Đề xuất bỏ quy định nộp bằng tiền đối với quỹ đất 20% để giữ đất làm nhà ở xã hội

PV
12:49 - 04/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị 14 giải pháp phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị bỏ quy định nộp bằng tiền đối với quỹ đất 20%.

Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị 14 giải pháp phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Hiệp hội đề nghị sửa Luật Nhà ở quy định quy hoạch khu vực riêng để phát triển nhà ở xã hội và “nhà ở giá phù hợp với thu nhập” của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị với đầy đủ tiện ích, dịch vụ và kết nối giao thông thuận tiện, tương tự như thực tiễn của nhiều nước đã thực hiện.

Do ngân sách nhà nước có hạn nên nguồn vốn ngân sách, nhà nước chỉ nên tập trung phát triển nhà ở xã hội cho thuê. Đối với nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua thì xã hội hoá để doanh nghiệp tư nhân thực hiện và có chính sách ưu đãi thực chất để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư nhà ở xã hội chỉ để cho thuê.

Hiện nay, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP siết chặt hơn với các dự án phải dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Cụ thể, các dự án nhà ở thương mại quy mô từ 2 ha trở lên tại đô thị đặc biệt và loại I, từ 5 ha trở lên tại đô thị loại II và III, thì phải bố trí 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội.

Để bổ sung quỹ đất, Hiệp hội đề nghị bỏ quy định nộp bằng tiền đối với quỹ đất 20%. Ngoài ra, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại không phân biệt quy mô diện tích được lựa chọn, hoặc xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% trong dự án; hoặc được hoán đổi quỹ đất 20% nhà ở xã hội của dự án nhà ở thương mại bằng quỹ đất ở hoặc quỹ nhà ở tại vị trí khác theo nguyên tắc đảm bảo giá trị tương đương.

Đề xuất bỏ quy định nộp bằng tiền đối với quỹ đất 20% để giữ đất làm nhà ở xã hội - Ảnh 3.

Đề nghị bỏ quy định nộp bằng tiền đối với quỹ đất 20%. Ngoài ra, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại không phân biệt quy mô diện tích được lựa chọn, hoặc xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% trong dự án;

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đối tượng là người thu nhập trung bình rất khó tiếp cận nhà ở với giá cả như hiện nay. Với đồng lương của họ, trong vòng 20 năm, để tiếp cận nhà ở khá khó khăn.

Liên quan đến vấn đề giá nhà, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị bổ sung chính sách ưu đãi để phát triển “nhà ở giá phù hợp thu nhập” của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị với mức ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế, tín dụng bằng khoảng phân nửa (1/2) mức ưu đãi dành cho nhà ở xã hội.

Để tạo nguồn vốn, Hiệp hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh gói 15.000 tỉ đồng, trước hết là hỗ trợ 2 tháng tiền thuê nhà cho công nhân lao động. Nhưng một phần của gói hỗ trợ 15.000 tỉ đồng sẽ có thể bị “ế” do thiếu dự án nhà ở xã hội dẫn đến thiếu sản phẩm nhà ở xã hội, nên Hiệp hội đề nghị bổ sung đối tượng chủ nhà trọ cũng được vay ưu đãi để đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp nhà trọ, phòng trọ cho công nhân lao động thuê.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank được phép cho cá nhân, hộ gia đình vay mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Để được giảm 2% lãi suất vay theo gói hỗ trợ 40.000 tỉ đồng, Hiệp hội đề nghị các địa phương tập trung tháo gỡ thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội và thực hiện đấu thầu các khu đất công được quy hoạch làm nhà ở xã hội để có nhiều hơn các dự án nhà ở xã hội được phê duyệt để sớm triển khai thực hiện.

Ngoài ra, đề nghị Bộ Xây dựng quy định tiêu chuẩn thiết kế phòng trọ để tăng cường chức năng quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng công trình nhà trọ, phòng trọ tạo điều kiện cho công nhân lao động có chỗ ở tốt hơn, an toàn và nhiều tiện ích hơn.

Đồng thời, Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét cho phép doanh nghiệp được đầu tư dự án khu nhà trọ cho thuê.

Trên thực tế, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi nhận định mục tiêu phát triển nhà ở xã hội còn thiếu mục tiêu ưu tiên cụ thể về nhà xã hội cho các nhóm công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất và các hộ có thu nhập thấp, hộ nghèo, hộ chính sách, hộ có công với cách mạng.

Công nhân lao động đang làm thuê, ở trọ nhiều, diện tích, điều kiện sống chưa đạt tiêu chuẩn xây dựng.

Nhà ở của hộ nghèo chưa đạt tiêu chuẩn sống và nhà thuê, nhà trọ ở xa khu công nghiệp, khu chế xuất; giá ở thuê, ở trọ cao so với thu nhập của người lao động.

Nguồn: Tổng hợp