Đau cũng là sống, nhưng "sống đau" như thế nào?
Qua đi những xôn xao của truyền thông, ra mắt, giới thiệu tự truyện "Đau cũng là sống", tôi và tác giả của cuốn sách này mới có dịp gặp nhau. Đồng Đức Thành - người đàn ông 30 năm sống cùng HIV/AIDS trong máu mình đã sống một cuộc đời bận rộn, kiên cường mà anh gọi là "sống đau" khiến tôi kinh ngạc.
Đồng Đức Thành - người tự viết điếu văn đời mình
Đồng Đức Thành sinh năm 1976 tại Hạ Long, Quảng Ninh, hiện sống và làm việc tại Hà Nội. Khi Thành viết tự truyện "Cuộc sống vẫn tiếp diễn" năm 2008, anh mới ngoài 30 tuổi, có trong tay 10 năm sống chung với AIDS vì nhiễm HIV từ khi chưa đầy 20 tuổi.
Năm 2023, Đồng Đức Thành được khích lệ để viết dài thêm 20 năm nữa sống với HIV trong máu. Và cuốn tự truyện chấn động của anh vừa ra đời được Alpha Books và Công ty Truyền thông Sống phát hành mang tên "Đau cũng là sống".
Đồng Đức Thành cho rằng mình đã "sống đau" 30 năm trời từ khi phát hiện mình có HIV đến nay và anh cần kể lại cuộc đời mình dạng tự truyện để lấy đó làm bài học cuộc sống cho nhiều người khác. Câu chuyện đời anh sẽ làm thay đổi nhận thức của xã hội về căn bệnh AIDS. Rằng có HIV không phải là dấu chấm hết. Và bất cứ ai cũng có quyền được sống, được học tập, được cống hiến cho xã hội năng lực của mình.
Thành chỉ khác mọi người ở chỗ, thứ mà anh cống hiến là nỗi đau, niềm khát vọng sống mãnh liệt. Anh còn là một tấm gương tự học kì diệu. Anh tự học tiếng Anh, tự học kỹ năng truyền thông công chúng, giao tiếp đồng đẳng và kiến thức cơ bản về Y học, về tôn giáo. Tất cả là tự học vì không có trường lớp nào có thể dạy người ta "phải sống".
Tôi nói với Thành, tôi thích triết lý cuộc sống mà anh theo đuổi rằng: "Không ai khác chính bạn là người tự viết điếu văn cho cuộc đời của mình, nên hãy viết nó một cách tốt nhất có thể". Thành quyết tâm tự viết lại bản điếu văn đời mình mà đáng lẽ ra nó đã vang lên nhạt nhẽo 30 năm trước cho anh. Còn 30 năm gượng dậy và sống tiếp với HIV, đó mới là điếu văn mà anh dành để chúng ta đọc.
Đồng Đức Thành là thành viên Mạng lưới Người sống với HIV Việt Nam (VNP+). Trước khi nhiễm HIV, anh học Trường Cao đẳng Kỹ thuật Mỏ Quảng Ninh, làm cán bộ một công ty khai thác than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam. Và sau khi phát hiện mình bị nhiễm HIV, cuộc đời Đồng Đức Thành đột ngột rẽ ngoặt sang một hướng khác.
Không có hoàn cảnh tuyệt vọng, chỉ có con người tuyệt vọng
Điều làm nên giá trị của tự truyện "Đau cũng là sống" của Đồng Đức Thành là bài học lớn về giá trị cuộc sống cho nhiều thế hệ, nhất là thế hệ trẻ đang trên đường khám phá cuộc sống, khám phá bản thân mình. Thành không chỉ nói về HIV và đề cập đến căn bệnh AIDS. Nhưng chính vì mắc căn bệnh này, cuộc đời anh mới bật lên một sức mạnh khủng khiếp, tràn lướt qua nỗi sợ chết, trước mắt là để sống đã, rồi sống rực rỡ và có ích cho cộng đồng.
