Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn: Nghề văn có còn tồn tại khi ChatGPT có khả năng sáng tạo văn bản?
Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị vừa tổ chức kì thi chọn học sinh giỏi văn hóa lớp 12, trong đó có môn Ngữ văn. Đáng chú ý, câu nghị luận văn học yêu cầu thí sinh trả lời câu hỏi: Nghề văn còn tồn tại khi ChatGPT có khả năng sáng tạo văn bản giống con người?
Câu 1. Trong tác phẩm "Mình sẽ đi qua hết núi đồi", nhà thơ Nguyễn Phong Việt Viết:
Mình sẽ đi lúc biển động mà trái tim đập nhịp ngang tàng
biết là có thể đau nhưng cuộc đời thật ra cần khốn khó
trưởng thành không phải cố gắng tìm bình yên, chỉ là khi đối đầu với sóng gió mình vẫn lặng lẽ
giữ chặt lấy nhiềm tin…
mình sẽ đi lúc mình còn có cả một tuổi trẻ cần lấm láp bụi đường…"
Là người trẻ, liệu anh/chị có quyết định "sẽ đi" khi đang sống giữa những tháng ngày "cần lấm láp bụi đường"?
Câu 2. Tại diễn đàn giao lưu ChatGPT với việc viết văn của giới trẻ hiện nay có một câu hỏi đã được đặt ra: Nghề văn còn tồn tại khi ChatGPT phát triển có khả năng sáng tạo văn bản giống con người chỉ bằng những từ khóa cơ bản?
Với tư cách là một khách mời tại diễn đàn, bằng trải nghiệm văn học của mình, anh/chị hãy trả lời câu hỏi trên.
Gợi ý làm bài câu nghị luận xã hội
Giải thích: "Đi" là hành động dấn thân, trải nghiệm cuộc sống. "Bụi đường": những vất vả, gian nan, khó khăn, thất bại. "Những tháng ngày cần lấm láp bụi đường": những tháng ngày tuổi đời còn non trẻ, cần được học hỏi, tôi luyện, thử thách để trưởng thành.
Bàn luận: Thí sinh có thể lựa chọn "sẽ đi" hoặc "không đi" nhưng cần lập luận chặt chẽ, thuyết phục. Chẳng hạn, tại sao người cần chọn "sẽ đi"? Vì cuộc sống là bức tranh nhiều sắc màu với vô vàn điều bí ẩn trong khi tầm mắt và sự hiểu biết của con người là hữu hạn.
"Sẽ đi" để: Khám phá những điều kì diệu của thế giới xung quanh và làm đầy vốn sống, vốn hiểu biết của mình (dẫn chứng).
Có có cơ hội để thử thách bản thân, có thêm ý chí, nghị lực và sự tự tin mỗi khi đối mặt với khó khăn, thử thách (dẫn chứng).
Nhận thức được năng lực tự thân, xác định được đam mê của mình, cháy hết mình với những đam mê ấy và một cuộc sống đời trọn vẹn, ý nghĩa (dẫn chứng).
Có cơ hội chinh phục những miền đất lạ, thiết lập những mối quan hệ mới, gặt hái được thành công, góp phần thúc đầy sự tiến bộ xã hội (dẫn chứng).
Đời sống tinh thần mỗi con người trở nên giàu có hơn, biết sống nhân ái, vị tha hơn… (dẫn chứng).
Người trẻ sẽ đi như thế nào? Đi bằng đam mê, khát khao học hỏi và thái độ, chủ động, tích cực (dẫn chứng).
Đi bằng ý chí, quyết tâm, niềm tin của tuổi trẻ và sự chuẩn bị đầy đủ hành trang (tri thức, kĩ năng,..) để vững bước và gặt hái nhiều thành công (dẫn chứng).
Trên hành "đi" cần có lúc "nghỉ chân" để chiêm nghiệm, suy tư và "lắng nghe" những giá trị đích thực của cuộc sống (dẫn chứng).
Liên hệ thực tế: Có nhiều bạn trẻ đã dũng cảm dấn thân để học hỏi, tích lũy kiến thức và có nhiều đóng góp có ích cho cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận giới trẻ chọn lối sống an toàn, không dám xông pha, không dám đương đầu với "mưa bão" cuộc đời để bứt phá giới hạn của bản thân, đóng góp cho xã hội. Lối sống này đáng bị phê phán.
