Đề thi tham khảo môn Ngữ văn: Làm sao để cuộc sống thú vị và có ý nghĩa?

Ly Hương
14:48 - 25/12/2023
Công dân & Khuyến học trên

Câu nghị luận xã hội đề thi học sinh giỏi Ngữ văn 11 yêu cầu thí sinh bày tỏ quan điểm của bản thân về cách sống để cuộc đời mỗi người trở nên thú vị và ý nghĩa.

Đề thi tham khảo môn Ngữ văn: Làm sao để cuộc sống thú vị và có ý nghĩa?- Ảnh 1.

Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn lớp 11 của một trường trung học phổ thông ở tỉnh Vĩnh Phúc bám sát yêu cầu đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đáng chú ý, Đề thi tham khảo môn Ngữ văn này yêu cầu thí sinh viết một bài văn lý giải ngắn gọn vì sao nhà hiền triết lại khẳng định: "Thế thì đương nhiên các ông không được vui vẻ rồi...?" và từ đó bày tỏ quan điểm của mình về cách sống để cuộc đời mỗi người trở nên thú vị và ý nghĩa.

Gợi ý câu nghị luận xã hội

Lý giải lời khẳng định của nhà hiền triết: "Thế thì đương nhiên các ông không được vui vẻ rồi...?" Ba người đến hỏi nhà hiền triết đều không cảm thấy cuộc sống của mình vui vẻ vì:

Người thứ nhất chỉ biết sống vì sự tồn tại về mặt sinh học; sợ hãi cái chết mà phải sống; cuộc sống đầy lo âu, thắc thỏm. 

Người thứ hai sống chỉ chờ xem ngày mai có hơn hôm nay không; sống trong chờ đợi, phấp phỏng; cuộc sống mòn mỏi, tẻ nhạt. 

Người thứ ba sống chỉ vì gánh nặng nuôi gia đình; sống chỉ vì bổn phận, trách nhiệm; cuộc sống mỏi mệt, nặng nề.

Bàn luận quan điểm về cách sống để cuộc đời mỗi người trở nên thú vị, ý nghĩa. Đưa ra được quan niệm của bản thân về cách sống để cuộc đời mỗi người trở nên thú vị và ý nghĩa. Lý giải được vì sao cách sống ấy lại khiến cuộc sống trở nên thú vị, ý nghĩa. Thí sinh lấy ví dụ để chứng minh luận điểm này.

Bài học: Phê phán một bộ phận những người sống vô vị, tẻ nhạt. Khẳng định ý nghĩa của câu chuyện và tầm quan trọng của quan điểm sống đúng đắn trong cuộc đời của mỗi người.

Gợi ý câu nghị luận văn học

Cá tính sáng tạo của nhà văn chính là nét riêng, sự độc đáo trong quá trình nhận thức và phản ánh cuộc sống để đưa đến cho độc giả một cái nhìn mang tính khám phá mới mẻ về cuộc đời và con người. Cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ biểu hiện trên cả hai phương diện; nội dung tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm.

Ra sức đi tìm cái mới, thể hiện cái không lặp lại: Sự nỗ lực tìm tòi, khám phá, sáng tạo bằng công phu lao động nghệ thuật nghiêm túc của tác giả để đem đến cho văn học những cái mới về đề tài, thể loại, ngôn ngữ, cách biểu đạt, quan điểm tư tưởng… chưa hề xuất hiện trong văn học trước đó hay trong tác phẩm của bất kì tác giả nào.

Thể hiện cái lặp lại có tính kế thừa truyền thống: Trên cơ sở những đề tài cũ, phương tiện nghệ thuật quen thuộc nhưng lại được soi chiếu bằng cái nhìn mới, tư tưởng mới, đánh giá bằng quan điểm tích cực của thời đại văn học mới cùng với cách thức phản ánh mới mẻ in dấu ấn sáng tạo nghệ thuật của tác giả.

Cá tính sáng tạo là phẩm chất quan trọng hàng đầu của nhà văn, là yếu tố cốt lõi hình thành phong cách tác giả. Hoạt động sáng tác văn chương thực chất là quá trình sáng tạo không ngừng nghỉ của những người nghệ sĩ tâm huyết.

Ý kiến như một chân lý phổ quát của hoạt động sáng tạo văn chương nghệ thuật, có ý nghĩa sâu sắc, vừa nhắc nhở người sáng tác mài sắc ngòi bút bằng khả năng sáng tạo và khát vọng kiếm tìm cái mới cho văn chương, vừa định hướng cho người đọc khi khám phá tác phẩm chú ý phát hiện, trân trọng cá tính sáng tạo, ý thức "khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có".

Thực tiễn sáng tác cho thấy, một nhà văn có phong cách độc đáo phải là người nghệ sĩ có cá tính sáng tạo, vừa nỗ lực kiếm tìm cái mới, vừa lặp lại những yếu tố tinh hoa truyền thống trong phong cách của mình để in dấu "vân chữ" trong tác phẩm, tạo tấm "giấy thông hành" trong làng văn chương và có chỗ đứng bền vững trong lòng độc giả.

Tuy nhiên, để vươn tới tầm độ đó, mỗi người nghệ sĩ cần phải rèn luyện, mài giũa cái tài, cái tâm, vốn sống và sự trải nghiệm sâu sắc để hiểu người, hiểu đời, hiểu chính mình mà sáng tạo những tác phẩm văn chương chân chính, có sức sống trường tồn.

Học sinh tự chọn ít nhất hai tác phẩm văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945 (nên đủ diện thể loại: thơ và văn xuôi) để làm rõ luận đề: Phần lớn nhà văn, nhà thơ nào khi sáng tạo đều thể hiện cá tính sáng tạo, ra sức đi tìm cái mới, thể hiện cái không lặp lại bên cạnh cái lặp lại có tính kế thừa truyền thống.

Dù chọn tác giả, tác phẩm nào để chứng minh cũng cần bám sát các ý sau: Giới thiệu khái quát về tác giả và tác phẩm chọn chứng minh. Cái mới, cái không lặp lại thể hiện cá tính sáng tạo của tác giả trong tác phẩm là ở những yếu tố nào? (Đề tài và chủ đề/ cái nhìn và tư tưởng nhận thức/ Phương thức phản ánh và phương tiện nghệ thuật biểu hiện).

Bên cạnh sự sáng tạo cái mới không lặp lại, tác phẩm thể hiện sự lặp lại có tính kế thừa truyền thống phong cách nghệ thuật của chính tác giả như thế nào? Để tạo nên sự thành công của tác phẩm, tác giả đã phát huy những phẩm chất gì? Phẩm chất nào quan trọng nhất?

Trên đây là đề thi tham khảo môn Ngữ văn đạt yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên và học sinh nên tham khảo.