Thành là một thanh niên tỉnh lẻ, sinh ra đúng vào thời điểm 2 vấn nạn ma tuý và lan truyền HIV chóng mặt vùi dập thế hệ 7x, 8x ở thành phố Hạ Long. Anh kể lại thập kỷ 90 ở đất Mỏ, anh và nhiều thanh niên cùng lứa bị ma tuý trùm lên, cuốn đi, nhiều cuộc đời tàn lụi và qua đời khi chưa đầy 20 tuổi. Những thanh niên tỉnh lẻ có lối sống cẩu thả, phóng đãng ngay lập tức nhiễm HIV, đi kèm với đó là ma tuý, lối sống buông thả. Một bộ phận thanh niên ưu tú chưa đầy 20 tuổi nghiện ma tuý, tán gia bại sản, vi phạm pháp luật.
Tình thế buộc truyền thông về AIDS cũng "quá tay" khi gieo vào ý thức xã hội đã có HIV nghĩa là chết, "chỉ sống vật vờ được vài năm thôi", sự kỳ thị người có HIV đồng nghĩa với tệ nạn xã hội bị đẩy đến tận cùng. Người đọc trẻ tuổi có lẽ không hình dung nổi, thời kỳ ma tuý chôn sống nhiều thanh niên và các gia đình đất Mỏ ngày ấy. Họ thậm chí chả có điếu văn trong đám tang.
Sót lại sau cơn bão ấy, may mắn là Đồng Đức Thành không tự chôn mình trong nghiện ngập. Anh tự học ngoại ngữ, được sự giúp đỡ của nhiều nhóm đồng đẳng (những người cùng nhiễm HIV hỗ trợ nhau) để sống tiếp, duy trì điều trị AIDS và làm việc. Muốn làm việc trong các tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ những người có HIV khác thì Thành bắt buộc phải học nhiều kỹ năng.
Thành phát triển bản thân theo một lối đau đớn và tủi hổ. Chường mặt ra truyền thông để thừa nhận mình có HIV. Năm 1995, Pháp lệnh chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người có HIV ở nước ta có hiệu lực. Các toà soạn báo muốn công khai danh tính của anh, đăng ảnh của anh đều phải được sự đồng ý của anh. Thành chấp nhận hết, thậm chí chấp nhận bị hàng xóm chỗ thuê nhà đuổi cổ sau khi biết anh mắc HIV/AIDS.
Đồng Đức Thành sau nhiều năm làm việc với các tổ chức hỗ trợ người sống chung với HIV, sức khoẻ của anh bắt đầu ổn định. Anh tuân thủ việc điều trị bằng thuốc, tham gia các khoá huấn luyện và tự học kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giáo dục giới tính, quan hệ tình dục an toàn để phổ biến những kiến thức này đến cộng đồng người có HIV.
Tôi nhận thấy việc chăm sóc sức khoẻ tâm thần với anh là vất vả hơn cả. Thành nghiên cứu nhiều tôn giáo để tìm một phương pháp chữa lành cho bản thân khi thường xuyên phải đối mặt với trầm cảm lo âu, rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Thời COVID-19 hoành hành, anh trầm cảm gấp đôi người bình thường vì thu nhập không có, việc làm ngừng trệ, bệnh tật tiến triển trong khi càng ngày anh càng nhận thấy giá trị của cuộc sống chỉ đơn giản là được sống, sống có ích.
Anh đối diện thẳng thắn với những sai lầm quá khứ, muốn người khác biết để tránh. Anh viết ra tự truyện hy vọng mang lại bài học bổ ích cho những người trẻ tuổi để họ có thể "đốn ngộ" điều gì đó mà chú ý vào phát triển bản thân và tránh những sai lầm đáng tiếc, buông trôi tuổi trẻ của mình một cách lãng phí.
Đồng Đức Thành - một trong những người đầu tiên nhiễm HIV tại Việt Nam công khai danh tính với truyền thông nhằm mục đích vận động chính sách về phòng, chống HIV/AIDS và truyền thông giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV. Đồng thời, Thành cũng là một trong những người sống với HIV đầu tiên tại Việt Nam tham gia trong các chương trình Tăng cường sự tham gia đầy đủ và có ý nghĩa của những người sống với HIV trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, gọi tắt là chương trình GIPA.
Hiện nay, Đồng Đức Thành đảm nhiệm vai trò Điều phối trong Dự án giám sát do cộng đồng dẫn dắt (CLM). Cuộc đời "sống đau" của Đồng Đức Thành chính là đi từ một thanh niên phóng túng, với cú sốc nhiễm HIV và sau đó là cuộc vực dậy bản thân, tự học, trở thành nhân vật truyền cảm hứng về giá trị cuộc sống và lan toả năng lượng tích cực đến với những người cùng cảnh, cứu cánh của nhiều số phận tương tự khác.
Trải qua nhiều năm làm việc, Đồng Đức Thành có kinh nghiệm nhất định trong lĩnh vực làm dự án về truyền thông, vận động chính sách về Y tế và các vấn đề xã hội, giúp đỡ người sống chung với HIV và các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS với nhiều vai trò và vị trí khác nhau.
Đồng Đức Thành bày tỏ thật thà: "Khi còn là một thanh niên mới lớn, tôi đã không chú trọng, quan tâm đến rèn luyện sức khỏe, học hành và tu dưỡng đạo đức. Chúng tôi đã chìm đắm trong hưởng thụ, nhậu nhẹt, chơi bời phóng đãng, đánh nhau, sử dụng chất kích thích…
Sang tuổi trung niên, sức khỏe của tôi đã xuống cấp nghiêm trọng và luôn cảm thấy mệt mỏi. Phải chăng đó là luật nhân quả mà tôi phải đón nhận? Nhưng cũng nhờ sự nhận ra những sai lầm và nỗ lực, tôi cảm thấy cuộc sống mình bây giờ thực sự có ý nghĩa, và hạnh phúc. Tôi đã cố gắng hết sức để tự viết một bản điếu văn cho bản thân mình trọn vẹn nhất có thể.
Với 30 năm sống chung với HIV, Đồng Đức Thành đã sang tuổi trung niên. "Tôi cảm thấy sức khỏe của mình ngày càng yếu đi nên việc rời xa cuộc sống có thể đến gần hơn. Đây chính là lý do thúc đẩy tôi viết một cuốn sách với hy vọng nó có một chút ích lợi gì đó cho những người trẻ tuổi thuộc thế hệ kế tiếp. Những bài học đời tôi hết sức cay đắng và đầy nước mắt, hy vọng sẽ bổ ích cho các bạn trẻ. Là một người đã trưởng thành, tôi không thể đổ lỗi cho những di chứng, hậu quả từ tuổi thơ thiếu tình thương yêu gia đình. Vì tôi phải chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình.
Tôi không dám đưa ra lời khuyên nào đối với những người trẻ tuổi bởi vì trong cuộc sống hiện đại đã có quá nhiều lời khuyên khai vấn, diễn văn của diễn giả trên mạng xã hội, các tài liệu self-help... Hơn nữa, mỗi con người là một phiên bản khác nhau, với điểm mạnh, điểm yếu, hoàn cảnh và sứ mệnh khác nhau.
Điều cuối cùng và vô giá là tôi học được từ cuộc đời này là sự sống và hơi thở tạo hóa đã ban tặng cho con người là quý giá hơn cả. Với kinh nghiệm cá nhân tôi, sự đau khổ chỉ diễn ra trong những thời điểm nhất thời. Mỗi lần vượt qua nó, tôi thấy có cảm giác rất hạnh phúc bởi vì vượt qua sự khổ đau, tôi lại có thêm sức mạnh và kinh nghiệm để đối diện với các nghịch cảnh tiếp theo có thể xảy ra trong cuộc đời.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google