Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Sức sống mãnh liệt từ trong đổ nát

N.Cường
12:05 - 12/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Những người sống sót vẫn đang được tìm thấy khi số người chết trong trận động đất ngày 6/2 đã lên tới 28.000 người và khiến hàng triệu người mất nhà cửa.

"Tôi nghĩ rằng tôi đã chết và không thể sống lại được nữa"

Ibrahim Zakaria mất ý thức về thời gian, lúc tỉnh lúc mê khi bị mắc kẹt gần 5 ngày trong đống đổ nát của ngôi nhà sau trận động đất lớn xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ngày 6/2 vừa qua.

Nhân viên cửa hàng điện thoại di động 23 tuổi này đến từ thị trấn Jableh của Syria đã sống sót nhờ những giọt nước bẩn và cuối cùng mất hy vọng rằng mình sẽ được cứu.

Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Niềm tin, sức sống mãnh liệt từ trong hoang tàn, đổ nát - Ảnh 1.

Ibrahim Zakaria - nạn nhân của vụ động đất ngày 6/2. Ảnh: AP

Chia sẻ với hãng tin AP vào ngày 11/2 từ giường bệnh của một bệnh viện ở thành phố ven biển Latakia, Ibrahim Zakaria cho biết: "Tôi nghĩ rằng tôi đã chết và tôi sẽ không thể sống lại được nữa".

Phép màu của sự sống

5 ngày sau hai trận động đất mạnh cách nhau vài giờ khiến hàng nghìn tòa nhà sụp đổ, giết chết hơn 28.000 người và khiến hàng triệu người mất nhà cửa, lực lượng cứu hộ vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm và đưa những người hy vọng sống sót mong manh ra khỏi đống đổ nát. Và một trong những điều kỳ diệu của sự sống từ trong đống đổ nát là em bé mới 7 tháng tuổi.

Khi tìm được nạn nhân vẫn còn sự sống, những người đàn ông và phụ nữ trong đội cứu hộ làm việc dưới nhiệt độ đóng băng đã quên cả mệt mỏi. Họ hét lên "Allahu akbar!" - "Chúa thật vĩ đại!". Có những điều tưởng như không có thật nhưng vẫn có thể xảy ra, bất chấp không khí đau buồn, tuyệt vọng và thất vọng ngày càng tăng đang bao trùm ở nhiều nơi kể từ khi trận động đất xảy ra.

Hơn chục người sống sót đã được giải cứu ngày 11/2, bao gồm một gia đình ở Kahramanmaras, thành phố Thổ Nhĩ Kỳ - nơi gần tâm chấn nhất của trận động đất ngày 6/2. Lực lượng cứu hộ ở đó đã giúp Nehir Naz Narli, 12 tuổi đến nơi an toàn trước khi quay về với cha mẹ của em.

Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Niềm tin, sức sống mãnh liệt từ trong hoang tàn, đổ nát - Ảnh 3.

Lực lượng cứu hộ đưa ông Abdulkerim Nano, 67 tuổi - nạn nhân vụ động đất ngày 6/2, lên xe cấp cứu ở Kahramanmaras, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 11/2. Ảnh: AP

Tại tỉnh Gaziantep, giáp biên giới với Syria, một gia đình 5 người đã được giải cứu khỏi một tòa nhà bị phá hủy ở thành phố Nurdagi, và một người đàn ông cùng cô con gái 3 tuổi của mình đã được kéo ra khỏi đống đổ nát ở thị trấn Islahiye. Một bé gái 7 tuổi cũng được giải cứu ở tỉnh Hatay.

Ở Elbistan, một quận thuộc tỉnh Kahramanmaras, Melisa Ulku, 20 tuổi và một người khác đã được cứu khỏi đống đổ nát sau 132 giờ kể từ khi trận động đất xảy ra. Trước khi cô được đưa đến nơi an toàn, cảnh sát đã yêu cầu những người chứng kiến không cổ vũ hay vỗ tay để không cản trở nỗ lực cứu hộ gần đó.

Đài truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin một người đàn ông 44 tuổi ở Iskenderun, tỉnh Hatay, đã được giải cứu sau 138 giờ thử thách. Những người cứu hộ đã bật khóc và gọi đó là một phép màu. Họ đã nghĩ không ai còn sống nhưng khi đào từ đống đổ nát, họ nhìn thấy đôi mắt của người đàn ông và nghe thấy anh nói tên của mình. Một bé trai tên Hamza được tìm thấy còn sống ở Antakya sau 140 giờ từ trận động đất.

Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Niềm tin, sức sống mãnh liệt từ trong hoang tàn, đổ nát - Ảnh 4.

Các nhân viên cứu hộ tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân của trận động đất ở Antakya, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 11/2. Ảnh: AP

Thảm họa của thế kỷ

Không phải mọi nỗ lực cứu hộ đều kết thúc có hậu. Zeynep Kahraman, người được đưa ra khỏi đống đổ nát sau cuộc giải cứu ngoạn mục kéo dài 50 giờ, đã qua đời tại bệnh viện trong đêm. Tổ chức phi chính phủ chuyên giúp đỡ các nạn nhân trong thiên tai ISAR của Đức giải cứu cô ấy đã rất sốc và đau buồn.

"Điều quan trọng là gia đình có thể nói lời tạm biệt, rằng họ có thể gặp lại nhau một lần nữa, có thể ôm nhau lần nữa", một thành viên của đội cứu hộ nói với kênh truyền hình quốc gia của Đức.

Chỉ tính riêng ở Thổ Nhĩ Kỳ, trận động đất ngày 6/2 đã giết chết 24.617 người và làm bị thương ít nhất 80.000 người.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thừa nhận rằng phản ứng ban đầu sau trận động đất của chính phủ nước này bị cản trở do đường sá và cơ sở hạ tầng khác bị hư hại nặng nề khiến việc tiếp cận hiện trường một số điểm trở nên khó khăn.

Ông cũng cho biết khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất có đường kính 500km (310 dặm) và là nơi sinh sống của 13,5 triệu người ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Điều đó có nghĩa là các đội cứu hộ đã phải lựa chọn cách thức và địa điểm để giúp đỡ.

Trong chuyến thị sát các thành phố bị động đất tàn phá ngày 11/2, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết thảm họa ở mức độ này là rất hiếm khi xảy ra và một lần nữa gọi nó là "thảm họa của thế kỷ".

Nguồn: AP