Bảo đảm biên chế cho ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu dạy - học

PV
12:01 - 03/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Bộ Nội vụ khẳng định, hiện nay có tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên giữa các cấp học, bậc học, giữa các địa phương, do đó để khắc phục vấn đề này cần nhiều những giải pháp đồng bộ.

Bộ Nội vụ vừa gửi Quốc hội Báo cáo số 5392/BC-BNV một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực Nội vụ tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Bảo đảm biên chế cho ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu dạy - học - Ảnh 1.

Bộ Nội vụ ước tính trong gian đoạn 2019-2026 cả nước dự kiến bổ sung 98.547 biên chế giáo viên

cho các cấp học. Ảnh: IT

Nêu thực trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ Nội vụ cho biết, theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay có tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên giữa các cấp học, bậc học, giữa các địa phương và thiếu giáo viên của một số môn học như tin học, ngoại ngữ, nghệ thuật.

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Bộ Nội vụ đề cập đến 3 giải pháp: một là, Bộ Nội vụ cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành liên quan tiếp tục tham mưu, đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, trong đó có đội ngũ viên chức giáo viên; cơ chế, chính sách về tiền lương; định mức học sinh/lớp, giáo viên/lớp cho phù hợp thực tế và của từng vùng, miền; đẩy mạnh tự chủ, khuyến khích xã hội hóa; đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực, quản lý, cấp phát ngân sách nhà nước.

Hai là, các địa phương cần chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp đó là, chủ động xây dựng kế hoạch (cho cả giai đoạn 2022-2026 và năm học 2022-2023) để tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả số chỉ tiêu biên chế giáo viên được Bộ Chính trị giao tại Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tại các cấp học do tăng quy mô học sinh và đổi mới chương trình giảng dạy; Tiếp tục rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô lớp học; thu gọn lại các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương.

Ba là, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chiến lược để phát triển giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách đối với đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI.

Về vấn đề giải quyết tình trạng thiếu nguồn tuyển giáo viên, Bộ Nội vụ cho hay, hiện nay có tình trạng khi có biên chế lại thiếu nguồn tuyển dụng. 

Do đó để khắc phục vấn đề này, Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương tập trung làm tốt công tác quy hoạch bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật, định hướng phát triển của địa phương.

Bám sát quy hoạch, nhu cầu phát triển về quy mô trường, lớp, học sinh trong từng giai đoạn, từng năm học để lập kế hoạch tuyển dụng giáo viên cụ thể đến từng cấp học, từng ngành cho phù hợp với nhu cầu sử dụng. Có kế hoạch đặt hàng với các cơ sở giáo dục đào tạo để đào tạo giáo viên cho địa phương mình.

Tiếp tục hợp đồng thỉnh giảng đối với những giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Điều 77 Luật Giáo dục năm 2005 đã ký hợp đồng trước ngày 01/7/2020.

Nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền cơ chế, chính sách để thu hút sinh viên sư phạm ra trường trở về địa phương giảng dạy. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng số giáo viên để đạt chuẩn trình độ nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019.

Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam