Để con biết quý trọng tiền bạc và sức lao động
Giáo dục tài chính sớm cho trẻ em là một trong những kỹ năng cần thiết đang được phụ huynh quan tâm gần đây. Trước những thực trạng đáng báo động được nuông chiều của một bộ phận giới trẻ, cần có những kiến thức cơ bản để con biết quý trọng tài sản, tiền bạc.
Từ lâu, dạy con sống đơn giản, tiết kiệm, không phung phí và nắm rõ việc kiếm tiền phải dùng sức lao động của mình khó khăn đến mức nào là những điều đã được nhiều bậc ông bà, cha mẹ đã dạy con trẻ.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế thị trường phát triển, việc kiếm tiền có vẻ trở nên dễ dàng, nhanh chóng... cũng là lúc nhiều gia đình thoát khỏi cuộc sống khó khăn, ít quan tâm tới chi phí, đặc biệt quên luôn nhiệm vụ phải dạy con cái mình biết quý trọng sức lao động, quý trọng tiền bạc của chính cha mẹ mình, và của chính các bạn khi có tiền trong tay.
"Tá hỏa" khi bị... rút két bởi chính con yêu
Quan sát ở một gia đình giàu có ở thành phố: Chị M.L. do kinh doanh bận rộn, nên luôn có thói quen cho con tiền sinh hoạt trong một ngày, số tiền đó đôi khi chị L cũng không có thời gian kiểm soát. Chỉ cần cho con biết mật khẩu nơi giữ tiền trong nhà, dặn dò qua loa... Chị vẫn nghĩ, con cái biết mức chi tiêu cần thiết để chủ động lấy tiền ăn dần.
Bẵng đi một thời gian khi có điều kiện mở ra kiểm tra lại, chị hoảng hốt khi thấy số tiền hàng trăm triệu cất giữ trong két sắt chỉ còn vài tờ tiền lẻ... Lúc đó, chị mới biết ngoài chi tiêu ăn uống với bạn bè, con gái chị còn mắc bệnh nghiện mua sắm online, cứ thích gì là "order" trên mạng. Từ đồ ăn, thức uống, quần áo, dày dép cho tới nhiều món đồ hiệu, trang sức đắt tiền. Mà lạ là mua xong, lại đem... cho hết. Lúc nhận ra để dạy con thì đã quá muộn!
Có một điều đáng lưu tâm, là trong nhà chị M.L. lúc nào cũng vương vãi tiền rơi, tiền lẻ, thậm chí cả tiền mệnh giá cao... nhưng các cháu cũng không thèm thu lượm lại và cất giữ cho mẹ. Trong đầu bọn trẻ, đó chỉ là những đồng giấy bạc lẻ, vụn vặt, không đánh quan tâm.
Có lẽ, sẽ có không ít các bậc phụ huynh như chị M. L. đã quên mất, ngoài việc kiếm tiền mà bản thân chị đã phải lao tâm khổ tứ, thì nhiệm vụ cơ bản hàng đầu làm sao để cho con gái mình biết, những đồng tiền ấy dù nhỏ, lẻ cũng đều đáng quý, đang giữ gìn và chi tiêu một cách xứng đáng, hiệu quả.
Thực tế, nhịp sống hiện đại cũng có nhiều phương tiện, cách làm để giúp các bạn học sinh, sinh viên có thể học cách sử dụng từng đồng tiền một cách có giá trị. Vì điều kiện hiện nay, nhà nào cũng cho con ăn học ở mức chất lượng cao, nhiều bạn trẻ có thể lĩnh hội một lúc nhiều kiến thức hay, khó.
Phụ huynh phải chăng đã quên thời gian khổ?
Tuy nhiên, thực tế, các bạn lại ít quan tâm đến lĩnh vực tài chính sớm. Một phần cũng do các bậc phụ huynh chưa cảm thấy cần thiết, phần khác do các bạn đều được bao bọc, có thể dựa cả vào bố mẹ trong chuyện tiền bạc. Đây là một thực trạng kém hẳn so với thế hệ trước thời bao cấp.
Trước kia, ở lứa tuổi 6x, 7X, từ trong khó khăn, mọi thứ của cải vật chất đều được quý trọng. Bài học về tiết kiệm, hiệu quả là bài học đầu tiên đối với các thành viên trong gia đình. Tiết kiệm từ bữa ăn, mua một món đồ mới, tiết kiệm cả năm để có những ngày Tết đoàn viên, no ấm... Tất cả như một thứ bất thành văn, nhưng lại được lưu truyền bằng kinh nghiệm từ ông bà, bố mẹ tới con cháu.
