Đề thi học sinh giỏi Văn 12 tỉnh Thái Bình được nhiều người yêu thích

Phan Thế Hoài
16:48 - 01/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Câu nghị luận xã hội yêu cầu học sinh bàn luận câu châm ngôn nước ngoài: "Kẻ dại đi tìm hạnh phúc nơi xa, người khôn đi vun trồng nó ngay dưới chân mình" (James Oppenheim).

Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình tổ chức kì thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 năm học 2022-2023, trong đó đề thi môn Ngữ văn nhận được nhiều sự yêu thích của học sinh và giáo viên. 

Đề thi môn Ngữ văn có 2 câu: nghị luận xã hội (8 điểm) và nghị luận văn học (12 điểm).

"Kẻ dại đi tìm hạnh phúc nơi xa…" vào đề thi học sinh giỏi Văn 12 tỉnh Thái Bình

Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn rất mở

Câu 1. "Kẻ dại đi tìm hạnh phúc nơi xa, người khôn vun trồng nó ngay dưới chân mình" (James Oppenheim). Câu nói gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về hành trình tìm kiếm hạnh phúc của mỗi người trong cuộc sống? (trình bày bằng một bài văn nghị luận khoảng 600 chữ).

Câu 2. Bàn về thơ Việt Nam thế kỉ XX, nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn cho rằng: Thơ đào sâu vào những miền tư tưởng, mở ra mọi nẻo đường tư duy, gõ mọi cánh cửa tâm thức… , thơ hiện đại tạo cảm giác "thơ mà không thơ, không thơ mà thơ". (Dẫn theo Chu Văn Sơn, "Đa mang một cõi lòng không yên định", Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2021).

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy phân tích một trong hai văn bản Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) - Nguyễn Khoa Điềm hoặc Đàn ghita của Lorca - Thanh Thảo (Ngữ văn 12, Tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) để làm sáng tỏ điều đó.

Gợi ý đáp án chấm nghị luận xã hội, nghị luận văn học

Câu nghị luận xã hội, Giải thích: "Hạnh phúc" là cảm giác thỏa mãn, sung sướng khi hoàn thành hay đạt được điều mình muốn. "Kẻ dại" là người có những hành động thiếu suy nghĩ, nông cạn. "Người khôn" là người có khả năng suy xét, tầm nhìn xa, trông rộng. "Đi tìm hạnh phúc nơi xa" là theo đuổi những điều xa vời, ngoài tầm với. "Vun trồng nó ngay dưới chân mình" là gìn giữ, tạo dựng những giá trị thiết thực, gần gũi. 

Câu nói "Kẻ dại đi tìm hạnh phúc nơi xa, người khôn đi vun trồng nó ngay dưới chân mình" gợi ra hành trình tìm kiếm hạnh phúc của mỗi người trong cuộc sống: mỗi người cần chủ động tạo dựng hạnh phúc phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện bản thân; biết cân bằng giữa những điều lớn lao với những điều giản dị để cuộc sống trọn vẹn ý nghĩa.

Bàn luận: Trong cuộc sống nếu chỉ tìm kiếm hạnh phúc ở những điều xa vời, cao siêu thì con người dễ rơi vào ảo tưởng, đánh mất niềm vui sống. 

Nếu tìm kiếm hạnh phúc bằng việc vun đắp, giữ gìn những giá trị thiết thực, gần gũi: giúp tạo dựng những nền tảng bền vững, phù hợp với điều kiện, năng lực bản thân. 

Cần phân biệt giữa việc tìm kiếm những điều xa xôi với hành trình theo đuổi lí tưởng; giữa việc vun đắp những giá trị thiết thực với tầm nhìn hạn hẹp, nông cạn… Mặt khác, cần phê phán những người sống hời hợt, thờ ơ, không biết mưu cầu hạnh phúc cho mình.

Để có hạnh phúc thực sự, mỗi người cần biết cân bằng giữa việc gìn giữ, vun đắp, trân trọng những điều giản dị và không ngừng cố gắng vươn lên tới những điều lớn lao. 

Bài học: Để hướng tới hạnh phúc trong trạng thái cân bằng, hài hòa, con người hãy tự nhận thức sâu sắc về bản thân, biết kiến tạo những giá trị lớn lao từ những điều bình thường, nhỏ bé. 

Trong xu thế hội nhập ngày nay, trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc, mỗi người cần biết dung hòa giữa các lối sống, thích nghi với sự biến đổi của thời đại.

Câu nghị luận văn học: Giải thích ý kiến: "Thơ đào sâu vào những miền tư tưởng, mở ra mọi nẻo đường tư duy, gõ mọi cánh cửa tâm thức", nghĩa là thơ không chỉ giàu cảm xúc, tình cảm mà còn chất chứa suy tư, chiêm nghiệm,thể hiện những suy ngẫm sâu sắc về cuộc đời, chạm đến những tầng sâu của tiềm thức, vô thức. 

Thơ hiện đại tạo cảm giác "thơ mà không thơ, không thơ mà thơ": Câu thơ, ngôn ngữ hiện đại tự nhiên, mang tính khẩu ngữ, gần gũi, tăng cường chất liệu của hiện thực đời sống, giàu giá trị gợi hình, biểu cảm, giàu sức gợi… 

Ý kiến khẳng định đặc điểm nổi bật trong thơ Việt Nam thế kỉ XX về nội dung tư tưởng và hình thức biểu đạt. 

Làm sáng tỏ qua đoạn trích "Đất Nước" (trích trường ca "Mặt đường khát vọng") - Nguyễn Khoa Điềm hoặc "Đàn ghita của Lorca" - Thanh Thảo.

Đánh giá khái quát: Ý kiến đã chỉ ra đặc điểm nổi bật của thơ Việt Nam thế kỉ XX trên tiến trình hiện đại hóa. 

Góp phần định hướng quá trình sáng tác và tiếp nhận thơ: Nhà thơ cần có tư tưởng cao đẹp, thể hiện qua hình thức biểu đạt tự nhiên,mới mẻ; hài hòa giữa cảm xúc và lí trí, tư tưởng và ngôn ngữ. 

Người đọc cần tiếp nhận thơ trên tinh thần đối thoại, chiêm nghiệm; sẵn sàng đón nhận những cách tân về hình thức; không ngừng nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của mình.