Bài học: Cần suy nghĩ kĩ càng khi quyết định dấn thân và sáng suốt vạch ra hướng đi trên hành trình đầy chông gai, thử thách. Cần học hỏi kinh nghiệm những người xung quanh, biết dung hòa "đi một mình" và "đi cùng nhau" trên hành trình tiến về phía trước.
Nghị luận văn học
ChatGPT: Là công cụ sáng tạo nội dung, hỏi đáp tự động, là sản phẩm của trí tuệ nhân tạo ra mắt trong thời gian gần đây. Nghề văn: Chỉ công việc viết lách của các nhà văn để tạo nên tác phẩm văn chương. Câu hỏi nêu ra sự băn khoăn về sự tồn tại của nghề văn và vai trò của nhà văn khi xuất hiện ứng dụng hiện đại ChatGPT.
Khẳng định: Dù ChatGPT có hiện đại đến đâu cũng không thể thay thế nghề văn. Bởi vì, viết là lao động nghệ thuật đặc thù. Từ lâu, viết văn đã trở thành một nghề đối với người lao động cầm bút chuyên nghiệp. Trong hoạt động viết, người nghệ sĩ tái hiện cuộc sống và bộc lộ, giãi bày cảm xúc, tư tưởng theo một cách riêng thông qua hình tượng nghệ thuật (dẫn chứng).
Hình tượng nghệ thuật được xây dựng bằng chất liệu ngôn từ. Đó là ngôn ngữ đời thường được nhà văn lựa chọn công phu, giàu hình ảnh, giàu tính biểu cảm và đa nghĩa. Vì vậy, hình tượng văn học tác động mạnh mẽ vào trí tưởng tượng của người đọc. Tưởng tượng và sáng tạo đã trở thành yêu cầu có tính sống còn đối với nghề văn (dẫn chứng).
Lao động sáng tạo của nhà văn là hình thức lao động sáng tạo đặc thù: tuân theo quy luật cái Đẹp, dẫn dắt người đọc tới cái Thiện, Mỹ. Sản phẩm sáng tạo của nhà văn – tác phẩm văn học đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của con người từ xưa đến nay sáng tạo của nhà văn
ChatGPT là sản phẩm của trí tuệ nhân tạo. Không thể phủ nhận vai trò tiện dụng của ChatGPT trong cuộc sống hiện đại (dẫn chứng). Tuy nhiên, ChatGPT sử dụng ngôn ngữ theo lập trình có sẵn với những từ khóa cơ bản, thực hiện mệnh lệnh của người sử dụng để tạo ra những văn bản mang tính công thức, rập khuôn một cách cứng nhắc nên nó không thực hiện được phong cách riêng của người tạo lập văn bản trong sáng tác văn học.
Trong văn bản được tạo ra bởi ChatGPT, không có những hình tượng nghệ thuật mang tính điển hình có sức khái quát cao, tác động mạnh mẽ vào trí tưởng tượng và cảm xúc người đọc như văn học.
ChatGPT chỉ tạo ra những văn bản nhằm thỏa mãn nhu cầu tìm kiếm thông tin, giải trí hoặc phục vụ công việc theo lĩnh vực cụ thể mà không thỏa mãn nhu cầu bồi đắp tâm hồn, tình cảm con người như văn học.
Mở rộng: Câu hỏi đặt ra sự tồn tại của nghề văn, nói rộng ra, đó cũng là vấn đề của tồn tại văn chương nghệ thuật giữa thời đại công nghệ đang phát triển như vũ bão. ChatGPT không thể thay thế nghề văn nhưng nó có khả năng hỗ trợ đắc lực cho nhà văn trong quá trình sáng tác. Sản phẩm công nghệ không có khả năng thay thế tác phẩm văn học nhưng có thể cùng với văn học góp phần làm phong phú thêm cho đời sống con người.
Cả người viết và bạn đọc có thể sử dụng nhưng không thể lạm dụng ChatGPT trong hoạt động sáng tạo và tiếp nhận.
Công nghệ ngày càng phát triển, trong tương lai có thể có những phần mềm tiện ích hơn thay thế ChatGPT nhưng chắc chắn không thiết bị hay phần mềm hiện đại nào có thể thay thế được văn chương nghệ thuật.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google