Doanh thu sụt giảm mạnh, giải pháp nào để phát triển kinh tế báo chí?

N.Cường
11:54 - 24/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Báo chí đã có nhiều đóng góp vào thành công trong phòng, chống đại dịch COVID-19 tại Việt Nam. Song, nghịch lý là, doanh thu báo chí lại ghi nhận có sự sụt giảm mạnh dù tỷ lệ người xem, người đọc tăng lên.

Câu chuyện "nghịch lý" của doanh thu báo chí

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam trong hơn hai năm qua nhưng cũng đem lại cơ hội tăng tốc cho chuyển đổi số quốc gia. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh việc "chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số".

Trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí có vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đầy đủ, chính xác, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm tạo sự đồng thuận, tạo niềm tin xã hội, tạo nội lực thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.

Doanh thu báo chí sụt giảm mạnh

Tại Diễn đàn Kinh tế Báo chí 2023 do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định và Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tổ chức ngày 24/2, đại diện Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Qua khảo sát, nắm bắt số liệu của 159 cơ quan báo chí in và điện tử (81 báo, 78 tạp chí), trong 2 năm đại dịch, tổng doanh thu đều giảm, trong đó, tổng doanh thu khối báo trong năm 2021 giảm 30,6% so với năm 2020 (năm 2020 là 2.855 tỷ đồng, năm 2021 là 1.952 tỷ đồng); tổng doanh thu khối tạp chí từ 307 tỷ đồng năm 2019 giảm còn 259 tỷ đồng trong năm 2020 và năm 2021 tiếp tục giảm mạnh xuống chỉ còn 170 tỷ đồng. Doanh thu Đài phát thanh, truyền hình năm 2021 cũng giảm 10% so với năm 2020.

Thống kê từ tháng 4 đến tháng 9/2021, theo SimilarWeb, lượng truy cập của các tờ báo điện tử Việt Nam giảm trung bình 11%, trong đó Báo điện tử VnExpress và Báo điện tử Tuổi trẻ giảm 12%, Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến và Báo điện tử Dân trí cùng ở mức giảm 11,79%...

Thống kê đến tháng 7/2022, sau dịch COVID-19, lượng truy cập vào các báo điện tử đã có xu hướng tăng so với tháng 6/2022, như: Báo Lao động tăng 16,23%, Báo điện tử Thanh niên tăng 11,2%, Báo điện tử VietNamNet tăng 5,81%, Báo điện tử VnExpress tăng 3,22%, Báo điện tử Dân trí tăng 2,34%, Báo điện tử Tuổi trẻ tăng 1,97% và Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến tăng 0,53%.

Thực tế là dù báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình, vẫn dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Nếu như trước đây, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90% thì giờ đây sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là báo in. Nhiều người đặt kỳ vọng vào báo chí điện tử, song nguồn thu từ báo chí điện tử dù tăng nhưng vẫn cần nhiều thời gian để có được nguồn thu bền vững hơn.

Doanh thu sụt giảm mạnh, giải pháp nào để phát triển kinh tế báo chí? - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế báo chí 2023. Ảnh: PV

3 thách thức lớn của báo chí cách mạng Việt Nam

Đại dịch COVID-19 làm lộ rõ và trầm trọng thêm những khó khăn và áp lực về kinh tế báo chí. Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã đặt ra câu hỏi nghiêm túc về tính bền vững của các nguồn thu cho tòa soạn.

Các cơ quan báo chí cơ bản đã chủ động thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhưng khó khăn về nguồn kinh phí cho công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là các cơ quan báo chí tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc cơ quan báo chí phụ thuộc vào nguồn thu dịch vụ.

Sự quan tâm, chỉ đạo, định hướng của cơ quan chủ quản báo chí về nguồn lực cho cơ quan báo chí hoạt động chưa đồng đều, có nhiều hạn chế.

