Đề xuất áp dụng mức lương hưu mới từ ngày 1/7
Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có đề xuất cấp thẩm quyền sớm có văn bản hướng dẫn để đơn vị này có cơ sở chi trả lương hưu, trợ cấp mới ngay từ 1/7.
Theo Bảo hiểm xã hội, thông tin về chủ trương điều chỉnh tăng 15% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng từ ngày 1/7 đã được thông tin rộng rãi tới người dân. Để tránh phản ứng của người thụ hưởng khi chưa nhận được tiền lương hưu mới tại thời điểm áp dụng điều chỉnh như đã từng xảy ra khi thực hiện Nghị định 24/2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị cấp có thẩm quyền sớm ban hành văn bản hướng dẫn nội dung này. Cơ quan soạn thảo là Bộ lao động - Thương binh và Xã hội đang tính toán rút gọn quy trình để nghị định có hiệu lực từ ngày 1/7.
Theo định kỳ, ngày 25 hàng tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội hoàn thành danh sách người lĩnh lương hưu tháng sau. Lịch chi trả lương hưu hàng tháng sẽ bắt đầu từ ngày 2 kéo dài đến ngày 25. Tuy nhiên, trong tháng này đang phải lùi lại vài ngày để chờ văn bản chính thức.
Mức lương hưu mới thay đổi như thế nào sau 23 lần điều chỉnh?
Theo đề xuất của Chính phủ, từ ngày 1/7, lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ điều chỉnh tăng 15% căn cứ trên mức hưởng tháng 6. Đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 0,3 triệu đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng sẽ điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng.
Theo tính toán của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, dự kiến sẽ có khoảng 3,3 triệu người thụ hưởng lương hưu mới. Tổng kinh phí bố trí tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng nửa cuối năm 2024 là hơn 16.200 tỉ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước chi 3.760 tỉ đồng, Quỹ Bảo hiểm xã hội đảm bảo chi trả hơn 12.567 tỉ đồng.
Quốc hội, Chính phủ đã tiến hành 23 lần điều chỉnh lương hưu trong giai đoạn năm 1995-2023,. Sau nhiều lần điều chỉnh, mức lương của người nghỉ hưu hiện nay đã tăng từ 21 đến 26 lần so với mức lương hưu tại thời điểm năm 1995. Ngoài lương hưu hàng tháng, người đã nghỉ hưu còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để được hưởng các quyền lợi khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả với mức hưởng là 95%.
Hiện nay, người hưởng lương hưu trí bình quân từ Quỹ Bảo hiểm xã hội đạt khoảng 5,6 triệu đồngngười/tháng, còn người hưởng lương hưu từ nguồn ngân sách Nhà nước là 4,7 triệu đồng/người/tháng.
Người có lương hưu cao nhất cả nước nhận số tiền khoảng 140 triệu đồng/tháng. Số tiền lương hưu hằng tháng thấp nhất của người thụ hưởng hiện nay 1,8 triệu đồng/người/tháng, trừ đối tượng là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Nhằm gia tăng số người thụ hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động, thời gian qua, các cơ quan chức năng triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội khi còn độ tuổi lao động, đồng thời hạn chế số người rời khỏi hệ thống an sinh bằng cách rút bảo hiểm xã hội một lần.
Phấn đấu đến cuối năm 2025, cả nước có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu và các chế độ trợ cấp. Đến năm 2030, cả hai tỉ lệ này đều tăng lên 60%.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google