Diện mạo mới của cầu gỗ Ông Cọp

TTH
12:14 - 19/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sau thời gian hư hại nặng do mưa lũ, cầu Ông Cọp - cây cầu gỗ tại Phú Yên được giới trẻ gán cho danh hiệu cầu gỗ dài nhất Việt Nam sửa chữa xong đón khách đi lại và du ngoạn.

Diện mạo mới của cầu gỗ Ông Cọp - Ảnh 1.

Giới trẻ tìm đến cây cầu gỗ Ông Cọp để vui chơi, chụp ảnh. Ảnh: TTH

Cầu gỗ Ông Cọp có chiều dài hơn 800m, bề ngang 2m, trụ cầu cao hơn 5m bắc qua sông Bình Bá để nối các xã An Ninh Tây, An Ninh Đông của huyện Tuy An với thị xã Sông Cầu của tỉnh Phú Yên.

Cầu được một người dân xây dựng lần đầu tiên vào năm 1998, sau đó kết hợp cùng một nhóm người dân địa phương để xây dựng và tu bổ cầu hằng năm với chi phí gần một tỉ đồng. Vật liệu chính của cầu là ván gỗ, thân cây phi lao, bạch đàn, còn thành cầu bằng thân tre già phục vụ người đi bộ, xe máy và các phương tiện thô sơ. 

Cây cầu dài gần 1 cây số này thường bị lũ cuốn trôi vào mùa mưa. Sau đó, chủ cây cầu phải đầu tư xây dựng lại. Vài năm gần đây, vào mùa mưa, chủ cây cầu tháo dỡ cầu cất đi, hết mùa mưa lại lắp ráp lại để tránh thiệt hại. Tuy nhiên, vừa qua, lũ bất ngờ làm cây cầu hư hại nặng, mới đây mới sửa xong. 

Nếu không đi qua cây cầu này, người dân hướng từ An Ninh Tây, An Ninh Đông ra quốc lộ 1 phải đi vòng xa thêm 10km qua đường khác. Chủ cây cầu thu phí khách qua cầu, tuy nhiên người già và trẻ em đi học hằng ngày thì được miễn phí. 

Cây cầu hình thành nhanh chóng trở thành điểm tham quan du lịch của tỉnh Phú Yên, nối các điểm du lịch như gành Đá Đĩa, chùa Đá Trắng, đầm Ô Loan... Do cửa sông đổ ra biển tại đây hiền hoà, thanh bình, đặc biệt đây là nơi chụp các bức ảnh du lịch mang nét đặc trưng riêng với nắng gió của miền biển Nam Trung Bộ. 

Diện mạo mới của cầu gỗ Ông Cọp - Ảnh 2.

Khung cảnh thanh bình dưới cầu Ông Cọp, Phú Yên. Những chiếc thuyền nhỏ màu sắc nổi bật trên làn nước trong được dân địa phương gọi là sõng. Ảnh: TTH

Diện mạo mới của cầu gỗ Ông Cọp - Ảnh 3.

Cuộc sống thường ngày quanh cây cầu Ông Cọp, Phú Yên. Ảnh: TTH

Diện mạo mới của cầu gỗ Ông Cọp - Ảnh 4.

Khu vực xung quanh cầu gỗ Ông Cọp thưa thớt dân cư, chỉ có bãi bồi ven sông và dân chài lưới, nuôi vịt. Ảnh: TTH

Diện mạo mới của cầu gỗ Ông Cọp - Ảnh 5.

Khách du lịch vui vẻ trả phí giá rẻ qua cầu. Ảnh: TTH