Trong bối cảnh hiện nay khi chuyển đổi lên không gian số, báo chí muốn giữ vững sứ mệnh báo chí cách mạng, phát triển đúng hướng, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đang phải đối mặt với thách thức lớn chưa từng có: (1) Cạnh tranh với nguồn thông tin khổng lồ trên không gian mạng. (2) Thu hút độc giả trước những thay đổi hành vi của độc giả do công nghệ làm báo mới. (3) Định hướng dư luận xã hội, phát huy vai trò "dòng chảy chính" trong bối cảnh thiếu nguồn lực.

Nguồn lực phát triển cho hoạt động báo chí

Theo Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông: Kinh tế báo chí thể hiện nguồn lực phát triển cho hoạt động báo chí, nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn của người làm báo. Việc khai thác cơ chế đặt hàng của các cơ quan nhà nước cũng là một trong những phương thức hiệu quả giúp cơ quan báo chí vừa tăng được doanh thu, vừa thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Thực tế, Nhà nước luôn quan tâm hỗ trợ đối với các cơ quan báo chí. Khi nhiều cơ quan báo chí bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt hàng báo chí thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền phòng, chống COVID-19 với kinh phí 4 tỷ đồng, bên cạnh việc đặt hàng tuyên truyền thường xuyên về phòng, chống ma túy, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ chủ quyền biển đảo, phòng, chống mua bán người... với kinh phí 8 tỷ đồng.

Năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt hàng 80 cơ quan báo chí Trung ương tuyên truyền về phòng, chống COVID-19 và tuyên truyền các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh doanh (theo Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ) với kinh phí 45 tỷ đồng. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã huy động nguồn lực xã hội hóa, mua báo và phát tặng hơn 4,7 triệu tờ cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội...

Ngày 31/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg về nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu của các cơ quan báo chí giai đoạn 2021 - 2025, trong đó yêu cầu các cơ quan chủ quản báo chí tạo điều kiện cho cơ quan báo chí trực thuộc nâng cao chất lượng thông tin; hằng năm, tăng khoảng 20% số lượng tin, bài, thời lượng chương trình phát thanh, truyền hình sản xuất mới phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu so với năm 2020.

Xu hướng thu phí nội dung trên báo chí điện tử

Thu phí nội dung trên báo chí điện tử đang là xu hướng chung của báo chí thế giới. Đây cũng là hướng đi rất đáng quan tâm, nếu nhiều cơ quan báo chí thực hiện và được hỗ trợ tích cực từ các nhà cung cấp giải pháp công nghệ, nhất là trong thanh toán.

Số lượng thuê bao đọc báo điện tử đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2019. 50% lãnh đạo các cơ quan báo chí tại 32 quốc gia kỳ vọng việc thu phí báo chí điện tử sẽ là nguồn thu chính trong thời gian tới (theo khảo sát của Viện nghiên cứu Báo chí Reuters).
Báo cáo Global Digital Subscription của Mạng lưới truyền thông toàn cầu (FIPP)

Tại Việt Nam, hiện có 5 cơ quan báo chí triển khai thu phí: Báo điện tử VietnamPlus (năm 2018), Báo điện tử VietnamNet, Tạp chí điện tử Ngày Nay (năm 2021), Báo Người Lao động, Báo Tuổi trẻ (năm 2022).

Tuy nhiên, các cơ quan báo chí này mới chỉ thử nghiệm ở một số chuyên mục, được đầu tư hơn về chất lượng và nội dung. Mô hình thu phí nội dung ở Việt Nam mới chỉ ở bước khởi đầu, cần có thêm thời gian để mô hình này trở nên phổ biến hơn.

Diễn đàn Kinh tế Báo chí 2023. Ảnh: PV

Quy hoạch báo chí để phát triển

Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2019 hướng tới mục tiêu "Sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử"; "Phát triển báo chí phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ và thông tin, truyền thông thế giới. Kết hợp chặt chẽ các loại hình báo chí đồng thời phát huy lợi thế của các phương tiện, dịch vụ thông tin Internet nhằm chủ động cung cấp thông tin chính thống, có định hướng, tăng diện bao phủ trong nước và quốc tế; hạn chế ảnh hưởng tiêu cực và bảo đảm an toàn, an ninh mạng".

