Đề thi tham khảo môn Vật lí kì thi tốt nghiệp cần đánh giá đúng năng lực
Giáo viên nêu ý kiến về đề thi tham khảo môn Vật lí kì thi tốt nghiệp khá rắc rối, phức tạp và có phần phi thực tế.
Thầy Mai Văn Túc - giáo viên môn Vật lí, Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu ý kiến: đề thi tham khảo môn Vật lí Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cần một số thay đổi để đánh giá đúng năng lực học sinh.
Thứ nhất, đề không có một câu hỏi nào liên quan đến phần thực hành trong cả 3 năm trung học phổ thông (đề ra nội dung như thế này thì các trường sẽ không bao giờ cho học sinh thực hành và tổn thất vô hình, hữu hình vô cùng lớn).
Có thể những người nhận trọng trách đi ra đề cũng là kết quả của dạy chay, học chay nên không thể ra được câu hỏi sao cho nếu không làm thực hành thì sẽ không làm được (mặc dù ra rất dễ).
Thứ hai, đề vẫn bỏ phần hay nhất của vật lí là dòng điện trong các môi trường lớp 11, phần nhiệt lớp 10 và nhiều phần khác (hầu như chưa năm nào ra nên rất nhiều cơ sở giáo dục bỏ phần này không dạy hoặc dạy đối phó. Những người nhận trọng trách đi ra đề có thể cũng vì ngày đi học không được học các phần này nên không tự tin ra đề phần này).
Thứ ba, có quá nhiều câu hỏi ở mức độ nhớ (mức độ thấp nhất trong 6 cấp độ mà sự học cần đạt). Điều này dẫn đến cách dạy và học cực kỳ tiêu cực đang diễn ra ở hầu hết các cơ sở giáo dục.
Thứ tư, có 4 câu mà ta hay gọi sai là "vận dụng cao" thì không hề có vận dụng gì mà chỉ làm rắc rối phức tạp tính toán phi thực tế.
Thứ năm, không có bất kỳ một câu hỏi vận dụng kiến thức liên hệ thực tế nào. Học bao nhiêu kiến thức mà không hề biết học để làm gì.
Thầy giáo Mai Văn Túc kiến nghị thêm mong Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn lựa đội ngũ ra đề thi các cấp thật kỹ lưỡng và chất lượng.
Nếu chất lượng đề thi như thế này thì chỉ hướng người dạy và người học đến cách dạy và học rất tiêu cực là không đi vào mô hình và cơ chế của hiệu ứng vật lí.
Dạy và học phải hướng người học đi vào các nội dung mang tính hàn lâm thì không biết đến bao giờ khoa học kĩ thuật và công nghệ của đất nước mới có thể phát triển, và khoảng cách giữa chúng ta và các nước trên thế giới sẽ ngày một xa nhau.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google