Dàn lãnh đạo công ty Viễn thông ECPAY bị đề nghị truy tố
Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đề nghị truy tố Chủ tịch HĐQT Công ty ECPAY cùng 3 cựu Giám đốc, lãnh đạo ngân hàng....
Đề nghị truy tố Chủ tịch HĐQT cùng 3 cựu Giám đốc công ty ECPAY, 2 lãnh đạo ngân hàng lớn
Liên quan tới vụ vi phạm xảy ra tại Công ty Cổ phần Giải pháp thanh toán Điện lực và Viễn thông (ECPAY), cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an vừa hoàn tất bản kết luận điều tra bổ sung.
Theo đó, tại văn bản kết luận điều tra bổ sung vụ án Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ xảy ra tại một ngân hàng thương mại lớn, cơ quan điều tra đề nghị truy tố ông Nguyễn Hải Long và ông Vũ Văn Khiêm, hai cựu lãnh đạo của hai Ngân hàng thương mại lớn về tội "Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự".
Cơ quan điều tra cũng đề nghị truy tố bị can Đào Hoàng Thắng (cựu Giám đốc một ngân hàng thương mại lớn Chi nhánh Đống Đa) về tội Nhận hối lộ; Lã Quang Bình (Chủ tịch HĐQT Công ty ECPAY) về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” và "Đưa hối lộ".
Liên quan đến vụ án, còn có 12 bị can khác cũng bị đề nghị truy tố.
Nhiều vi phạm xảy ra tại Công ty ECPAY
Theo kết luận điều tra, từ năm 2005- 2016, ông Lã Quang Bình thành lập một số công ty. Trong đó, Công ty ECPAY của ông Bình đã ký Hợp đồng cung cấp dịch vụ thu hộ tiền điện qua kênh thanh toán của Công ty ECPAY với Tổng Công ty Điện lực miền Trung, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, Tổng Công ty Điện lực TPHCM và Tổng Công ty Điện lực Miền Nam TNHH.
Tháng 4/2016 - 12/2020, ông Bình dùng 8 công ty, lập hồ sơ vay tiền tại Chi nhánh Đống Đa của một Ngân hàng thương mại lớn để thanh toán ứng trước tiền điện cho các công ty điện lực, đầu tư kinh doanh bất động sản và một số lĩnh vực khác.
Trong thời gian từ năm 2018 - 2020, Công ty ECPAY được Ngân hàng này cấp hạn mức tín dụng 1.000 tỷ đồng/năm, các công ty khác của ông Bình được cấp hạn mức 100 tỷ đồng/năm.
Từ khoảng tháng 11, 12/2020, hoạt động kinh doanh của các công ty bị đình trệ; ông Bình dùng tiền điện thu được để thanh toán các chi phí và đầu tư vào bất động sản, không trả được nợ cho ngân hàng, dẫn đến các khoản vay bị quá hạn…
Tháng 12/2020, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc có văn bản gửi các Công ty điện lực trực thuộc, yêu cầu đóng cổng thanh toán với Công ty ECPAY.
Do đó, ông Bình bị mất nguồn thu, không đảm bảo nguồn tiền trả các khoản vay đến hạn tại một Ngân hàng lớn, dẫn đến một số khoản nợ của các công ty bị đưa vào diện nợ xấu.
Theo Cơ quan điều tra, trong lúc kinh doanh gặp khó, ông Bình đã chỉ đạo cấp dưới tìm mua công ty, thay đổi đăng ký kinh doanh, tìm người đứng tên đại diện pháp luật, lập khống hồ sơ để một Ngân hàng lớn Chi nhánh Đống Đa cấp tín dụng, giải ngân trái quy định cho 64 công ty.
Đối chiếu tổng dư nợ và tổng giá trị tài sản thế chấp đã được định giá cho thấy, Ngân hàng lớn Chi nhánh Đống Đa thiệt hại hơn 948 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Bình còn bàn bạc, thống nhất, cùng người khác đưa hối lộ 200 nghìn cổ phiếu EIN (tương đương 2 tỷ đồng) cho ông Đào Hoàng Thắng để giải quyết cho Công ty Thịnh Phát không bị chuyển nợ xấu và tiếp tục được giải ngân vốn tại một Ngân hàng lớn Chi nhánh Đống Đa trái quy định.
Theo kết luận điều tra, ông Nguyễn Hải Long đã cho ông Bình vay 30 tỷ đồng từ ngày 15/3- 19/8/2021 với lãi suất 0,5%/ngày (5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, tương đương mức lãi suất 182,5%/năm, gấp 9,125 lần so với mức lãi suất cao nhất trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự).
Việc cho vay giúp ông Long thu lợi bất chính hơn 16,3 tỷ đồng.
Tương tự, ông Vũ Văn Khiêm cũng cho ông Bình vay 22 tỷ đồng, lãi suất 0,5%/ngày, thu lợi bất chính hơn 21,8 tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Thắng bị cơ quan điều tra cho rằng đã lợi dụng chức vụ giám đốc một Ngân hàng lớn Chi nhánh Đống Đa nhận 200 nghìn cổ phiếu để chỉ đạo Phòng khách hàng doanh nghiệp cấp hạn mức tín dụng giải ngân cho Công ty của ông Bình trái quy định của pháp luật về hoạt động của ngân hàng.
Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự được quy định thế nào?
Theo Bộ luật Hình sự quy định như sau:
"Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (thường gọi là tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự) được quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi 2017) như sau:
- Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".
Cũng theo Bộ Luật hình sự, việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cho vay nặng lãi được quy định bao gồm:
(1) Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, mà số tiền thu lợi bất chính của mỗi lần phạm tội từ 30.000.000 đồng trở lên, nếu mỗi lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
(2) Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng mà các lần thu lợi bất chính đều dưới 30.000.000 đồng nhưng tổng số tiền thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên và các hành vi này chưa lần nào bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính:
- Bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần cho vay lãi nặng;
- Không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
(3) Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, trong đó có một lần cho vay lãi nặng, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên và hành vi cho vay lãi nặng này chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; còn các hành vi cho vay lãi nặng khác thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng, các hành vi này chưa bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính:
- Bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần cho vay lãi nặng;
- Không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
(4) Trường hợp người cho vay lãi nặng thực hiện nhiều hành vi khác nhau liên quan đến việc đòi nợ (như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc có hành vi khác để lấy tài sản,...) thì tùy từng trường hợp họ còn bị xử lý hình sự về tội phạm tương ứng, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
(5) Trường hợp người cho vay lãi nặng nhằm thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên, nhưng vì nguyên nhân ngoài ý muốn mà người cho vay chưa thu lợi bất chính hoặc đã thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính mà họ nhằm đạt được.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google