Đắp thuốc nam - lợi bất cập hại

Bác sĩ Văn Bình
06:06 - 25/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trong một tháng, khoa Chấn thương - Bỏng, bệnh viện tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận tới 12 bệnh nhân nhiễm trùng, viêm hoại tử vết thương do đắp thuốc nam. Và tình trạng này xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước.

Đắp thuốc nam - lợi bất cập hại - Ảnh 1.

Vùng hai gối nhiễm trùng do đắp lá trộn dấm chữa thoái hóa khớp của một bệnh nhân nữ
đến bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh

1.

Bà H.T.L, 44 tuổi, ở thành phố Lạng Sơn, bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người đã nhiều năm. Nghe lời mách, gia đình mời thầy lang đến nhà chữa trị bằng thuốc nam. Trong khi xông lá, không may bà bị bỏng nước sôi, nhưng không đến bệnh viện mà đắp vết bỏng bằng lá cây và lông nhím do tin tưởng thầy lang. Một tuần sau, vùng bỏng của bà loét rộng, nóng rát, sưng tấy, đỏ, gia đình mới đưa đến viện. 

Bác sĩ xác định vết bỏng nhiễm trùng, hoại tử mô. Do vùng bỏng hủy hoại da rộng, không thể tự liền da nên bác sĩ cắt lọc tổ chức viêm hoại tử, điều trị nhiễm trùng cho vết thương ổn định, rồi cắt những mảnh da nhỏ ở mặt trong đùi cấy ghép vào vết bỏng. Những ngày sau vết bỏng vá da tiến triển tốt, các mảnh da ghép đều sống, bà vẫn phải tiếp tục theo dõi, điều trị tại viện. 

Trong một tháng đến 25/7, khoa Chấn thương - Bỏng nhận 12 bệnh nhân nhiễm trùng, viêm hoại tử vết thương do đắp thuốc nam. Trong số này, nhiều người phải cấy ghép da, 3 người viêm hoại tử xương rất nặng, vận động rất khó khăn, nguy cơ cao tàn phế. Một trong số này là em P.V.K, 16 tuổi, ở Cao Lộc, Lạng Sơn, nhập viện vì loét, chảy dịch vết mổ sau phẫu thuật kết xương đùi. Em bị chấn thương gãy xương đùi trái, đã phẫu thuật kết xương... Về nhà, gia đình nghe người quen mách, lấy thuốc nam đắp vết mổ để xương mau liền. Sau khoảng một tuần, vết mổ của em loét rộng, chảy dịch nên lại đưa đến viện. 

Trên film X-quang thấy vùng viêm hoại tử xương đùi trái gãy - một bệnh cảnh rất nặng! Các bác sĩ phải mổ để tháo các vít kết xương, nạo viêm xương, cắt bỏ phần xương chết, rồi kết lại xương bằng khung ngoại vi. Họ nói rằng, phần xương hoại tử đã bỏ rộng, nên quá trình bồi đắp để liền xương sau mổ sẽ rất khó khăn và rất chậm, ảnh hưởng rất xấu đến vận động chân trái, thậm chí có thể tàn phế. Khi hồi phục sức khoẻ, em sẽ phải làm phẫu thuật ghép xương mới có cơ hội đi được.

2.

        Ngày 12/7, khoa Chấn thương - Chỉnh hình - Bỏng, bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển, thành phố Uông Bí, Quảng Ninh nhận cùng lúc 2 bệnh nhân gãy chân đều nhiễm trùng do đắp thuốc nam. Thứ nhất là ông N.V.L, 52 tuổi, ở Liên Vị, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh, gãy phức tạp đầu trên 2 xương cẳng chân (vùng khớp gối) phải. Thứ hai là ông V.Đ.Q, 65 tuối, ở Minh Tân, Thủy Nguyên, Hải Phòng, gãy di lệch 1/3 dưới hai xương cẳng chân trái. Hai ông đều gãy chân do tai nạn giao thông, cơ sở y tế chẩn đoán gãy xương, chỉ định nhập viện, nhưng đều từ chối, về nhà tự chữa. Sau đắp lá 2 - 3 ngày, hai ông thấy vùng chân gãy sưng nề, đau nhiều, chảy dịch mới đến viện. 