Sau quy hoạch giai đoạn 1, đã giảm 39 cơ quan báo thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tổ chức hội ở Trung ương; giảm 31 cơ quan báo thuộc các địa phương. So với năm 2019 có 195 cơ quan báo thì năm 2021 đã giảm 70 cơ quan báo (tương đương 36%); không còn cơ quan báo thuộc các Hội, Hiệp hội.

Hệ thống báo chí có sự thay đổi rõ rệt về cơ cấu, cách thức thông tin, thể hiện sự phân vai rõ hơn giữa báo và tạp chí.

Từ năm 2020 - 9/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thu hồi giấy phép hoạt động của 184 cơ quan báo chí, trong đó có 69 báo, 115 tạp chí do giải thể, chuyển cơ quan chủ quản, chuyển đổi mô hình, sáp nhập, chấm dứt hoạt động để thực hiện quy hoạch báo chí.

Đến tháng 12/2022, cả nước có 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí và 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã cấp lại giấy phép hoạt động của hàng chục cơ quan báo và tạp chí, qua đó đã làm rõ thêm các khái niệm, nội hàm và nêu rõ nghĩa vụ của cơ quan báo chí trong việc thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép.

Sau khi đã hoàn thành giai đoạn 1 về sắp xếp, quy hoạch cơ quan báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tập trung thực hiện giai đoạn 2 của Quy hoạch, trong đó sẽ chú trọng đến những giải pháp hỗ trợ báo chí phát triển đúng hướng: Giải quyết căn cơ câu chuyện kinh tế báo chí và chuyển đổi số báo chí, tập trung cho các đề án xây dựng hệ thống các cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện quốc gia; củng cố phát triển hệ thống các cơ quan báo chí có ảnh hưởng lớn trong xã hội; có chính sách hỗ trợ và nâng cao thứ hạng, uy tín của các tạp chí khoa học, đồng thời giải quyết triệt để các vấn đề nhức nhối, tồn tại kéo dài nhiều năm trong hoạt động báo chí.

Doanh thu sụt giảm mạnh, giải pháp nào để phát triển kinh tế báo chí? - Ảnh 8.

Doanh thu báo chí ghi nhận có sự sụt giảm mạnh dù tỷ lệ người xem, người đọc tăng lên. Ảnh: medium

Chuyển đổi số báo chí hình thành sản phẩm báo chí số

Chuyển đổi số trong báo chí là việc sử dụng các công nghệ số nhằm thay đổi toàn diện hoạt động tòa soạn từ quản trị nhân lực, sản xuất, tối ưu hóa dữ liệu, đến quy trình xuất bản, phân phối nội dung nhằm tạo ra một tòa soạn/tổ hợp báo chí hội tụ đa phương tiện, kết nối thuận tiện với độc giả, đảm bảo vai trò trụ cột trong định hướng thông tin và dư luận xã hội. Chuyển đổi số cũng gắn với phát triển kinh tế số, đa dạng hóa nguồn thu, tăng sức cạnh tranh của cơ quan báo chí với các nền tảng xuyên biên giới...

Báo cáo Xu hướng báo chí 2021 - 2022 của Hiệp hội Báo chí và các Nhà xuất bản Tin tức thế giới (WAN-IFRA) cho thấy: Chuyển đổi số được đặt ở vị trí trung tâm, được xem là mục tiêu cấp thiết, nhưng đồng thời cũng là quá trình dài hạn, không chỉ để tiếp cận với đông đảo độc giả hơn, sáng tạo ra những sản phẩm báo chí mới mà còn nhằm tăng trưởng lợi nhuận.

Để chuyển đổi mô hình doanh thu, các tòa soạn cần nâng cao chất lượng nội dung và giảm chi phi phí vận hành, sản xuất, phân phối. Bên cạnh đó, báo chí truyền thống cần có công cụ giúp hiểu thị hiếu và hành vi của độc giả để cá nhân hóa thông tin.

