Đồng phục học trò - cần giữ chuẩn mực môi trường sư phạm nhà trường
Chuyện may sắm đồng phục học sinh ở các nhà trường luôn là vấn đề nhiều băn khoăn đầu năm học. Làm sao để đồng phục đẹp, thuận ý phụ huynh học sinh mà nhà trường vẫn đảm bảo được chuẩn mực môi trường sư phạm?
Đồng phục học sinh ngày càng "phức tạp hoá"
Vào dịp đầu năm học, học sinh thường phải mua đồng phục riêng của nhà trường vì trên áo, quần, váy có màu sắc riêng của từng trường. Vài năm gần đây, cầu kì hơn, các trường quy định các đường viền áo cho mỗi ngày khác nhau, mỗi ngày cổ áo, cánh tay, túi áo lại khác nhau.
Mỗi học sinh đi học, ít nhất phải có 2 bộ quần áo để học chính khóa, mỗi bộ mấy trăm ngàn đồng. Một số tỉnh phía có mùa Đông còn thêm cả áo khoác đồng phục. Bên cạnh đó, học sinh còn phải mua thêm đồng phục thể dục có in tên trường phía sau lưng. Đặc biệt, có trường còn yêu cầu đồng phục thể dục mỗi khối mỗi màu khác nhau. Điều này cũng đồng nghĩa mỗi năm học sinh phải mua ít nhất một bộ để đồng phục với các bạn trong lớp - dù quần áo năm trước chưa quá cũ.
Những trường loại III, loại II (từ 27 lớp trở xuống) thì số lượng học sinh mỗi năm dao động cũng từ 500-1.200 học sinh. Số lượng đồng phục của học sinh cũng phải lên đến hàng ngàn bộ (số lượng giảm dần ở các khối lớp cao hơn). Những trường loại I (từ 28 lớp trở lên) dao động khoảng trên dưới 2.000 học sinh thì số lượng đồng phục bán ra đầu năm lên đến mấy ngàn bộ.
Các phụ huynh buộc phải mua đồng phục của nhà trường vì mua bên ngoài sẽ không có. Vậy vì sao càng ngày các trường phải gia tăng tính phức tạp của đồng phục học sinh. Trong khi chưa chắc việc đồng phục có thể thúc đẩy tăng chất lượng giáo dục, trong khi trước mắt, nhiều phụ huynh sẽ gặp khó khăn khi mua sắm đồng phục cho con đến trường.
Đằng sau việc đồng phục học sinh năm học mới
Các đơn vị, cá nhân cung cấp sản phẩm đồng phục cho học sinh trong trường không phải "tự nhiên" mà có thể cung ứng sản phẩm cho nhà trường. Họ phải có mối quan hệ, "đi lại" với với hiệu trưởng, ban giám hiệu nhà trường thì mới thuận lợi trong việc cung ứng sản phẩm cho học sinh. Vì vậy, việc giá cả đồng phục học sinh luôn cao là do thế độc quyền, lợi thế quen biết này.
Hiện, không chỉ riêng gì đồng phục của học sinh mà có rất nhiều dịch vụ cung cấp sản phẩm cho trường học được tiếp thị ở các nhà trường. Vào dịp hè, luôn có rất nhiều người vào chào mời sản phẩm và họ cũng không ngần ngại nói về những mức chiết khấu cho nhà trường từng loại sản phẩm cụ thể. Vì thế, phía sau những bộ đồng phục của học trò bán trong các nhà trường là cả một thị trường nhộn nhịp đầu năm học.
Đồng phục cho học sinh như thế nào là phù hợp?
Một phụ huynh có con học lớp 10 chia sẻ: "Gia đình tôi rất may mắn là suốt 4 năm con học ở trường trung học cơ sở, dù là trường loại I nhưng ban giám hiệu nhà trường chỉ bán mỗi đồng phục thể dục cho học sinh. Còn lại, quần áo học chính khóa trên lớp chỉ quy định áo cộc tay trắng, quần xanh và trên túi áo của học sinh có dán tên học sinh, tên trường (mỗi cái 2.000 đồng). Vì thế, phụ huynh có thể ra ngoài các cửa hàng mua quần áo phù hợp cho con em mình.
Năm nay, con vào trường trung học phổ thông chuyên nhưng hôm họp phụ huynh, thầy chủ nhiệm thông tin đối với học chính khóa thì học sinh mua quần xanh, áo trắng ngắn tay. Nữ sinh có thêm quần áo dài trắng nhưng nhấn mạnh là đừng mỏng quá, may kín cổ để mặc vào thứ 2 chào cờ và các ngày lễ trong năm. Nhà trường chỉ bán áo đồng phục thể dục, còn quần thể dục phụ huynh tự mua ở ngoài. Vì thế, chuyện đồng phục của con, phụ huynh không có gì phải buồn phiền, phản đối mà nhà trường cũng không mang tiếng như một số trường học khác".
Từ những lời chia sẻ của phụ huynh, cũng như thực tế tại các nhà trường cho thấy đồng phục của học sinh phổ thông dù là cấp nào đi chăng nữa thì nhà trường cũng không nên đứng ra bán cho học trò. Học sinh phổ thông thì cứ áo trắng, quần xanh là phù hợp và đẹp nhất. Muốn dễ dàng quản lý học sinh, hoặc tạo điểm khác biệt cho nhà trường thì chỉ cần cái phù hiệu dán trên ngực áo vài ngàn đồng là được. Việc đồng phục áo trắng, quần xanh nếu trường nào cũng mặc giống nhau thì anh chị mặc xong, nếu khó khăn, các em phía sau cũng mặc được, chỉ cần gỡ tên trên túi áo và dán cái tên mới vào là được.
Thương hiệu nhà trường là hiệu quả đào tạo, là cách quản lý, dạy dỗ, giáo dục học trò sao cho tốt nhất. Học sinh có động lực học tập, có ý chí tiến thủ và biết sẻ chia, đồng cảm với mọi hoàn cảnh khác nhau mới là điều trân quý và tạo ta thương hiệu cho nhà trường. Còn việc cái quần, cái áo đồng phục được may thêm vài đường viền xanh, đỏ lên nền vải trắng để tạo "thương hiệu" hay sự khác biệt cho học trò là hình thức, không cần thiết.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google