Hình ảnh quen thuộc "Vợ chồng A Phủ", cầu Hàm Rồng, sông Mã trong đề thi thử Ngữ văn Thanh Hoá
Đề thi thử môn Ngữ văn tỉnh Thanh Hóa đề cập đến những hình ảnh quen thuộc cầu Hàm Rồng, sông Mã, và đoạn trích trong đêm tình mùa xuân trong "Vợ chồng A Phủ".
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức khảo sát chất lượng lớp 12 (lần 1) môn Ngữ văn. Theo đó, đề thi có cấu trúc như sau:
I. ĐỌC HIỂU
Đọc đoạn trích:
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. Nêu tên biện pháp tu từ trong dòng thơ: Sông trầm tư suy nghĩ dưới chân cầu
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về nội dung những dòng thơ sau:
Giản dị thay qua mỗi khúc sông
Lại có những nhịp cầu như khúc hát
Ta tưởng như trong cuộc đời dân tộc
Không thể thiếu những khúc sông và những nhịp cầu.
Câu 4. Những dòng thơ sau gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ?
Giản dị thay qua mỗi khúc sông
Lại có những nhịp cầu như khúc hát
Ta tưởng như trong cuộc đời dân tộc
Không thể thiếu những khúc sông và những nhịp cầu.
Gợi ý về hình ảnh quen thuộc của Thanh Hoá: sông Mã và cầu Hàm Rồng
Câu 1. Biểu cảm
Câu 2. Nhân hóa: Sông trầm tư suy nghĩ.
Câu 3. Vẻ đẹp giản dị của dòng sông vốn dĩ đã trở thành vẻ đẹp huyền thoại trong cuộc tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược (nhịp cầu như khúc hát); sự gắn bó máu thịt của cầu Hàm Rồng và dòng sông Mã đối với lịch sử dân tộc. Tình yêu của tác giả đối với cây cầu Hàm Rồng dòng sông Mã.
Câu 4. Suy nghĩ về sức mạnh của con người gắn với bản trường ca hào hùng Hàm Rồng – Sông Mã trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Trân trọng, tự hào vẻ đẹp giản dị, lạc quan; tinh thần dũng cảm, kiên cường của những người anh hùng "ta chưa biết hết tên".
II. LÀM VĂN
Câu 1 (2 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc trân trọng những giá trị lịch sử trong đời sống dân tộc.
Câu 2 (5 điểm)
"Ngày Tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, uống ực từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn người nhảy đồng, người hát. Nhưng lòng Mị đang sống về ngày trước. Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Ngày trước Mị thổi sáo giỏi. Mùa xuân này, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị.
Rượu đã tan lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả, Mị không biết. Mị vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà. Mãi sau Mị mới đứng dậy. Nhưng Mị không bước ra đường chơi, mà Mị từ từ bước vào buồng. Chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi Tết. Mị cũng chẳng buồn đi. Bấy giờ Mị ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Đã từ nãy Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi Tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau! Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra. Mà tiếng sáo gọi bạn vẫn lửng lơ bay ngoài đường.
(Trích Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập hai, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, trang 7-8)
Anh/chị hãy phân tích tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đoạn trích trên, từ đó nhận xét về cảm hứng nhân đạo của ngòi bút Tô Hoài trong đoạn trích.
Gợi ý xung quanh câu chuyện của Mị
Câu 1. Trân trọng những giá trị lịch sử trong đời sống dân tộc giúp mỗi người có nhận thức đúng đắn về đất nước, con người; có niềm tin tươi sáng và khát vọng vươn lên đóng góp cho sự phát triển của đất nước; sống trung thực, nhân hậu, vị tha, có bản lĩnh vững vàng; chống lại những cám dỗ và luận điệu xuyên tạc, giả dối.
Câu 2. Mị uống rượu: Tiếng sáo đã dẫn đến hành động "nổi loạn" của Mị. Dịp Tết, mọi người uống rượu, đi chơi và Mị cũng tìm đến rượu "Ngày Tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát. Rồi Mị say". Đó cũng không phải là cách uống của người thưởng xuân cũng không phải uống vì thèm rượu.
Cách uống rượu của Mị là cách uống để giải sầu, uống rượu như nuốt căm, nuốt hận vào lòng. Sức chịu đựng của Mị là có hạn, đã đến lúc cần bùng cháy. Rượu chính là chất men xúc tác để nhân vật có đủ sức mạnh và can đảm làm những việc mà khi tỉnh táo Mị không thể bởi bao áp chế đè nặng. Vì thế mới có những diễn biến đầy phức tạp trong tâm lí và hành động của Mị trong đêm tình mùa xuân.
Có thể nói rượu và tiếng sáo chính là chất men say đánh thức phần đời đã mất, khơi dậy sức sống tiềm tàng vốn bị vùi chôn ở nơi sâu kín nhất trong tâm hồn của Mị. Mị lịm mặt ngồi đấy nhưng tâm hồn Mị đang hồi sinh. Sự hồi sinh trong tâm hồn đã dẫn đến hàng chuỗi các tâm trạng, hành động cả vô thức lẫn ý thức nhưng chứa đựng đầy sức sống của nhân vật.
Lòng Mị sống lại những ngày trước khi còn trẻ: Khi ngập mình trong hơi men nồng nàn, tha thiết, với tiếng sáo đang đang "văng vẳng gọi bạn đầu làng", lòng Mị đang sống về ngày trước, hồi tưởng lại mùa xuân tươi đẹp thời con gái. Ngày ấy, Mị là người con gái xinh đẹp, tài hoa, yêu đời, chỉ cần một chiếc lá là "Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo". Ngày ấy, Mị có "biết bao nhiêu người mê, cứ ngày đêm thổi sáo đi theo Mị".
Những hồi ức thanh xuân tươi đẹp ấy sống dậy cho thấy Mị đã bắt đầu thức tỉnh, Mị đã ý thức được về sự tồn tại, về cuộc đời của mình. Mị như ý thức được mình đang sống giữa hai thế giới: quá khứ và hiện tại; tỉnh và say; hạnh phúc và bi kịch. Sức sống mãnh liệt đang trỗi dậy trong tâm hồn Mị và khát vọng sống như ngọn lửa đã làm bừng sáng lại tâm hồn Mị.
Nhà văn Tô Hoài ở đây thực sự đã chứng tỏ sự am hiểu về tâm lí, tính cách của người dân vùng cao Tây Bắc. Tâm lí của Mị không chỉ có lí trí của một người tỉnh táo mà còn phải có sự chếnh choáng trong hơi men nồng nàn của rượu, trong kí ức của tiếng sáo năm xưa.
Mị đi vào buồng và ý thức rằng mình vẫn còn trẻ: Sự vượt lên hoàn cảnh của Mị diễn ra không hề dễ dàng. Tô Hoài đã rất tinh tế khi đặt nhân vật Mị vào sự giao tranh giữa một bên là sức sống tiềm tàng, một bên là ý thức về thân phận. Ngòi bút của nhà văn như hóa thân vào nhân vật, để nâng niu, để trân trọng những khát vọng của con người, đồng thời lại rất tỉnh táo, khách quan khi phân tích, mổ xẻ những ngóc ngách sâu kín trong tâm hồn nhân vật.
Rượu tan, người về hết, Mị ngồi trơ một mình giữa nhà rồi Mị bước vào buồng, ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trắng trắng. Căn buồng ấy chính là thực tại, là ngục thất giam cầm tuổi thanh xuân và hủy hoại hạnh phúc của Mị. Cái lỗ vuông mờ mờ trăng trắng kia vốn là những hình ảnh nhiều sức gợi, thể hiện Mị đã tê liệt đến mức quên cả ý niệm về không gian, thời gian.
Nhưng giờ đây khát vọng sống và khát vọng hạnh phúc mãnh liệt khiến Mị có thể phá tan mọi gông cùm, áp chế. Để lúc này "Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui như những đêm Tết ngày trước". Quá khứ và hiện tại như đan xen khiến Mị trở lại là cô Mị trẻ trung, yêu đời ngày nào để Mị nhận ra bây giờ Mị vẫn còn rất trẻ và Mị muốn được đi chơi "Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi". Mị còn trẻ nghĩa là còn sức sống, còn khao khát, còn muốn yêu thương.
Tâm trạng phẫn uất khi nhận thức về hiện thực phũ phàng là cuộc hôn nhân không tình yêu: Khát vọng sống như ngọn lửa bùng cháy mãnh liệt bao nhiêu thì Mị lại phẫn uất bấy nhiêu. Phẫn uất và đau khổ cho thân phận và số phận trớ trêu đầy bi kịch. Mị nhớ ra chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi. Mị nhận ra những người phụ nữ có chồng vẫn đi chơi ngày Tết: "Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi Tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau!"
Mị đã có chồng nhưng người chồng ấy không tình yêu, không hạnh phúc. Còn gì đau khổ bằng lấy một người mà mình không có tình yêu. Còn gì đau khổ bằng phải sống với một kẻ vũ phu chỉ xem mình là món đồ chơi và bị khinh rẻ như con vật.
Sức sống tiềm tàng đã được đánh thức, Mị không thể cam chịu mãi kiếp nô lệ, kiếp làm dâu gạt nợ. Nhớ lại kiếp sống trâu ngựa chỉ thấy nước mắt muốn ứa ra. Mị muốn phản kháng lại hoàn cảnh, không chấp nhận cuộc sống trâu ngựa này nữa.
Mị muốn chết để không phải đối diện với thực tại, không phải nhớ lại quá khứ cùng với những ước mơ khao khát của mình Muốn chết để giải thoát nỗi đọa đày, muốn chết để thoát khỏi bi kịch, điều này tiêu cực nhưng dễ thông cảm và hơn hết đã cho thấy sự thay đổi ở Mị. Mị muốn chết chính là biểu hiện của sức sống, của khát vọng sống đích thực là một con người. Đây phải chăng là tình yêu, lòng nhân đạo của tác giả đối với nhân vật.
Trong đoạn văn, nhà văn Tô Hoài xây dựng nhân vật Mị với nhiều điểm nghệ thuật đặc sắc như: lối kể chuyện ngắn gọn, dẫn dắt tình tiết khéo léo, đặc biệt hành động và diễn biến tâm trạng của Mị được miệu tả, lí giải cụ thể, hợp lí. Đi sâu vào tâm lí nhân vật, Tô Hoài đã xây dựng nhân vật theo kiểu con người phân lập, có một cô Mị ở hiện tại và một cô Mị ở quá khứ hòa chung vào nhau. Hai con người ấy đan xen, khi tách ra khi hòa vào một tạo nên một nhân vật Mị hết sức sinh động, mới lạ.
Giá trị nhân đạo: Đoạn trích góp phần hoàn thiện chân dung nhân vật Mị. Dù nghèo khó, bị áp bức nhưng trong sâu thẳm tâm hồn vẫn tiềm tàng một sức sống mãnh liệt. Qua đó, nhà văn khám phá, trân trọng, ngợi ca những khao khát tình yêu, hạnh phúc của con người, thể hiện niềm tin vào sức sống của con người không bị hủy diệt.
Đồng thời lên án những thế lực tàn bạo chà đạp lên cuộc sống con người. Sức sống tiềm tàng mãnh liệt của Mị trong đoạn trích cũng như tác phẩm đã để lại trong lòng bao thế hệ bạn đọc một ấn tượng khó phai mờ, đã góp phần nêu bật giá trị nhân đạo của tác phẩm và khẳng định tên tuổi của nhà văn Tô Hoài.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google