Bác sĩ chuyên khoa cấp II Hoàng Văn Dũng cho biết: Gãy đầu trên hai xương của ông L rất phức tạp, nguy cơ biến chứng nguy hiểm như hội chứng chèn ép khoang (tăng áp lực trong khoang kín (như trong bó cơ - có lớp cân (dân gian gọi là gân) mỏng bao bọc, hoặc khoang cân - xương. Áp lực cao chèn ép làm giảm áp lực thẩm thấu của mao mạch (gây chậm hoặc ngừng trao đổi chất) hoặc làm vỡ mao mạch… Khi thiếu máu nặng, cơ bị hoại tử, nhiễm trùng và miễn dịch cơ thể phản ứng chống mô hoại tử. Hậu quả: Hoại tử chi, thậm chí tử vong nếu không điều trị kịp thời. Mặt khác, thiếu máu động mạch có thể gây tràn dịch mô ngay cả khi áp lực khoang chưa cao, làm nặng thêm hội chứng chèn ép khoang. Mô xơ phát triển khi hoại tử kết thúc làm thay đổi cấu trúc tổ chức. Chèn ép khoang xảy ra nhiều ở cẳng chân…) hoặc loạn dinh dưỡng Sudeck (hội chứng Sudeck, hội chứng loạn dưỡng giao cảm phản xạ; hội chứng teo Sudeck) do rối loạn vận mạch, da bị loạn dưỡng, sẽ teo, tăng tiết mồ hôi, biểu hiện sưng nề chi, đau rát… 

Hai hội chứng này hay xảy ra khi chấn thương khớp gối (như ông L), nguy cơ cắt cụt chi cao nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Với tổn thương xương của ông L và ông Q, chắc chắn phải mổ để kết xương. Nhưng khi chưa kiểm soát được nhiễm trùng phần mềm thì chưa thể phẫu thuật, phải chống nhiễm trùng cho đến khi phần mềm ổn định mới được phép phẫu thuật. Đúng là cái xảy nảy cái ung!

3.

Anh N.V.H, 22 tuổi, ở Tân Phú, Đồng Nai, sưng đùi trái, mua thuốc tây uống không khỏi. Nghe mách, H đến thầy lang nắn bóp vùng tổn thương và đắp thuốc nam. Suốt một tháng, ban đầu sưng có giảm, nhưng sau khối sưng ngày một to ra, lan xuống vùng mông đùi trái, đau nhức nhiều. H liên tục sốt cao, đi lại khó khăn, hầu như không đêm nào ngủ được; nằm phải kê gối, nghiêng bên phải; đau lan cả sang mông và chân phải, không đi lại được. Ngày 23/7, H đến bệnh viện Hoàn Mỹ, Đồng Nai khi khối sưng vùng đùi trái to tướng, tròn như quả bóng, cử động hết sức khó khăn…, sốt 39 độ C, da nhợt nhạt. 

Khám, xét nghiệm, siêu âm, chụp cộng hưởng từ, xác định khối tụ dịch ap xe đùi mông trái lan lên đến thắt lưng, kích thước 63x120x245mm. Tình trạng nhiễm trùng và thiếu máu rất nặng. Khoa Chấn thương - Chỉnh hình phải phẫu thuật mở đường qua da, hút ra khoảng 2 lít mủ mùi thối, để hở vết thương dẫn lưu mủ còn sót, thay băng hàng ngày. Do thiếu máu và nhiễm trùng nặng nên H phải truyền 5 đơn vị máu trước và sau mổ, dùng kháng sinh tiêm đặc trị. Vết mở da phẫu thuật được đóng lại sau 2 tuần. 

4.

Thôi thì chẳng thiếu, từ tắm lá, đắp lá chữa vết bầm tím da, nhọt đến bỏng, thoái hóa khớp, gãy xương, chó dại cắn, rắn độc cắn, trị ung thư (nhiều nhất là ung thư vú) bị dị ứng nặng hoặc nhiễm trùng nguy kịch. Đắp lá là cách chữa trị dân gian có từ xa xưa khi mà cuộc sống nghèo khó, thiếu thuốc thiết yếu. Bây giờ, thuốc không thiếu nhưng không hiểu sao nếp nghĩ "thâm căn cố đế" kiểu lang vườn vẫn tồn tại, trong khi hiệu quả của cách chữa trị này có thể khảng định là không đáng kể, nên không giải quyết được vấn đề cốt lõi là khỏi bệnh. 

Đắp lá mà xương gãy liền được thì thật hoang đường và càng hoang đường hơn khi đắp lá chữa được rắn độc, chó dại cắn, ung thư. Bởi cho dù trong lá (gì đó) có những hoạt chất cực mạnh có tác dụng chữa các bệnh nói trên thì những hoạt chất này từ lá ngấm qua da, cơ để vào cơ thể là rất ít, rất yếu so với đường tiêm, uống những hoạt chất này. Huống hồ, những loại lá này bản thân ông lang dùng nó cũng chẳng biết có hoạt chất gì, hàm lượng ra sao, độc hại hay không, tác dụng gì! 

