Đề xuất nâng lương cơ sở thêm 20,8%, dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2023
Hiện, các cơ quan chức năng đang đề xuất phương án theo hướng nâng mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức khu vực công lên 1,8 triệu đồng (tăng khoảng 20,8%), thời gian dự kiến thực hiện từ 1/7/2023.
Sáng 13/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Cần Thơ tiếp xúc cử tri Thành phố Cần Thơ trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Tại hội nghị, các cử tri đánh giá cao sự lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các cấp, các ngành. Nhờ đó, đất nước tiếp tục đạt được những thành tựu toàn diện, quan trọng trên các lĩnh vực; làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực; các ngành kinh tế phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện.
Cử tri Thành phố Cần Thơ cũng cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Thành phố Cần Thơ nói riêng với nhiều quyết sách, chủ trương quan trọng, chiến lược, như Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về Đồng bằng sông Cửu Long, chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua, việc quy hoạch, triển khai xây dựng nhiều tuyến cao tốc, bến cảng lớn trong vùng...
Đề xuất tăng lương cơ sở từ 1/7/2023
Theo VGP, tại hội nghị, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ và các đại biểu Quốc hội đã bước đầu giải trình, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của đồng bào, cử tri. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm rõ thêm một số nội dung cụ thể được cử tri đề cập.
Thủ tướng cho biết việc thực hiện cải cách tiền lương được thực hiện theo Nghị quyết 27 của Trung ương, nhưng do tác động của nhiều yếu tố, nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên chưa thực hiện được. Tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta đã điều chỉnh tiền lương cho người lao động và nâng lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng chính sách.
Ngày 9/10/2022, tại Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ hoàn chỉnh Báo cáo về phương án điều chỉnh tiền lương để trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định.
Hiện, các cơ quan đang đề xuất phương án theo hướng nâng mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức khu vực công lên 1,8 triệu đồng (hiện nay là 1,49 triệu đồng, tăng khoảng 20,8%), thời gian dự kiến thực hiện từ 1/7/2023. Đồng thời, nâng mức phụ cấp với một số ngành nghề, lĩnh vực cho phù hợp.
Phản ứng linh hoạt hơn trong điều hành xăng dầu
Liên quan đến xăng dầu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá nguồn cung xăng dầu là vấn đề gây bức xúc cho người dân ở một số nơi, cần nhanh chóng khắc phục. Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan đã vào cuộc xử lý, làm việc với các doanh nghiệp. Theo báo cáo, tại các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk…, đến nay tình hình cơ bản đã được giải quyết.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tình hình trên có nguyên nhân khách quan như đứt gãy cung ứng, giá xăng dầu thế giới lên xuống nhanh, khó dự báo, có doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu với giá cao nhưng sau đó giá xuống thấp nên có thể thua lỗ, điều này cần được chia sẻ. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Thủ tướng lấy ví dụ, chúng ta đã có các cơ chế, chính sách như quỹ bình ổn giá nhưng việc áp dụng, phối hợp giữa các cơ quan phải kịp thời, hiệu quả hơn. Thực tế vừa qua, một số cơ quan phối hợp chưa kịp thời, hiệu quả, cần kiểm điểm lại.
Thủ tướng cho biết đã yêu cầu các cơ quan rà soát thật kỹ cơ chế, chính sách, quy định để sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình, trong đó, nghiên cứu rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá, điều chỉnh các quy định liên quan chi phí cấu thành giá xăng dầu…; công tác điều hành, phản ứng chính sách cần linh hoạt hơn, nhanh hơn, các bộ ngành phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn. Một số doanh nghiệp thực hiện không đúng quy định thì phải xử lý. Việc thông quan, lưu thông hàng hóa cần khẩn trương, thông suốt, hiệu quả. Các cơ quan hỗ trợ, khuyến khích tạo điều kiện các doanh nghiệp xăng dầu hoạt động đúng pháp luật. Thông tin khách quan, phù hợp, chính xác, không làm người dân hoang mang, lo lắng.
Thủ tướng Chính phủ cũng thông tin khái quát về các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ 2 nút thắt phát triển với Đồng bằng sông Cửu Long là hạ tầng giao thông vận tải và nguồn nhân lực, trong đó có việc thu hút nguồn nhân lực từ nơi khác tới và nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài trong vùng.
Sau hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục tổng hợp, giải trình, tiếp thu và giải quyết những đề xuất, kiến nghị của cử tri. Vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp, ngành nào thì cấp ngành ấy phải giải quyết và phải giải quyết thấu đáo. Đối với những kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ tổng hợp, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành giải quyết theo quy định. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Cần Thơ tổng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google