Đề Ngữ văn: Sự cần thiết phải tự hoàn thiện bản thân mỗi ngày
Câu nghị luận xã hội đề khảo sát môn Ngữ văn yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải tự hoàn thiện bản thân mỗi ngày.
Gợi ý đáp án
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Thể thơ tự do.
Câu 2. Các biện pháp tu từ: điệp ngữ/hoán dụ (bàn chân), lặp cú pháp (In lên cổng trường những …), liệt kê (chiều giá buốt, đêm mưa dầm), so sánh (dấu nạng hai bên như hai hàng lỗ đáo).
Câu 3. Nội dung của những dòng thơ: Khắc hoạ hình ảnh người thầy khi trở về từ chiến trường: vẫn giữ nguyên vẹn nụ cười vui vẻ, hiền hậu, lạc quan thuở trước nhưng đã vĩnh viễn mất đi một phần cơ thể. Qua đó, tác giả thể hiện cảm xúc nghẹn ngào, xúc động trước vẻ đẹp tâm hồn và nỗi đau, sự mất mát của người thầy.
Câu 4. Tình cảm của tác giả dành cho thầy giáo được thể hiện trong đoạn trích: yêu thương, xót xa, kính trọng, tự hào, cảm phục, biết ơn,… Bài học về lẽ sống: biết yêu mến và kính trọng người thầy; tự hào và biết ơn những cống hiến, hi sinh của thế hệ trước; gìn giữ và phát huy những thành quả mà cha ông hi sinh xương máu để giành được; tuổi trẻ cần biết sống xứng đáng với những cống hiến, hi sinh của thế hệ cha anh.
II. LÀM VĂN
Câu 1. Tự hoàn thiện bản thân là quá trình mỗi người bằng sự nỗ lực cố gắng học tập, rèn luyện của chính mình để phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm, học hỏi những điều hay điểm tốt của người khác, từ đó khiến bản thân ngày một tốt đẹp, tiến bộ hơn.
Con người cần phải tự hoàn thiện bản thân mỗi ngày bởi vì: Mỗi người đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, không ai ngay từ đầu đã có sẵn, đầy đủ những phẩm chất và năng lực cần thiết. Xã hội cũng ngày càng phát triển, cuộc sống luôn vận động, đổi thay. Do đó, việc bản thân tự hoàn thiện là yêu cầu tất yếu để thúc đẩy sự tiến bộ của chính mình và đáp ứng đòi hỏi của xã hội.
Tự hoàn thiện bản thân sẽ khiến chúng ta ngày càng tốt đẹp, tiến bộ hơn, tạo tiền đề vươn tới thành công, hạnh phúc; góp phần nâng cao giá trị của bản thân, khiến chúng ta được mọi người yêu quý, trân trọng; lan toả tinh thần, lối sống tích cực đến cộng đồng; góp phần thúc đẩy sự văn minh, tiến bộ của xã hội.
Câu 2. Phân tích đoạn trích trong "Vợ chồng A Phủ". Từ đó, liên hệ với hành động chuẩn bị đi chơi của Mị trong đêm tình mùa xuân để nhận xét cách nhìn cuộc sống, con người của nhà văn Tô Hoài.
- Giới thiệu khái quát về tác giả Tô Hoài, tác phẩm "Vợ chồng A Phủ", và vấn đề nghị luận.
- Phân tích: Đoạn trích tập trung khắc hoạ hình ảnh nhân vật Mị với cảnh ngộ đáng thương và những thay đổi đáng buồn sau mấy năm cam chịu chấp nhận thân phận con dâu gạt nợ ở nhà thống lí.
Không còn nghĩ đến việc tìm đến cái chết để phản kháng, quen với cái khổ, tự thấy rằng thân phận mình cũng giống như (thậm chí không bằng) con trâu, con ngựa, không mong muốn tìm kiếm sự thay đổi.
Cuộc sống cực nhọc, nhàm chán với những công việc giống nhau, tiếp nhau vẽ ra trước mặt, mỗi năm mỗi mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại. Mị gần như trở thành công cụ lao động, một cỗ máy vô tri, không nghĩ ngợi mà chỉ thực hiện những công việc đã được lập trình sẵn.
Tồn tại âm thầm lặng lẽ, giam mình trong không gian tù túng, tối tăm, chấp nhận thực tại, không nghĩ đến sự giải thoát.
Nghệ thuật: Trần thuật hấp dẫn, ngôn ngữ kể chuyện giản dị, linh hoạt, có sự hoá thân của tác giả vào nhân vật; khắc hoạ nhân vật sinh động, miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế; chi tiết nghệ thuật đặc sắc; giọng điệu trầm buồn; vận dụng hiệu quả các biện pháp tu từ như so sánh, liệt kê, ẩn dụ.
Đoạn trích làm nổi bật dòng tâm tư, nhận thức của nhân vật về cuộc đời, số phận nô lệ buồn đau, cực nhục, cho thấy sự đọa đày cả về thể xác lẫn tinh thần đã khiến Mị trở nên trơ lì, vô cảm; thể hiện tình cảm nhân đạo và tài năng nghệ thuật của nhà văn.
Liên hệ với hành động chuẩn bị đi chơi của Mị trong đêm tình mùa xuân để nhận xét về cách nhìn cuộc sống, con người của nhà văn Tô Hoài:
Hành động chuẩn bị đi chơi của Mị trong đêm tình mùa xuân: Mị không chỉ muốn đi chơi mà còn sắp đi chơi và có những hành động cụ thể để chuẩn bị cho cuộc đi chơi của mình - quấn lại tóc, với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách.
Qua đây cho thấy cách nhìn cuộc sống, con người của nhà văn: tưởng như sự đoạ đày về cả thể xác lẫn tinh thần có thể khiến con người trở nên trơ lì, vô cảm và hoàn toàn đánh mất những khát vọng chân chính nhưng sức sống, sức phản kháng vẫn luôn tiềm ẩn trong tâm hồn, chỉ cần có cơ hội là bùng lên mãnh liệt.
Nhận xét: cách nhìn chân thực, sâu sắc, thể hiện sự gắn bó, am hiểu cuộc sống, con người miền núi và tấm lòng nhân đạo của nhà văn.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google