Đại sứ Israel: "Niềm mong muốn học tập ở Việt Nam còn mãnh liệt hơn đất nước chúng tôi"
"Bất cứ điều gì muốn học ở Việt Nam thì chúng ta đều có thể tìm được một chuyên gia nào đó" - Đại sứ Israel Nadav Eshcar nhận định.
Đại sứ Israel, ông Nadav Eshcar, giao lưu với bạn đọc Việt Nam. Ảnh: Omega Plus cung cấp
Mỗi quốc gia đều đặc biệt và khác biệt
Chủ nhật ngày 10/7/2022 tại Hà Nội, Omega Plus đã kết hợp cùng Đại sứ quán Israel tổ chức buổi ra mắt cuốn sách "Lịch sử Israel: Câu chuyện về sự hồi sinh của một dân tộc".
Ông Vũ Trọng Đại, Chủ tịch HĐQT Omega Plus cho biết, cách đây 20 năm, khi còn là sinh viên ngành lịch sử thế giới, ông tò mò lịch sử về Israel, có nhiều thắc mắc về đất nước có ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới nên đã làm tiểu luận lịch sử Do Thái.
Tuy nhiên, khi tìm những tư liệu phục vụ cho bài tiểu luận, ông đi khắp thư viện Hà Nội, dành nhiều thời gian ở thư viện Quốc gia nhưng vẫn thấy khó khăn trong việc tìm các thông tin về dân tộc Do Thái cũng như về Israel.
"Tôi chỉ có thể tìm thấy số ít sách được xuất bản trước năm 1975, có những nghiên cứu nhưng không đủ để nhìn thấy bức tranh tổng thể về quá trình lập quốc, hình thành quốc gia của Nhà nước Israel", ông nói.
Ông Vũ Trọng Đại cho biết, dù hoàn thành tiểu luận nhưng băn khoăn về quốc gia vẫn đeo đẳng mãi về sau. "Trong 10 năm trở lại đây, thông tin về Israel mới càng nhiều, nở rộ tại Việt Nam, giúp độc giả Việt Nam hiểu hơn về lịch sử người Do Thái. Tiếp tục đóng góp cho việc kho tàng chuyện về Israel, Omega Plus cho ra mắt sách mới, để cung cấp thêm kiến thức cho độc giả Việt Nam", ông nói.
Tại buổi ra mắt sách, ông Nadav Eshcar, Đại sứ Israel cho biết mỗi quốc gia đều đặc biệt và khác biệt. Israel là quốc gia nhỏ cả về diện tích và dân số, nằm ở phía tây của lục địa châu Á. Lịch sử hình thành, những biến cố của nhà nước Israel là một trong những câu chuyện về lập quốc và kiến quốc trong thời hiện đại.
Toàn bộ quá trình này từ những xuất phát điểm manh nha đầu tiên cho tới tình thế hiện tại đã được tác giả Daniel Gordis tái hiện sống động trong cuốn sách "Lịch sử Israel: Câu chuyện về sự hồi sinh của một dân tộc".
Ông Nadav Eshcar đã viết trong lời giới thiệu cho ấn bản tiếng Việt của cuốn sách này: "Nhà nước Israel là một quốc gia nhỏ, nằm ở rìa phía tây của lục địa châu Á. Xét về nhiều khía cạnh, Israel cũng giống như bất kỳ quốc gia nào khác, song lịch sử quốc gia này lại là một câu chuyện phi thường. Phi thường đến mức đôi khi thật khó tin điều đó có thể xảy ra trong thực tế, nhưng quả thực như vậy.
Vương quốc Do Thái là một đất nước cổ xưa. Trong hàng ngàn năm, vương quốc này đã duy trì một tôn giáo độc nhất, chỉ thờ phụng một Thiên Chúa toàn năng duy nhất. Vì các dân tộc khác không thể hiểu được tôn giáo độc đáo này, dân tộc Do Thái nhỏ bé đã phải chịu đựng sự đàn áp không ngừng trong suốt lịch sử. Tuy nhiên, tôn giáo và tập tục độc đáo của người Do Thái là lý do khiến họ bảo tồn bản sắc độc đáo và giúp họ tồn tại như một quốc gia trong suốt lịch sử. […]
Trong cuốn sách này, học giả tài năng Daniel Gordis sẽ giới thiệu cho các bạn câu chuyện đáng kinh ngạc về Israel, một đất nước được hồi sinh thành quốc gia của người Do Thái trong kỷ nguyên hiện đại".
Đại sứ Israel: Israel và Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng
Với vị trí là Đại sứ Israel trong những năm vừa qua, theo quan sát của ông Nadav Eshcar, Việt Nam và Israel có rất nhiều điểm tương đồng. Thứ nhất, hai đất nước đều chú trọng vào học tập và giáo dục, đặc biệt, niềm mong muốn học tập ở Việt Nam còn mãnh liệt hơn đất nước chúng tôi. Thứ hai, đó là sự đổi mới sáng tạo. Bất cứ điều gì muốn học ở Việt Nam thì chúng ta đều có thể tìm được một chuyên gia nào đó. Thứ ba, lịch sử của Việt Nam và Israel cũng đều trải qua nhiều khó khăn, biến động, tuy nhiên cả hai đều có thể vượt qua và thành công.
