Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2024 thành công với 10 phiên thảo luận chuyên sâu

PV
23:26 - 16/03/2024
Công dân & Khuyến học trên

Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 vừa bế mạc chiều 16/3, đa số các ý kiến tại DIễn đàn thống nhất rằng, đối với hoạt động báo chí trong môi trường số, việc chuyển đổi số là xu hướng bắt buộc. Đây cũng là cơ hội và thách thức.

Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 vừa bế mạc chiều 16/3. Đây là một trong những hoạt động chính của Hội báo toàn quốc năm 2024 diễn ra từ ngày 15-17/3 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Dự phiên bế mạc có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, các ban, ngành, doanh nghiệp; các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.
Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2024 thành công với 10 phiên thảo luận chuyên sâu- Ảnh 1.

Ông Lê Quốc Minh phát biểu tại phiên bế mạc

Từ thành công của Diễn đàn, các cơ quan báo chí có thể hiện thực hóa và mang lại những thay đổi tích cực

Phát biểu tại lễ bế mạc, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam cho biết, diễn đàn đã diễn ra thành công với 1 phiên khai mạc và 10 phiên thảo luận với những vấn đề trọng yếu của báo chí Việt Nam.

Theo ông Lê Quốc Minh, thông qua những kết quả thảo luận của Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm nay, các cơ quan báo chí có thể hiện thực hóa và mang lại những thay đổi tích cực trong báo chí Cách mạng Việt Nam.

Diễn đàn có 60 diễn giả và khách mời trong nước và quốc tế, thu hút hàng ngàn người tham dự. Tại đây có rất nhiều tham luận, thảo luận, tâm huyết từ các nhà báo, nhà quản lý và nhà nghiên cứu dành cho diễn đàn.

Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2024 thành công với 10 phiên thảo luận chuyên sâu- Ảnh 2.

Ông Lê Quốc Minh tặng hoa các diễn giả.

Diễn đàn đã tập trung vào những vấn đề quan trọng, như: Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí, Xây dựng môi trường văn hóa báo chí; Báo chí dữ liệu với chiến lược vượt trội, Nâng cao năng lực cạnh tranh của truyền hình trong thời đại AI; Phát thanh năng động trong môi trường số; Đầu tư ứng dụng công nghệ tại tòa soạn…

Ông Lê Quốc Minh nhận định, các tham luận, ý kiến của diễn giả và tương tác tại các phiên thảo luận đã làm sáng tỏ hơn những chủ đề và gợi mở cho các nhà báo, nhà quản lý báo chí hướng ứng dụng và giải pháp để vượt qua khó khăn, thách thức, hiệu quả hoạt động của báo chí, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các cơ quan báo chí trong kỷ nguyên số.

Cùng với đó, các ý kiến cũng đã thống nhất cao những vấn đề mấu chốt cơ bản đó là vai trò quan trọng của báo chí cách mạnh trong tuyên truyền phổ biến, định hướng chủ trương đường lối của đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cầu nối gắn bó mật thiết với nhân dân.

Đối với hoạt động báo chí trong môi trường số, đại biểu cũng thống nhất là chuyển đổi số là xu hướng bắt buộc. Đây cũng là cơ hội và thách thức, các đài phát thanh, truyền hình phải có chiến lược đầu tư phát triển phù hợp.

Nhiều giải pháp và kiến nghị cho hoạt động báo chí trong kỷ nguyên số

Tại phiên thảo luận với chủ đề: "Phóng sự, phóng sự điều tra và hành trình làm điều có ích" do Nhà báo điều tra Đỗ Doãn Hoàng, Báo điện tử Dân Việt chủ trì, với sự tham dự tham luận, phát biểu thảo luận của các diễn giả nổi tiếng trong mảng phóng sự điều tra, gồm: Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong; Nhà báo Lê Anh Đạt, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Đại Đoàn Kết. Các phóng viên Hồ Trí, Đài Truyền hình Việt Nam; Chu Trung Đức, Đài Tiếng nói Việt Nam; Võ Mạnh Hùng, Báo Điện tử VietnamPlus;...

Theo nhà báo Lê Anh Đạt, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Đại Đoàn Kết, thực tế tác nghiệp phóng viên thường xuyên đối diện với rủi ro có thể trở thành tội phạm, trong các tình huống như: không báo cáo cơ quan khi đi tác nghiệp; nhập vai đường dây mua bán hàng hóa pháp luật; tham gia sự kiện có vấn đề; tham gia điều tra kiểu đặc tình của công an;… để làm rõ dấu hiệu, lấy chứng cứ vi phạm của đối tượng;… Đối với các tình huống kể trên đều có thể bị quy là thúc đẩy phạm tội, hoặc là phạm tội. Đó là những nguy hiểm rình rập nếu tòa soạn và phóng viên không ý thức một cách nghiêm túc ngay từ khi triển khai đề tài.

