Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trả lời chưa thấu tình đạt lí về đề thi đánh giá năng lực
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trả lời chưa thấu tình đạt lí về việc "quay xe" đề thi đánh giá năng lực. Việc Đại học này không cho thí sinh được lựa chọn các câu hỏi thuộc 3 trong 6 nhóm lĩnh vực như đã công bố trước đó là hoàn toàn bất hợp lí.
Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học ngày 13/11/2024 phản ánh, nhiều giáo viên và học sinh bậc trung học phổ thông hụt hẫng khi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh điều chỉnh cấu trúc đề thi đánh giá năng lực áp dụng từ năm 2025.
Bài viết dẫn lời một giáo viên cho biết, sau khi tung hỏa mù bằng thông tin "cho học sinh chọn 3 môn trong 6 môn ở phần III" (đề thi đánh giá năng lực), Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã "quay nhẹ đầu xe" bằng cấu trúc đề thi mới: học sinh thi hết - khỏi chọn".
Trước đó, Đại học này công bố cấu trúc đề thi từ năm 2025 sẽ có 3 phần với 120 câu hỏi. Trong đó, phần III gồm các nhóm câu hỏi của 6 môn ở bậc trung học phổ thông là: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Khi làm bài, thí sinh sẽ được lựa chọn các câu hỏi thuộc 3 trong 6 nhóm môn đó.
Cùng ngày, chia sẻ với truyền thông, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2025 là năm đầu tiên học sinh trung học phổ thông tốt nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Điểm mới của chương trình ở bậc này là bên cạnh các môn học bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Lịch sử), học sinh được tự chọn 4 trong 9 môn học khác để theo học (Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật).
Trên lí thuyết, có tổng cộng 126 tổ hợp môn học có thể được học sinh lựa chọn. Tuy vậy, thực tế thì phương án chọn tổ hợp môn học của học sinh rất đa dạng.
Số liệu thống kê về chọn môn học tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy các môn Vật lí, Hóa học, Tin học có khoảng 55% đến 70% học sinh lựa chọn.
Các môn Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật có khoảng 40% đến 50% học sinh lựa chọn.
Môn Công nghệ có khoảng 25% học sinh lựa chọn; các môn Âm nhạc, Mĩ thuật có ít học sinh lựa chọn hơn với khoảng 2% đến 3%.
Do vậy, nếu theo cấu trúc trước đó, đề thi sẽ không đánh giá chính xác năng lực của các thí sinh học theo chương trình mới.
Vì vậy, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phải điều chỉnh cấu trúc đề thi để phù hợp với cách tiếp cận mới của chương trình giáo dục phổ thông.
"Việc điều chỉnh phải tuân thủ 2 nguyên tắc là đánh giá chính xác năng lực học đại học của thí sinh, đồng thời bảo đảm công bằng và tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học cho tất cả thí sinh, nhất là khi sự chọn lựa các môn học của các em rất đa dạng", Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Hơn nữa, cách tiếp cận với đề thi này còn phù hợp với định hướng tuyển sinh theo phương thức kết hợp của các đơn vị thành viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều này cũng thể hiện cam kết của Đại học này trong việc duy trì một phương thức tuyển sinh công bằng và toàn diện, giúp thí sinh phát huy tối đa tiềm năng cá nhân. Ngoài ra, giúp nâng cao hiệu quả tuyển sinh của các đơn vị đào tạo trong môi trường giáo dục đa dạng và liên tục phát triển.
Tuy vậy, một giáo viên bậc trung học phổ thông nêu quan điểm, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trả lời chưa thấu tình đạt lí về việc "quay xe" đề thi đánh giá năng lực. Việc Đại học này không cho thí sinh được lựa chọn các câu hỏi thuộc 3 trong 6 nhóm lĩnh vực như đã công bố trước đó là hoàn toàn bất hợp lí.
Bởi vì, học sinh bậc trung học phổ thông học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gồm những môn bắt buộc và những môn lựa chọn theo thế mạnh của cá nhân và các em ít nhiều đã có định hướng nghề nghiệp. Phải chăng, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu làm trái quy định Chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo?
"Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhanh chóng lên tiếng và can thiệp về việc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thay đổi cấu trúc bài thi năng lực như vừa công bố nhằm đảm bảo quyền lợi và tạo sự công bằng cho các thí sinh trong thi tuyển", giáo viên này kiến nghị.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google