Đề xuất tiếp tục phân làn đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) đến hết năm 2022

Thế Bằng
20:04 - 19/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội kết quả thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi, đoạn Ngã Tư Sở đến Khuất Duy Tiến.

Sau một tháng thí điểm phân làn riêng ô tô, xe máy đoạn từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Thanh Xuân bằng dải phân cách cứng, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết đã có những kết quả tích cực, giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi đã giảm nhiệt. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác hơn, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất tiếp tục thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi đến hết năm 2022.

Đề xuất thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi đến hết năm 2022 - Ảnh 1.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi đến hết năm 2022.
Ảnh: Thế Bằng.

Sau một tháng thí điểm, Sở Giao thông Vận tải nhận định giao thông trên tuyến đường Nguyên Trãi đã có nhiều chuyển biến tốt, kể cả vào giờ cao điểm buổi sáng.

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, một bộ phận người tham gia giao thông đã có ý thức hơn, đi đúng phần đường của mình khi lưu thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi. Xe buýt lưu thông thuận tiện, đi đúng làn đường và trật tự hơn, góp phần giảm ùn ứ giao thông, đảm bảo an toàn giao thông.

Mặc dù trong thời gian thí điểm, ý thức tham gia giao thông của người dân đã được hình thành nhưng điều này chưa nhiều và vẫn cần các lực lượng chức năng hướng dẫn giao thông, đặc biệt vẫn còn tình trạng các phương tiện đi sai làn đường.

Trong khung giờ cao điểm vẫn còn ùn ứ giao thông tại nút giao Ngã Tư Sở, Vũ Trọng Phụng và khu vực lối lên cầu vượt Ngã Tư Sở, các điểm quay đầu trên tuyến.

Theo Báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, trong 10 ngày đầu thí điểm đã xảy ra 54 sự cố va quệt vào biển báo, lốp phản quang, trụ đảo mũi tên… và giảm dần sau đó.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đã chỉ ra các nguyên nhân dẫn tới những tồn tại ở trên là do mật độ giao thông trên tuyến vào các khung giờ cao điểm rất cao, cùng với đó, vì đã được phân làn nên các phương tiện lưu thông nhanh hơn về khu vực các nút giao, dẫn đến các điểm giao cắt xảy ra ùn ứ.

"Do nhiều giao cắt, phát sinh các nhu cầu chính đáng các phương tiện tham gia giao thông cần chuyển hướng, đặc biệt là đối với phương tiện xe máy", báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nêu rõ.

Để khắc phục, Sở đề xuất điều chỉnh thu ngắn các vị trí dải phân cách bằng trụ đảo mũi tên 6-8m phù hợp hơn với thực tế; bổ sung các biển báo, hiệu lệnh kết hợp chỉ dẫn tại đầu giải phân cách; điều chỉnh tổ chức giao thông tại điểm quay đầu gầm cầu vượt Ngã Tư Sở để giảm bớt xung đột, cải thiện tình trạng ùn ứ.

Đề xuất thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi đến hết năm 2022 - Ảnh 2.

Giao thông trên đường Nguyễn Trãi vào giờ cao điểm thời gian đầu tổ chức phân làn. Ảnh: Thế Bằng.

Để đánh giá chính xác hơn phương án phân làn trên đường Nguyễn Trãi trong thời gian học sinh, sinh viên đi học trở lại và thời điểm lưu lượng phương tiện gia tăng vào thời điểm cuối năm 2022, Sở Giao thông Vận tải đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho tiếp tục thí điểm phương án này đến ngày 31/12/2022.

Theo phương án công bố ngày 29/7, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất với Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội thí điểm tổ chức giao thông lại tuyến đường này theo cả hai chiều, bổ sung hệ thống dải phân cách cứng kết hợp điều chỉnh hệ thống biển báo, sơn kẻ để tổ chức phân làn phương tiện, bố trí 3 làn sát dải phân cách cho ô tô di chuyển; 2 làn sát vỉa hè chỉ dành cho xe máy, xe đạp và xe buýt hoạt động.

Bình luận của bạn

Bình luận