Đề kiểm tra Ngữ văn so sánh truyện ngắn
So sánh sự khác biệt của yếu tố truyền kì qua truyện "Chuyện Phạm Tử Hư lên chơi thiên tào" (Nguyễn Dữ) và truyện "Chu Văn An" (theo Truyền thuyết dân gian người Việt).
Gợi ý đáp án
Mở bài: So sánh sự khác biệt của yếu tố kì ảo trong hai tác phẩm.
Thân bài:
- Khái quát: Giới thiệu sơ nét về tác phẩm, tác giả, thể loại, xuất xứ, nội dung, chủ đề của hai tác phẩm. Nêu một vài điểm tương đồng giữa hai tác phẩm.
- Phân tích sự khác biệt của yếu tố kì ảo:
Truyện Chu Văn An
+ Mô típ: Mô típ quen thuộc, thường gặp trong các truyện cổ dân gian là thần linh.
+ Nhân vật kì ảo: Là thần linh -> thủy thần: "Hai người thiếu niên, dung mạo kì vĩ, không bao giờ ngồi cùng chiếu với các học trò khác" -> có ngoại hình và hành động khác thường.
+ Chi tiết kì ảo: "đi từ dưới nước lên", "hai thiếu niên đi thì một lúc mưa xuống như trút nước. Bỗng thấy có hai thân thuồng luồng cụt đầu rơi xuống." -> thể hiện niềm tin về sự hiện hữu của các vị thần (thủy thần) và vai trò của thần linh trong đời sống con người.
+ Không gian và thời gian kì ảo: Không gian cụ thể có sự xuất hiện của thủy thần; thời gian quá khứ gắn với nhân vật lịch sử có mối quan hệ thầy trò với thần linh.
+ Cốt truyện kì ảo: Pha trộn giữa nhân vật lịch sử và thần linh; kết thúc truyện học trò thủy thần vì vâng lời thầy mà làm trái ý Thượng đế và bị nghiêm phạt bằng cái chết -> thể hiện quan niệm, sự lí giải của dân gian về các hiện tượng tự nhiên, đồng thời bày tỏ đạo lí "tôn sư trọng đạo".
=> Ý nghĩa: Thể hiện sự ngưỡng mộ, tôn sùng và niềm tin về sự hiện hữu, vai trò của yếu tố thần linh trong đời sống con người. Ngợi ca tài năng, công lao của nhân vật lịch sử Chu Văn An, người thầy đạo cao đức trọng. Qua đó phản ánh quan niệm văn hóa, truyền thống tốt đẹp của người Việt: tôn kính, biết ơn người thầy. Tăng sức hấp dẫn cho thể loại truyền thuyết.
Chuyện Phạm Tử Hư lên chơi thiên tào
+ Mô típ: Mô típ quen thuộc, thường gặp trong các truyện cổ dân gian -> hồn ma người chết.
+ Nhân vật kì ảo: Linh hồn Dương Trạm -> linh hồn người đã mất xuất hiện ở cõi trần; có năng lực siêu nhiên, có sự tương giao khi nói chuyện với người trần tự nhiên; các vị thần tiên xuất hiện ở cõi trời -> có hành động khác thường.
+ Chi tiết kì ảo: "thấy trên không có một cỗ xe nạm hạt châu mà người ngồi trong xe là thầy học của mình. Đến tối, thầy trò gặp lại ở đền Trấn Vũ"; "một khu có những bức tường bạc bao quanh, cái cửa lớn khảm trai lộng lẫy, hai bên có những tòa lầu châu điện ngọc, vằng vặc sáng như ban ngày, sông Ngân bến Sao, ôm ấp sau trước, gió thơm phưng phức, đượm ngát quanh hiên";…
=> Thể hiện niềm tin về sự hiện hữu của đời sống con người nơi cõi âm và vai trò của linh hồn trong đời sống tâm linh của con người. Đồng thời bộc lộ thái độ của nhà văn về hiện thực: người tài giỏi được ghi nhận công lao và được đền đáp.
+ Không gian và thời gian kì ảo: Không gian thiên tào với những cảnh tượng kì thú, nhân vật thần tiên, có sự tương giao giữa cõi trời và cõi đất; thời gian hư ảo gắn với sự huyền bí, kì lạ.
+ Cốt truyện kì ảo: Pha trộn giữa thế giới thực và ảo; kết thúc truyện có hậu; cốt truyện gắn với yếu tố văn hóa, tín ngưỡng của người Việt -> quan niệm vạn vật có linh hồn, thế giới con người tồn tại cả hai cõi: cõi âm và cõi dương.
+ Thủ pháp kì ảo: Có sự kết hợp linh hoạt giữa yếu tố kì và thực, lấy cái kì để nói cái thực.
=> Ý nghĩa: Lí giải hiện thực trong đời sống xã hội: mối quan hệ thầy và trò phải có suy tôn, kính trọng; muốn đỗ đạt phải rèn đức, sửa mình; người hiền tài được ban thưởng. Kín đáo gửi gắm ước mơ, nhận thức của Nguyễn Dữ về một xã hội có những con người trung hậu, nhân nghĩa, chính trực, tài giỏi. Tạo sự li kì, hấp dẫn và hợp lí trong các tình tiết Tử Hư lên chơi thiên tào, từ đó tạo tình huống để nhân vật thể hiện sự quan sát, đánh giá, chiêm nghiệm, soi chiếu với bản thân.
- Đánh giá chung: Từ đặc trưng thể loại dẫn đến sự khác biệt:
+ Truyện "Chu Văn An": Yếu tố kì ảo trong truyện liên quan đến thầy Chu Văn An gắn với lịch sử triều đại nhà Trần, đời vua Trần Dụ Tông, có vai trò chủ yếu là huyền ảo hóa tài năng, đức độ của nhân vật lịch sử Chu Văn An. Giúp người xưa nuôi dưỡng niềm tin và ước mơ về một thế giới tốt đẹp hơn là nhờ có những người thầy tài giỏi, mẫu mực. Là chất liệu phong phú cho văn học viết.
+ "Chuyện Phạm Tử Hư lên chơi thiên tào": Yếu tố kì ảo là phương tiện nghệ thuật để nhà văn Nguyễn Dữ xây dựng nên thế giới hoang đường, không có thật nhằm phản ánh hiện thực xã hội đương thời -> kết hợp chặt chẽ giữa kì và thực, lấy kì nói thực. Kế thừa và sáng tạo từ chất liệu văn học dân gian thể hiện tài năng của Nguyễn Dữ; vị trí "thiên cổ kì bút" của "Truyền kì mạn lục" trong dòng văn xuôi tự sự trung đại Việt Nam.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google