Đề minh họa thi tốt nghiệp xóa bỏ văn mẫu, triệt tiêu đánh "lụi" môn trắc nghiệm

Phan Anh
19:18 - 01/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

Đề minh họa kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đòi hỏi thí sinh phải vận dụng kiến thức đã học để làm bài theo các cấp độ của đề thi.

Đề minh họa thi tốt nghiệp xóa bỏ văn mẫu, triệt tiêu đánh "lụi" môn trắc nghiệm- Ảnh 1.

Học sinh Hà Nội trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm 2023. Ảnh: Viết Thành/Hnm

Môn thi tự luận Ngữ văn

Cấu trúc đề thi minh họa môn Ngữ văn cho thấy, phần đọc hiểu cho một văn bản (sử thi) ngoài sách giáo khoa và yêu cầu thí sinh trả lời 5 câu hỏi theo các mức độ: nhận biết, thông hiểu và vận dụng.

Vì ngữ liệu cho văn xuôi (tự sự) nên hệ thống câu hỏi đề cập đến các phạm vi kiến thức có liên quan như: ngôi kể, không gian, phẩm chất của nhân vật chính. Cùng với đó, có một câu hỏi tiếng Việt về tu từ và một câu kiểm tra mức liên hệ thực tiễn.

Để làm được các câu hỏi ở phần đọc hiểu, đòi hỏi thí sinh phải hiểu nội dung văn bản và biết vận dụng tri thức ngữ văn đã học vào bài làm. Không những vậy, từ nội dung ngữ liệu, thí sinh cần rút ra một bài học có ý nghĩa trong cuộc sống ngày nay.

Phần viết, câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học có liên quan đến ngữ liệu phần đọc hiểu cũng là điểm khác so với đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn hiện nay.

Theo đó, nếu phần đọc hiểu là văn bản thông tin hoặc văn bản nghị luận thì phần viết nghị luận xã hội chỉ 2 điểm (viết đoạn văn), nghị luận văn học 4 điểm (viết bài văn). Nếu phần đọc hiểu là văn bản văn học, thì nghị luận xã hội 4 điểm (viết bài văn), nghị luận văn học 2 điểm (viết đoạn văn).

Có thể nhận thấy, cả phần đọc hiểu lẫn phần viết yêu cầu thí sinh vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các yêu cầu khác nhau trong nội dung đề thi. Đề thi minh họa đã triệt tiêu văn mẫu, giáo viên, học sinh không thể nào đoán được nội dung đề thi trước mỗi kì thi.

Môn thi trắc nghiệm

Hiện nay, nhằm tránh trường hợp thí sinh đánh "lụi" hết các đáp án chỉ một phương án A hoặc B, C, D để lấy trọn 2,5 điểm trên tổng số 10 điểm của một bài thi (tổ hợp khoa học tự nhiên, khoa học xã hội), Bộ Giáo dục và Đào tạo không để thang điểm các đáp án ngang nhau mà để lệch thang điểm. Trong đó, có nhiều mã đề chỉ có đúng 5 câu nếu thí sinh chỉ chọn một phương án.

Tuy nhiên, giải pháp này chỉ xử lý được một trong bốn trường hợp thí sinh tô lệch một đáp án dọc từ trên xuống dưới (toàn đáp án A, hoặc toàn B, C, D). Trong khi thực tế nếu chỉ cần tô 5 câu theo một cột rồi luân phiên đổi 5 câu tiếp theo sang cột khác thì xác suất điểm bài thi dao động ở điểm 2,0 và hiếm trường hợp bị điểm "liệt".

Đề minh họa cho thấy có 3 dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm được sử dụng

Dạng thức 1: Câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn, (dạng thức này đã được áp dụng trong nhiều năm tại Việt Nam).

Theo định dạng đề thi từ năm 2025, các môn Ngoại ngữ chỉ dùng một loại dạng thức này. Các môn trắc nghiệm còn lại có một phần dùng dạng thức này.

Dạng thức 2: Câu hỏi trắc nghiệm dạng đúng/sai, mỗi câu hỏi có 4 ý, thí sinh phải trả lời đúng/sai đối với từng ý của câu hỏi.

Dạng thức này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kỹ năng toàn diện mới đạt được điểm tối đa, hạn chế được việc dùng "mẹo mực" chọn đáp án từ các phương án nhiễu như của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Xác suất đánh ngẫu nhiên đạt điểm tối đa là 1/16, nhỏ hơn 4 lần so với dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn hiện nay.

Dạng thức 3: Câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn. Dạng thức này gần với dạng câu hỏi tự luận, được đánh giá thông qua kết quả cuối cùng mà thí sinh phải tự điền vào phiếu trả lời.

Dạng thức này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kĩ năng chắc chắn, hạn chế được việc dùng "mẹo mực" chọn đáp án từ các phương án nhiễu như của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hai dạng thức trắc nghiệm mới qua thử nghiệm thực tế cho thấy phù hợp với việc thiết kế đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, đồng thời nâng cao khả năng phân loại thí sinh.

Nhiều giáo viên cho biết, với sự xuất hiện 3 dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm từ kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2015, nếu thí sinh học hành không nghiêm túc thì sẽ có nhiều điểm liệt (dưới 1) và nhiều điểm dưới trung bình.

Đồng thời, kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng mang tính phân hóa cao, sẽ giảm bớt điểm khá, giỏi. Điểm số có độ tin cậy cao giúp các cơ sở giáo dục sử dụng kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng.