Đắk Nông: Đề thi Olympic Ngữ văn 10 bàn về hằng số cuộc đời

Ly Hương
21:30 - 20/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 lớp 10, đề thi học sinh giỏi Olympic môn Ngữ văn của Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông gồm hai câu – nghị luận xã hội và nghị luận văn học, theo hình thức mở.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông vừa tổ chức kì thi Olympic cấp tỉnh lần thứ 7 năm 2023, trong đó có môn Ngữ văn. Trong đó, đề thi môn Ngữ văn có cấu trúc quen thuộc gồm câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học nhưng theo hình thức mở.

Thi học sinh giỏi Olympic môn Ngữ văn bàn về 'hằng số cuộc đời'

Câu nghị luận xã hội (8 điểm): Trong cuộc trò chuyện cuối năm với ê-kíp Vietcetera, đáp lại câu hỏi về xác định những hằng số trong một thế giới nhiều biến động, dịch giả Trịnh Lữ chia sẻ: "Hằng số của cuộc đời là thế giới bao giờ cũng có những thay đổi". (Đừng trì hoãn những điều nhỏ nhặt làm mình sung sướng", dịch giả Trịnh Lữ, Have a Ship, tập 108). Trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.

Câu nghị luận văn học: Bàn về công việc của người nghệ sĩ, nhà Văn Guy de Maupassant cho rằng: "Bất kể điều ta muốn nói là cái gì, chỉ có một từ để diễn đạt nó, một động từ để khiến nó có hồn, một tính từ để xác định nó. Vậy phải tìm kì cho đến lúc phát hiện được cái từ ấy, động từ ấy và tính từ ấy, và đừng bao giờ bằng lòng với cái na ná, đừng bao giờ trông cậy vào những điều hư ngụy, dù tài tình, với những trò xiếc chữ để tránh né khó khăn". (Guy de Maupassant, "Pieree và jean", Lê Hồng Sâm dịch, Nhà xuất bản Văn học, 2018).

Bằng trải nghiệm văn học, anh chị hãy bình luận ý kiến trên.

Đắk Nông: Đề thi Olympic Ngữ văn 10 bàn về hằng số cuộc đời - Ảnh 1.

Bàn về công việc nhà văn của Guy de Maupassant đi vào đề thi Ngữ văn 10 tại Đắk Nông.

Hằng số cuộc đời gợi ý suy nghĩ gì?

Giải thích: Hằng số của cuộc đời là những giá trị bền vững, bất biến. Dịch giả Trịnh Lữ đã khẳng định rằng, sự thay đổi là tính chất hiển nhiên của cuộc đời, đó là một trong những giá trị không thể phủ nhận.

"Hằng số" và "thay đổi" là hai khái niệm hoàn toàn đối lập nhau, ý kiến của dịch giả Trịnh Lữ tưởng như có mâu thuẫn song thực chất lại gợi dẫn nhiều suy nghĩ về bản chất cuộc đời.

Phân tích và chứng minh: sự thay đổi có thể diễn ra ở bên ngoài: thay đổi môi trường sống, thói quen, hay có sự biến động về một quá trình vốn quen thuộc. Nó cũng có thể diễn ra ở bên trong: thay đổi về suy nghĩ, quan niệm, tư tưởng.

Thế giới luôn luôn vận động dẫn đến sự biến đổi không ngừng của vạn vật, vì vậy thay đổi là điều không thể tránh khỏi. Đó là quy luật của cuộc sống.

Thay đổi là cần thiết cho cuộc đời bởi đó là động lực của phát triển của vạn vật. Nó phá vỡ nhịp độ thông thường để tạo ra bước ngoặt, có thể khiến sự việc xuống dốc hoặc phát triển, tùy thuộc vào cách con người đón nhận và giải quyết.

Bàn luận mở rộng: Chúng ta thường sợ sự thay đổi bởi nó có thể mang lại nhiều rủi ro, thách thức. Tâm lí con người thích sự an toàn, quen thuộc, vì vậy để thay đổi cần nhiều dũng cảm cùng quyết tâm và thái độ sẵn sàng đón nhận thử thách.

Có những sự thay đổi ngoại cảnh không dẫn đến bất kì sự biến chuyển nào khi con người vẫn giữ cái nhìn bảo thủ, không chịu mở lòng.