Những bài học vỡ lòng ấy, đã giúp nhiều thế hệ người Việt Nam vượt qua nhiều thử thách, cám dỗ của tiền bạc, vươn lên xây dựng cho mình một tiền đồ tươi sáng, chất lượng. Cách kiếm tiền trong quá khứ cũng không có nhiều. Người Việt vốn gắn bó với nghề nông, một số được học hỏi sau này mới có điều kiện làm những ngành nghề mới. Tuy nhiên, mặc dù lớn lên trong khó khăn, lạ thay lại không ai bị bỏ lại phía sau.
Trở về thực tại phải làm gì?
Câu chuyện về một gia đình vị Chủ tịch giàu có bậc nhất Việt Nam, nhưng lại sở hữu những người con (3 người con gồm 2 trai, 1 gái) ngoan ngoãn, thành đạt, luôn được nhiều người quý mến vì tính khiêm tốn, tiết kiệm, không tiêu xài, phung phí, xa hoa như các "cậu ấm cô chiêu" con nhà đại gia cùng hệ đã truyền cảm hứng cho nhiều người.
Vị Chủ tịch ấy đã dạy con lao động kiếm tiền từ bé, ông từng chia sẻ: Quan điểm của tôi là các cháu phải chịu khó lao động, yêu lao động và phải rèn luyện.
Chính con trai đầu của vị Chủ tịch giàu có đã phải tự tay chở gạch đá, lao động làm nhà cho bố ở tuổi còn bé trong suốt mùa Hè để kiếm được "thù lao" từ bố. Và cậu rất chăm chỉ, miệt mài. Có lẽ trải qua lao động cực nhọc, cậu mới thấy quý trọng sức lao động mà bố mình đã bỏ ra để kiếm tiền. Sau đó, cậu trở thành một vị giám đốc "nói được, làm được". Khi gặp cậu, ai cũng thấy được tinh thần làm việc quyết liệt, nghiêm túc, đến cùng, nhưng vẫn rất khiêm tốn, hòa đồng với nhân viên.
Có lẽ, câu chuyện thành công trong cách dạy con của vị tỉ phú này không chỉ truyền cảm hứng, nó còn là bài học khiến nhiều bậc phụ huynh nên nhìn lại: Dù xuất thân thế nào, hoàn cảnh ra sao, các con trẻ cũng nên trải qua lao động thực sự bằng chính sức lực của mình. Càng sớm càng tốt, để chúng có được những phẩm chất cần thiết trước khi bước vào đời.
Tất nhiên, quý trọng khác với dè sẻn quá mức, ích kỷ. Ngoài những bài học về tài chính, các bạn trẻ hiện nay cần học cách chia sẻ, yêu thương và quan tâm tới mọi người. Đầu tiên, là bài học chia sẻ từ trong gia đình với ông bà, bố mẹ, anh chị em.
Khi các con biết mở lòng với mọi người xung quanh, nhất là trong các hoạt động ủng hộ đồng bào thiên tai bão lụt, giúp bạn nghèo vượt khó, đến với người già neo đơn và trẻ em mồ côi... thì các con đã bắt đầu cảm nhận được sự hữu ích của tiền bạc, có thể đem tới hạnh phúc cho mọi người xung quanh và bản thân mình như thế nào.
Nhìn một cụ bà lam lũ bán trái cây trên vỉa hẹ, con có thể động lòng và mua giúp bà thay vì dùng tiền đó mua thẻ game; Thấy những bạn trẻ cùng lứa phải đi bán tăm, bán vé số dạo... bạn trẻ có thể rút ví ủng hộ... Những thứ đó, tuy nhỏ, nhưng là biểu hiện của đạo yêu thương, biết chia sẻ và sống trân trọng mọi tài sản của mình, và của xã hội.
Thực ra, dạy con kiếm tiền chân chính cũng là giúp cho con có một đời sống hạnh phúc trong tương lai. Ngoài ra, giới trẻ cùng cần nhìn vào những mặt trái của đồng tiền. Nhiều hệ lụy có thể xảy ra khi dùng tiền bất chính, kiếm tiền dễ dàng, phung phí tài nguyên, sức lực... Giáo dục tài chính trong khuôn khổ pháp luật cho phép cũng là yếu tố quan trọng để giúp các con có được hành trang vào đời vững chắc, an toàn, và đúng đắn.
Học người Nhật lối sống tối giản, ít chi tiêu, làm hiệu quả, luôn có kế hoạch chi tiêu cho bản thân, gia đình, chia sẻ với mọi người phù hợp cũng là cách giúp con mình có được một cuộc sống hạnh phúc, thành đạt: Đó là điều mà bậc phụ huynh nào cũng mong mỏi.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google