PGS. TS Hoàng Anh Tuấn, Nguyên Phó Tổng Thư ký ASEAN, lại cho rằng người Việt Nam biết về người Do Thái từ lâu. Bằng chứng là từ xưa tới nay, trong một nhóm bạn cùng chơi, ông để ý thấy, nếu có người thông minh sẽ gọi là người "có đầu óc Do Thái". "Dù không biết đầu óc người Do Thái ra sao, nhưng nó gắn với những người thông minh, đôi chút lém lỉnh, láu cá", ông nói.
PGS. TS Hoàng Anh Tuấn biết tới Israel khá muộn. Ông cho biết, thời điểm còn học ở Mỹ từ năm 1997, trong 9 năm, đã thấy phong trào vận động của người Israel ở Mỹ mạnh. Khi nghiên cứu về biển Đông, ông ngạc nhiên bởi một trong những cuốn sách đầu tiên viết về xung đột tại biển Đông lại là của một học giả người Do Thái tại New York.
"Nếu khuyên mọi người nên đi 3 quốc gia, tôi khuyên mọi người nên đi, tìm hiểu về Singapore, Anh và Israel", ông nói. Ông đã có dịp thăm Israel 8 lần và là một trong những người Việt đầu tiên tới Israel.
Qua cuốn sách "Lịch sử Israel: Câu chuyện về sinh hồi sinh của một dân tộc", độc giả sẽ biết thêm những câu chuyện chưa kể về Israel, khi tác giả đi sâu vào phân tích những dấu mốc, sự kiện, vấn đề lớn của người Do Thái nói chung và đất nước Israel nói riêng, từ khi có những ý tưởng manh nha về việc phục quốc đến khi họ thực sự tập hợp lại ở cố hương Jerusalem. Câu chuyện về đất nước Israel là câu chuyện phức tạp, vừa kịch tính vừa đáng buồn, một câu chuyện kỳ diệu và đầy cảm hứng, tác động đến thế giới của chúng ta ở hầu hết mọi khía cạnh.
Daniel Gordis khởi đầu cuốn sách của mình (trong các chương từ 1 đến 7) từ gốc rễ phong trào Zionist với mục tiêu tối hậu là tạo lập cho người Do Thái một không gian sinh tồn độc lập nơi họ có thể tự do phát triển với các giá trị truyền thống của mình, đảm bảo tương lai cho các thế hệ sau, không phải chịu những bất trắc từ những hành động bài Do Thái mà họ đang phải chịu đựng ở nhiều quốc gia, đặc biệt là những nơi mà tư tưởng và hành động bài Do Thái được chính quyền dung túng, thậm chí khuyến khích.
Mạch tường thuật thứ hai của "Lịch sử Israel" (từ chương 8 đến chương 14) là giai đoạn 25 năm đầu tiên của nhà nước Israel, đánh dấu bằng những cuộc xung đột vũ trang liên tiếp với các quốc gia Ả rập láng giềng, vốn chưa bao giờ thừa nhận tính chính danh của Israel như một quốc gia độc lập, có chủ quyền.
Phần cuối của "Lịch sử Israel" (từ chương 15 đến chương 18) được Daniel Gordis giành cho những thay đổi đối nội và nhất là đối ngoại của Israel trong giai đoạn từ năm 1973 trở đi. Đó là câu chuyện về bước "đổi đất lấy hòa bình đầu tiên" của Israel khi trao trả bán đảo Sinai cho Ai Cập để rồi quá trình đàm phán dẫn tới hiệp ước hòa bình lịch sử tại Trại David năm 1978, đánh dấu quan hệ bình yên suốt gần nửa thế kỷ sau đó giữa hai quốc gia cựu thù.
Ký ức nền tảng để hiểu tư duy của người Israel
Nhưng bất ổn vẫn còn đó, sau nhiều trắc trở, nhà nước Ả rập Palestine cuối cùng đã được thành lập, nhưng xung đột giữa Palestine và Israel vẫn còn là câu chuyện ở thì tiếp diễn. Israel buộc phải thích ứng thêm một lần nữa với thực tế là sự tồn tại với tư cách nhà nước độc lập có chủ quyền của họ vẫn không được một số lực lượng, phong trào Ả rập như Hamas, Hezbollah thừa nhận, dẫn tới việc các lực lượng này không chịu từ bỏ các hoạt động bạo lực nhắm vào Israel.
Song song với vấn đề đối ngoại, Daniel Gordis cũng điểm qua xu hướng phục hưng của tính Do Thái trong nội tại quốc gia Israel, nơi các cộng đồng di cư nhiều nguồn gốc khác nhau đã dần hình thành nên một khối thống nhất, một dân tộc Israel đích thực.
Bên cạnh đó, tác giả Daniel Gordis cũng kể lại nhiều câu chuyện xoay quanh cách người Israel hiểu về bản thân và đất nước họ. Giống như những câu chuyện về chuyến đi lúc nửa đêm của Paul Revere, về việc George Washington không ngại gian khó vượt sông băng Delaware và cuộc chiến đấu đến hơi thở cuối cùng ở Alamo là trọng tâm trong câu chuyện mà người Mỹ kể về bản thân, những câu chuyện mà người Israel kể về lịch sử của họ cũng tương tự như vậy.
Những ký ức đó là nền tảng để hiểu được tư duy của người Israel, cách họ nhìn nhận về lịch sử, về nhà nước của mình cũng như cách thế giới nhìn nhận họ; vì vậy, cuốn sách này cũng kể về những câu chuyện quan trọng nhất trong số đó.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google