Chúng tôi nghi ngờ rằng tính năng này có thể gây nghiện và TikTok đã không thực hiện đánh giá rủi ro kỹ lưỡng cũng như thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động trước khi ra mắt".

Trong một động thái mới nhất, TikTok thông báo sẽ tạm dừng dịch vụ này tại Pháp và Tây Ban Nha trong 60 ngày đối với người dùng mới kể từ ngày 24/4. Nền tảng chia sẻ video đình đám này cũng sẽ ngừng cung cấp dịch vụ cho các tài khoản hiện tại chậm nhất là vào ngày 1/5 và tạm dừng triển khai ở các quốc gia EU khác.

Người phát ngôn của TikTok cho biết: "TikTok luôn tìm cách hợp tác mang tính xây dựng với Ủy ban EU và các cơ quan quản lý khác. Do đó, chúng tôi tự nguyện tạm dừng các chức năng phần thưởng trong TikTok Lite trong khi giải quyết những lo ngại mà họ đã nêu ra".

Trước đó, tháng 2/2024, EU đã thông báo điều tra các vi phạm tiềm ẩn của TikTok liên quan đến bảo vệ trẻ vị thành niên, tính minh bạch trong quảng cáo và quản lý thiết kế gây nghiện cũng như nội dung có hại.

Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) của EU chính thức có hiệu lực vào tháng 8/2023. DSA là một đạo luật mang tính bước ngoặt để quản lý hoạt động trực tuyến của những công ty công nghệ, nhằm tạo ra một môi trường internet an toàn và minh bạch hơn cho người dùng ở EU. Liên minh châu Âu đưa ra Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) để tạo môi trường internet an toàn và minh bạch cho người dùng.

Có nguy cơ bị cấm tại Mỹ, TikTok tuyên bố "không đi đâu cả" 

Không chỉ ở EU, TikTok cũng nằm trong "tầm ngắm" của chính phủ Mỹ. Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã thông qua luật yêu cầu công ty mẹ ByteDance thoái vốn khỏi TikTok. Dự luật đã được chuyển đến Nhà Trắng và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật vào ngày 24/4.

Đạo luật của Mỹ cho TikTok thời hạn 9 tháng để tách khỏi công ty mẹ ByteDance (có trụ sở tại Trung Quốc) hoặc bị loại khỏi thị trường Mỹ. Theo đạo luật, ByteDance sẽ phải bán ứng dụng hoặc bị loại khỏi các cửa hàng ứng dụng của Apple và Google tại Mỹ. 

Hạn chót để ByteDance thoái vốn là 19/1/2025, một ngày trước khi ông Joe Biden kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn có thể gia hạn 3 tháng nếu đánh giá ByteDance đạt được tiến bộ.

Nếu ByteDance không thoái vốn khỏi TikTok, các cửa hàng ứng dụng do Apple, Google của Alphabet và các hãng khác điều hành khác không thể cung cấp ứng dụng TikTok hoặc dịch vụ lưu trữ web một cách hợp pháp cho các ứng dụng do ByteDance kiểm soát hoặc trang web của TikTok.

Dự luật cũng sẽ cung cấp cho Nhà Trắng những công cụ mới để cấm hoặc buộc bán các ứng dụng khác thuộc sở hữu nước ngoài mà họ cho là mối đe dọa an ninh.

Giám đốc điều hành của TikTok, ông Shou Zi Chew (Châu Thụ Tư), đã tuyên bố sẽ đấu tranh trước các tòa án tại Mỹ với hy vọng lật ngược đạo luật này: “Hãy yên tâm, chúng tôi sẽ không đi đâu cả. Sự thật và Hiến pháp đứng về phía chúng tôi”.

Phát ngôn viên của TikTok trước đó chỉ trích đạo luật sẽ "tước bỏ quyền tự do ngôn luận theo Hiến pháp của 170 triệu người Mỹ, gây thiệt hại cho hàng triệu doanh nghiệp, khiến các nghệ sĩ mất khán giả và phá hủy sinh kế của người sáng tạo trên khắp nước Mỹ".