Ngoài ra, các tờ báo cần phải có mô hình quảng cáo hiệu quả, bằng cách ứng dụng công nghệ vào việc quản lý vận hành và sản xuất nội dung, đưa nội dung tiếp cận tới độc giả. Chuyển đổi số thành công cần công nghệ, giải pháp, sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, các nhà mạng viễn thông và quan trọng nhất là sự đồng thuận, liên kết của các cơ quan báo chí. Sự liên kết này sẽ tạo ra sức mạnh, giúp cơ quan báo chí phát triển phù hợp với xu thế phát triển chung của báo chí khu vực và trên thế giới.

Việt Nam đã có một số cơ quan báo chí chuyển đổi số trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện như Thông tấn xã Việt Nam, VOV, VTV, VietnamPlus, VnExpress, Báo Tuổi trẻ... hay một số báo chí địa phương cũng đã ghi nhận những bước thay đổi.

Điển hình là Báo điện tử VietnamPlus, từ năm 2016, xuất bản các bài longform, hoặc kết hợp nhiều yếu tố đa phương tiện để tăng cường trải nghiệm cho độc giả. Báo đã tiên phong sử dụng các công cụ kỹ thuật hiện đại nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường trải nghiệm cho độc giả bằng những sản phẩm báo chí sáng tạo như hình ảnh, video 360 độ, newsgame, RapNewsPlus hay giúp độc giả lựa chọn bài viết qua các sản phẩm sử dụng công nghệ tự động hoặc trí tuệ nhân tạo hoặc tiến tới giúp độc giả cá nhân hóa trang tin, áp dụng công nghệ VR, AR….

6 giải pháp phát triển kinh tế báo chí

Tại Diễn đàn Kinh tế Báo chí 2023 tổ chức ngày 24/2 tại tỉnh Bình Định, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra 6 đề xuất, kiến nghị để phát triển kinh tế báo chí trong thời gian tới.

Một là, sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế báo chí.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ, có hiệu quả Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 nhằm phát triển báo chí "chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Ba là, tăng cường đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí theo tinh thần Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 31/3/2021 về nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu của các cơ quan báo chí giai đoạn 2021 - 2025. Cơ quan chủ quản xây dựng lộ trình tự chủ của các cơ quan báo chí phù hợp với Quy hoạch; quan tâm, tạo cơ chế, giao nguồn lực để cơ quan báo chí có điều kiện nâng cấp, kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc và thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Bốn là, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí thể hiện vai trò dẫn dắt, hỗ trợ cơ quan báo chí trong chuyển đổi số, trong các hoạt động kinh tế báo chí. Đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ đo lường hiệu quả trong hoạt động chỉ đạo, quản lý báo chí, tăng cường bảo vệ quyền lợi của báo chí trên các nền tảng xuyên biên giới.

Năm là, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chủ quản báo chí tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 03/4/2019 phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, trong đó quan tâm đến chuyển đổi số, phát triển kinh tế báo chí; tăng cường trách nhiệm cơ quan chủ quản báo chí trong chỉ đạo, bố trí kinh phí và tạo điều kiện cho cơ quan báo chí trực thuộc triển khai chuyển đổi số, phát triển kinh tế báo chí; tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức cho đội ngũ lãnh đạo cơ quan báo chí, biên tập viên, phóng viên về chuyển đổi số và kinh tế báo chí, đẩy mạnh phổ biến kỹ năng tham gia không gian mạng an toàn.

Sáu là, các cơ quan báo chí đổi mới nhận thức, tư duy về chuyển đổi số, kinh tế báo chí; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, phát triển sản phẩm báo chí chất lượng cao, thường xuyên đổi mới sản xuất theo xu hướng báo chí số với mục tiêu lấy "bạn đọc là trung tâm". Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí trong thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế báo chí gắn với việc thực hiện nghiêm quy định pháp luật về báo chí, đặc biệt là thực hiện tôn chỉ, mục đích.

Thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Tờ trình Chính phủ về Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu "Báo chí phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ; phát triển các sản phẩm báo chí số, các nền tảng phân phối nội dung số, làm chủ nền tảng phân phối nội dung trên không gian mạng. Người dân, tổ chức, doanh nghiệp được tiếp cận thông tin trên môi trường số theo nhu cầu, mọi lúc, mọi nơi, không bị hạn chế về không gian, thời gian, vị trí địa lý".