Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy, bắt đầu từ 10/6

Thiên Ân
21:18 - 22/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến được tổ chức vào 3 đợt, trong các ngày 10/6, 17/6 và 8/7.

Ngày 22/2, Đại học Bách khoa Hà Nội thông tin, cổng đăng ký cho kỳ thi đánh giá tư duy sẽ được mở từ ngày 30/3 đến ngày 30/4. 

Kỳ thi đánh giá tư duy dự kiến được tổ chức vào 3 đợt, trong các ngày 10/6, 17/6 và 8/7, tạo điều kiện cho thí sinh được lựa chọn kết quả tốt nhất trong công tác xét tuyển.

Dự kiến, hai đợt thi đầu sẽ được tổ chức tại các trường đại học ở Hà Nội như Bách khoa, Thủy lợi, Kinh tế quốc dân. Kỳ thi tháng 7 có thể diễn ra ở thêm các tỉnh, thành như Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Thái Nguyên. 

Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết có thể đáp ứng hơn 10.000 thí sinh mỗi đợt thi.

Để thí sinh làm quen với dạng câu hỏi, cấu trúc đề và các thao tác kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức thi thử vào ngày 9/4. Buổi thi thử được tổ chức trực tuyến, thí sinh có thể làm bài tại nhà, nên không giới hạn số lượng.

Bài thi đánh giá tư duy năm nay được điều chỉnh từ 270 phút xuống còn 150 phút.

Cấu trúc của bài thi đánh giá tư duy năm 2023.

Cấu trúc của bài thi đánh giá tư duy năm 2023.

Cụ thể, Phần Tư duy Toán học, bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm trong 60 phút, đánh giá toàn bộ sự phát triển năng lực và tư duy toán của học sinh thông qua chương trình Toán học lớp 11, 12 tại trường trung học phổ thông và một phạm vi nhỏ kiến thức số học.

Nội dung phần thi gồm kiến thức về Số học, Đại số, Hàm số, Hình học, Thống kê và xác suất.

Phần thi tư duy Toán học nhấn mạnh tới tư duy định lượng và áp dụng phần tính toán hoặc ghi nhớ các công thức.

Thí sinh được sử dụng máy tính cầm tay theo quy định. Các câu hỏi hàm chứa các vấn đề từ dễ đến khó với độ tin cậy để đảm bảo phân hóa được mức độ sẵn sàng vào đại học của thí sinh.

Phần Tư duy đọc hiểu thi theo hình thức trắc nghiệm, với thời gian 30 phút, nhằm đo lường khả năng đọc nhanh và hiểu đúng.

Các câu hỏi yêu cầu học sinh sử dụng các kỹ năng viện dẫn và lập luận để xác định các ý chính, định vị và giải thích các chi tiết quan trọng; hiểu chuỗi các sự kiện; so sánh, hiểu mối quan hệ nhân quả; xác định ý nghĩa của từ, cụm từ và các tuyên bố dựa vào ngữ cảnh, khái quát hóa, phân tích giọng văn và phương pháp của tác giả.

Thí sinh phải phân tích và tích hợp thông tin từ nhiều văn bản liên quan… Nội dung đọc hiểu trong đề thi đa dạng, phong phú,liên quan tới những chủ đề về khoa học,công nghệ, kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, y dược.

Phần Tư duy Khoa học gồm các câu hỏi trắc nghiệm, với thời gian 60 phút. Phần thi yêu cầu đo lường cách giải thích, phân tích, đánh giá, lý giải và các kỹ năng giải quyết vấn đề cần thiết trong lĩnh vực khoa học.

Phần thi này là một tập hợp các thông tin khoa học, theo sau đó là các câu hỏi trắc nghiệm nhằm đo lường khả năng: tính, giải thích được dữ liệu; chỉ ra được phương án phù hợp với thông tin khoa học; thiết lập và thực hiện được các mô hình đánh giá, suy luận và kết quả thử nghiệm.

Thông tin khoa học được truyền tải theo một trong ba định dạng khác nhau: biểu diễn dữ liệu (đồ thị khoa học, bảng biểu và sơ đồ), tóm tắt nghiên cứu (mô tả một hoặc nhiều thí nghiệm liên quan) hoặc quan điểm xung đột (hai hoặc nhiều tóm tắt mô hình lý thuyết, hiện tượng không phù hợp với nhau).