Đề xuất ứng viên giáo sư phải có công trình ứng dụng thực tế: Các nhà khoa học nói gì?

Phan Anh
15:26 - 30/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Các ứng viên xét công nhận tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư phải có công trình ứng dụng trong cuộc sống. Đề xuất này được cho là sẽ chấm dứt tình trạng tiến sĩ mang nặng tính lý thuyết, công trình nghiên cứu bỏ ngăn bàn.

Cử tri Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng Giáo sư Nhà nước khi xét duyệt công nhận giảng viên đại học đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư nên yêu cầu phải có ít nhất một công trình nghiên cứu phục vụ trực tiếp sản xuất và đời sống trong nước.

Đồng thời tỷ lệ điểm xứng đáng sẽ dành cho các công trình nghiên cứu có liên kết với cơ quan, doanh nghiệp trong nước mà kết quả là phục vụ trực tiếp sản xuất và đời sống.

Tuy vậy, nhiều nhà khoa học không đồng tình với đề xuất ứng viên giáo sư, phó giáo sư phải có công trình ứng dụng thực tế vì nhiều lí do khác nhau. Trên diễn đàn Liêm chính khoa học do Tiến sĩ Dương Tú (Đại học Purdue, Mỹ) làm quản trị, một số nhà khoa học đã bày tỏ quan điểm xác đáng về vấn đề này. 

Đề xuất ứng viên giáo sư phải có công trình ứng dụng thực tế: Các nhà khoa học nói gì? - Ảnh 1.

Tính ứng dụng của các công trình nghiên cứu khoa học là vấn đề luôn được dư luận quan tâm. Ảnh: Free/image

Đề xuất giáo sư phải có công trình ứng dụng thực tế thiếu khả thi

Nhà khoa học Nguyễn Thúc Hải chia sẻ, những bất cập trong việc xét phong giáo sư, phó giáo sư đã làm cho một bộ phận không nhỏ trong xã hội hiểu một cách cực đoan về chức danh nghề nghiệp này (giáo sư, phó giáo sư) của các đại học (các viện nghiên cứu cũng phải "ăn theo" các đại học).

Bởi vì, những công trình nghiên cứu lý thuyết nghiêm túc có thể vài năm, thậm chí vài chục năm sau mới được ứng dụng thành công trong thực tế. Chưa kể có tới 28 ngành/liên ngành xét phong giáo sư, phó giáo sư, nếu đề xuất này được chấp nhận thì sẽ dẫn đến tình trạng "dở khóc dở cười": một vị tiến sĩ "cầu lông" sẽ dễ dàng được phong giáo sư, phó giáo sư hơn các vị tiến sĩ Toán, Lý,... "đổ mồ hôi sôi nước mắt" mới có được các công trình nghiên cứu lý thuyết có giá trị khoa học cao. Chưa tính các ngành khoa học công nghệ khác.

"Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có lộ trình khả thi để sớm trao quyền tự chủ xét phong giáo sư, phó giáo sư cho các trường đại học, trước hết là các đại học để thí điểm - việc này đã đề xuất nhiều lần. Các cơ sở đào tạo nghiêm túc và có uy tín biết rõ ai xứng đáng làm giáo sư, phó giáo sư cho sinh viên của họ và cũng biết rõ sẽ phải trả giá thế nào (đối với thương hiệu đã kỳ công xây dựng và bảo vệ) khi phong bừa các chức danh này.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quản lý và giám sát, trường hợp nào các trường làm sai thì cứ đem quy chế ra xử lí. Chuyện của đại học hãy giao cho đại học, đừng biến thành chuyện của cả xã hội làm xuất hiện rất nhiều "thầy bói xem voi" như lâu nay", Nguyễn Thúc Hải nêu ý kiến.

Nhiều ý kiến băn khoăn về tính thực tế của công trình nghiên cứu khoa học

Bàn về đề xuất ứng viên giáo sư phải có công trình ứng dụng thực tế, nhà khoa học Hoàng Dương băn khoăn: "Cử tri ý kiến như này là bình thường. Họ có quyền ý kiến mọi thứ, đơn giản bởi họ chỉ là người dân, chưa chắc đã có và cần có hiểu biết về vấn đề này. Họ sẽ ý kiến bất cứ cái gì mà họ thấy hợp lý. Vấn đề ở chỗ Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổng hợp và gửi ý kiến này đến Bộ Giáo dục và Đào tạo thì tức là bản thân Đoàn thấy nó hợp lý. Đó mới là điều đáng bàn".

Các nhà khoa học tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận định nhiều công trình khoa học chưa thể ứng dụng vào thực tiễn vì 3 nguyên nhân chủ yếu: 

Thứ nhất, đó là đề tài nghiên cứu cơ bản thường trước thời đại nên phải "nằm ngăn bàn" chờ đợi trình độ phát triển của xã hội đến một mức độ nhất định mới có thể ứng dụng được.                   

Chẳng hạn, chất bán dẫn được người Mỹ phát minh ra từ đầu thập kỷ 50 nhưng phải đến đầu thập kỷ 60 khi người Nhật mua sáng chế đó thì mới trở thành sản phẩm hàng hóa.

Thứ hai, những đề tài nghiên cứu ứng dụng mà muốn để nó trở thành hàng hoá thì phải có nguồn đầu tư từ doanh nghiệp.

Thứ ba, nhiều đề tài chỉ nghiên cứu theo sở thích, ý thích của nhà khoa học, không xuất phát từ thực tiễn nên không ứng dụng được. Ví dụ đề tài luận án tiến sĩ "Hành vi nịnh trong tiếng Việt" hay "Hành vi giao tiếp của chủ tịch ủy ban nhân dân xã với người dân" đã từng được dư luận đưa ra mổ xẻ: tính thực tiễn của đề tài là gì? Và nghiên cứu về nó thì có ích gì cho sự phát triển của ngôn ngữ?