Theo đó, nhà báo Lê Anh Đạt đề xuất giải pháp, khi điều tra nhập vai có dấu hiệu nguy hiểm, liên quan các hành vi vi phạm pháp luật, các tòa soạn nên có kế hoạch và thông báo (tùy mức độ, linh hoạt, sáng tạo) với cơ quan công an, chính quyền địa phương…, để tránh các rủi ro (ví dụ xâm nhập đường dây buôn lậu, buôn bán ma túy, mại dâm, hoặc mua bán hàng hóa trái luật…

Ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp, hiến kế của diễn giả tại phiên thảo luận này, nhà báo Lê Quốc Minh đúc kết 4 giải pháp và kiến nghị được các đại biểu và diễn giả truyền tải tại phiên thảo luận, gồm:

Một là, tiếp tục có chương trình, giáo trình, có đội ngũ nhân sự để đào tạo các phóng viên điều tra ngay từ khi các em còn học đại học; 

Hai là, tại các cơ quan báo chí nhất là các cơ quan báo chí lớn, tùy điều kiện khôi phục lại nhóm/tổ/phòng ban chuyên về thể loại điều tra. Trên các số báo; giao diện; chương trình của các cơ quan báo chí nên duy trì những chuyên mục, mục, chương trình với tên gọi gắn với thể loại nhằm "giữ lửa" cho thể loại và giữ chân độc giả yêu thích thể loại này đồng thời lôi kéo phát triển các nhóm độc giả mới;

Ba là, cần có cơ chế chính sách phù hợp về điều kiện làm việc, thu nhập, nhằm khuyến khích những cây viết lĩnh vực này yên tâm công tác, có thu nhập khá, có sự đảm bảo khi gặp rủi ro, sự cố. Cần thiết có thể thành lập "Quỹ phòng ngừa rủi ro". Cơ quan báo chí ưu tiên đầu tư về công nghệ phương tiện để hỗ trợ các tác phẩm báo chí không chỉ có chất lượng cao mà còn có hình thức hấp dẫn, tiếp cận nhanh nhất đến độc giả;

Bốn là, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cần nghiên cứu cơ chế, chính sách; đưa ra các kiến nghị để coi người làm báo chí điều tra là những người thi hành công vụ.

Một phiên thảo luận khác với chủ đề: Mô hình hợp tác hiệu quả giữa báo chí, doanh nghiệp và đại lý quảng cáo - cũng đặt ra vấn đề hiện nay nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm ngân sách quảng cáo trên báo chí và truyền hình; ngân sách hợp tác truyền thông cũng thu hẹp lại. Nhiều hoạt động mang tính truyền thông xã hội, kinh tế, văn hóa của báo chí khó tìm được các giải pháp xã hội hóa từ phía doanh nghiệp.

Do đó, các ý kiến tham gia phiên thảo luận cho rằng, thực tế đòi hỏi cần có những mô hình hợp tác mới giữa báo chí, doanh nghiệp, và các đại lý quảng cáo, lợi ích của các bên phải gắn liền với lợi ích xã hội. Sự tồn tại và phát triển mạnh mẽ của các cơ quan báo chí mang ý nghĩa rất quan trọng đối với xã hội trong việc định hướng thông tin, hướng đến những giá trị tích cực và bền vững.

Các đại biểu cũng cho rằng, doanh nghiệp cũng cần báo chí để xây dựng và bảo vệ uy tín, giá trị hình ảnh thương hiệu của mình, nên doanh nghiệp và các đại lý quảng cáo cũng cần thấy rõ nhiệm vụ ủng hộ và hỗ trợ báo chí, bằng các giải pháp và mô hình hợp tác hiện đại, phù hợp xu thế công nghệ mới…

Sau Lễ bế mạc Diễn đàn báo chí toàn quốc vào chiều 16/3, Hội Báo toàn quốc năm 2024 cũng sẽ tổ chức Lễ bế mạc vào ngày 17/3.

Trong khuôn khổ lễ bế mạc, Ban Tổ chức cũng sẽ công bố và trao các giải thưởng, như: "Giải Gian trưng bày xuất sắc"; "Giải Bìa báo Tết ấn tượng"; "Giải Chương trình phát thanh Tết ấn tượng"; "Giải Chương trình truyền hình Tết ấn tượng"; "Giải Giao diện điện tử Tết ấn tượng" và "Giải báo chí dành cho phóng sự xuất sắc về Hội Báo toàn quốc 2024".


Nguồn: Tổng hợp