Hiểu rằng thay đổi là lẽ tất yếu sẽ giúp chúng ta giữ được cái nhìn bình tĩnh, sáng suốt trước mọi sự, không hoảng sợ, bớt e dè và có tinh thần dũng cảm tiến bước về phía trước.

Dù thay đổi là điều khó tránh nhưng có những giá trị cốt lõi vẫn cần được bảo lưu, gìn giữ, bất chấp mọi điều có biến đổi ra sao.

Nghị luận văn học về bản chất của suy nghĩ, tư tưởng

Giải thích: "Bất kể điều ta muốn nói là cái gì, chỉ có một từ để diễn đạt nó, một động từ để khiến nó có hồn, một tính từ để xác định nó", Guy de Maupassant đề cập đến bản chất của suy nghĩ, tư tưởng, đó là cần dùng ngôn ngữ chính xác để diễn đạt những điều đó.

"Vậy phải tìm kì cho đến lúc phát hiện được cái từ ấy, động từ ấy và tính từ ấy, và đừng bao giờ bằng lòng với những cái na ná, đừng bao giờ trông cậy vào những điều hư ngụy, dù tài tình, với những trò xiếc chữ để tránh né khó khăn", nhà văn đặt ra yêu cầu với người viết.

Phải lao động nghiêm túc để tìm từ ngữ chính xác, phù hợp với ý đồ nghệ thuật của mình, chứ không chấp nhận việc cẩu thả, khỏa lấp bằng những "cái na ná", "những điều hư ngụy dù tài tình", "những trò xiếc", tức là việc bày ra những từ bóng bẩy để che đi sự bất lực trong việc không tìm được từ chính xác.

Ý kiến của Guy de Maupassant đã đề cập đến lao động chữ nghĩa của nhà văn: đó là công việc đòi hỏi sự cần mẫn, chính xác. Đây là lời khuyên cũng là ý kiến đề cập đến một trong những phương diện thuộc về bản chất công việc của nhà văn.

Phân tích, chứng minh: Người viết cần tìm được đúng từ để diễn tả cảm xúc, suy nghĩ của mình. Bởi, văn học là nghệ thuật ngôn từ, sự hấp dẫn của văn bản đến từ một phần của vẻ đẹp ngôn từ. Cũng như bất kì nghệ sĩ thuộc các lĩnh vực khác, nhà văn phải cẩn trọng với chất liệu của mình, mà trong trường hợp này là ngôn từ.

Tìm được từ ngữ chính xác để diễn tả "điều muốn nói" xuất phát từ nhu cầu thể hiện diện mạo chân thực của tâm tư, tình cảm. Văn chương là nơi con người giãi bày suy nghĩ, quan niệm chân thành của bản thân.

Việc lựa chọn ngôn ngữ tinh tế có thể tạo được ấn tượng mạnh tới người đọc, gợi được "hồn" của vật hay nắm bắt được đúng trạng thái chân thực của sự vật, sự việc, từ đó tạo nên cho tác phẩm.

Người viết không thể bằng lòng "với cái na ná" hay trông cậy vào những điều hư ngụy, dù tài tình, với những trò xiếc chữ để tránh né khó khăn, là bởi: việc dùng từ thay thế dù có đẹp đẽ, bóng bẩy đến đâu thì cũng chỉ có thể làm choáng ngợp người đọc ở phút đầu song lại không đủ truyền tải giá trị mà nhà văn muốn, vì nó trở nên vô nghĩa. Người đọc tinh tế dễ dễ dàng nhận ra điều này.

Bàn luận mở rộng: Quan điểm của Guy de Maupassant có điểm thống nhất với quan niệm về lao động chữ nghĩa của các nhà văn mọi thời kì, mọi quốc gia.

Tìm được đúng từ không có nghĩa phải là những từ được coi là chuẩn mực, là hay mà những từ có thể coi là nôm na, thân cận với lời ăn tiếng nói, miễn là từ ấy có khả năng nắm bắt thần cốt của điều đang được cần nói ra. Vì vậy, để đánh giá tác phẩm từ góc độ ngôn ngữ, cần tránh cái nhìn quy phạm, khắt khe về ngôn ngữ trang trọng.

Lao động chữ nghĩa là công việc đòi hỏi nhà văn kiên nhẫn, cẩn trọng, bền bỉ. Đây cũng là một trong những thước đo đánh giá giá trị của tác phẩm cũng như tài năng của người viết.

Bình luận của bạn

Bình luận