Các thầy lang vườn không hoặc rất ít hiểu biết giải phẫu người, chỉ sờ nắn bên ngoài, chẩn đoán theo chủ quan rồi đắp thuốc, bó lá, không biết hai đầu xương gãy đã khớp hay chưa, xương có thẳng trục (giải phẫu) hay không! Họ thành công với những ca gãy xương kín không di lệch, rạn xương. Thực tế thì những ca gãy đầu dưới xương quay, gãy mâm chày (mặt đầu trên xương chày, trong khớp gối) không di lệch, gãy xương cành tươi ở trẻ em (màng xương trẻ em dày, nhiều khi chỉ gãy thân xương, màng xương không rách, hai đầu xương gãy không di lệch)… nếu kéo nắn khớp hai đầu xương gãy, cố định tốt thì không cần can thiệp gì, sau 4 - 6 tuần xương sẽ tự liền. Các loại lá đắp cho bệnh nhân có tác dụng giảm sưng, đau nên người bệnh cảm thấy dễ chịu... 

Đắp lá không đảm bảo sạch vào vết thương, vết bỏng là rất nguy hiểm. Vì vết thương hở là "cửa mở toang" để vi khuẩn xâm nhập cơ thể, trong khi lá chỉ được rửa thông thường không đảm bảo vô khuẩn. Xử lý để đảm bảo vô khuẩn bằng các phương pháp y tế đang sử dụng thì mất hết tác dụng của lá, chẳng thày lang nào "dại dột" như vậy. Ngoài nhiễm trùng tại vùng vết thương, nguy hiểm hơn là nhiễm trùng huyết; viêm mủ màng tim, màng não, màng phổi; áp xe phổi; viêm xương hoặc tủy xương, để lại di chứng suốt đời hoặc tử vong! 

Dù đã có rất nhiều cảnh báo về đắp thuốc nam vết thương, vết bỏng, nhưng vẫn còn rất nhiều người tin lời mách, đồn thổi, dẫn đến hậu quả đau lòng. Ngay cả khi tổn thương da vô cùng nhẹ, đắp lá cũng dẫn đến hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. 

Tháng 5, cháu N.V.H, 13 tuổi, ở thị xã Chí Linh, Hải Dương, bị tai nạn xe máy. Bệnh viện đã khám, chụp film nhưng không gãy xương, không rách cơ hay tụ máu trong cơ; chỉ trầy xước nhẹ, bầm tím da diện rộng vùng cẳng chân phải… Người nhà nghe mách đắp thuốc lá vết bầm sẽ nhanh tan, nhanh khỏi. Sau 5 ngày đắp lá, cháu sốt, vùng đắp lá sưng nề, chảy dịch mùi hôi. Khoa Chấn thương - Chỉnh hình - Bỏng, bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển, Uông Bí, Quảng Ninh chẩn đoán: Hoại tử phần mềm diện rộng cẳng chân trái. Vết thương vùng khoeo trái chảy dịch mùi hôi thối, bàn chân phải sưng nề. Bác sĩ phải cắt lọc tổ chức da, cân, cơ hoại tử. Thật là "lợn lành chữa thành lợn què"!

5.

Mỗi năm có cả trăm ca đắp lá bị hậu quả xấu. Chẳng hạn chỉ năm 2020, riêng bệnh viện tỉnh Khánh Hòa đã có 20 ca. Trong đó liều nhất là bà N.T.H, sinh năm 1965, ở thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa, bị tiểu đường từ lâu, đắp lá chữa vết thương ở hai mu bàn chân, bị nhiễm khuẩn hoại thư sinh hơi (Clostridium perfringens - trao đổi chất không cần oxy, rất độc, gây hoại tử mô sinh ra hơi). Đến viện khi cơ thể suy kiệt, hai bàn chân sưng tấy, thâm đen; hoại tử lan rộng vùng đùi, cẳng, bàn chân phải, phải cắt cụt chi. Sau phẫu thuật, diễn biến xấu, hôn mê sâu, phải thở máy…; gia đình xin về! Với người tiểu đường, lượng đường trong máu cao là môi trường vô cùng thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi với mức độ nhanh nhất, vì thế nếu nhiễm trùng sẽ cực kỳ nguy ngập! 

Bác sĩ bệnh viện Việt Đức, Hà Nội cho biết, ở ngay Thủ đô, bà mẹ học vấn cao, con bị trật khớp khuỷu, không đến viện mà đưa đi bó lá, dùng thuốc giảm đau. Sau 1 tháng, khớp liền cứng, biến dạng, khuỷu tay lồi ra, mất chức năng gấp, duỗi bình thường; tay cong vẹo. Phải phẫu thuật phá bỏ khớp cứng, tái tạo khớp mới; nhưng sẽ vô cùng khó khăn, nguy cơ cao tàn phế vì những bộ phận trơn nhẵn (để khớp gấp, duỗi bình thường) đã bị xơ hóa, không thể hồi phục như cũ!

Cần phải từ bỏ lạm dụng đắp lá chữa bệnh vì không hiệu quả, chỉ gây hại. Nếu muốn điều trị theo phương pháp cổ truyền thì vẫn phải có ý kiến, chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Đông y. Vì đã là thuốc thì phải kiểm soát tác dụng, liều lượng, mức độ độc hại, tác hại - cho dù là thuốc đông nam dược.