Đại dịch và lạm phát đẩy thêm 68 triệu người ở châu Á vào cảnh nghèo đói cùng cực

Minh Châu
12:09 - 24/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Đại dịch COVID-19 và chi phí sinh hoạt gia tăng đã đẩy thêm gần 70 triệu người ở khu vực châu Á rơi vào tình trạng cực kỳ nghèo khổ, làm xói mòn các nỗ lực chống đói nghèo của các quốc gia. Đây là thông báo vừa được đưa ra bởi Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Đại dịch và lạm phát đẩy thêm 68 triệu người ở châu Á vào cảnh nghèo đói cùng cực - Ảnh 1.

Một nhân viên y tế mặc thiết bị bảo hộ cá nhân lấy mẫu bệnh phẩm từ một phụ nữ để xét nghiệm COVID-19, trong đợt bùng phát dịch COVID-19 tại làng Pitha ở bang Uttarakhand, phía bắc Ấn Độ, ngày 22/5/2021. Ảnh: Reuters

Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt gia tăng đang cản trở tiến trình xóa đói giảm nghèo

Theo Reuters, trong một báo cáo mới được công bố ngày 24/8/2023, Ngân hàng Phát triển Châu Á cho biết, tính đến năm 2022, ước tính có khoảng 155,2 triệu người dân ở các nước châu Á đang phát triển, tương đương 3,9% dân số khu vực, sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khổ. Con số này nhiều hơn 67,8 triệu người so với mức dự tính trong trường hợp không xảy ra khủng hoảng về dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe và cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt.

Các quốc gia châu Á đang phát triển bao gồm 46 nền kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và không bao gồm Nhật Bản, Úc và New Zealand.

Đại dịch và lạm phát đẩy thêm 68 triệu người ở châu Á vào cảnh nghèo đói cùng cực - Ảnh 2.

Người dân tập trung tại một trong những khu ổ chuột ở Jakarta, Indonesia giữa đại dịch COVID-19 năm 2020. Ảnh: Getty Images

Nhà kinh tế trưởng Albert Park của Ngân hàng Phát triển Châu Á cho biết: "Châu Á và Thái Bình Dương đang dần phục hồi sau đại dịch COVID-19, nhưng cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt gia tăng đang cản trở tiến trình xóa đói giảm nghèo".

Tình trạng nghèo cùng cực được định nghĩa là sống với mức thu nhập dưới 2,15 USD/ngày, dựa trên số liệu năm 2017.

Đại dịch và lạm phát đẩy thêm 68 triệu người ở châu Á vào cảnh nghèo đói cùng cực - Ảnh 3.

Nhà kinh tế trưởng Albert Park của Ngân hàng Phát triển Châu Á. Ảnh: asiaplustj.info

Năm 2022, lạm phát ở hầu hết các quốc gia đã tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều năm qua, do hoạt động kinh tế phục hồi và sự gián đoạn chuỗi cung ứng gia tăng.

Giá cả tăng cao ảnh hưởng đến tất cả người dân nhưng những người nghèo hơn bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì họ phải chi nhiều hơn cho thực phẩm và nhiên liệu. Điều đó khiến họ khó tiết kiệm tiền và chi trả cho những nhu cầu thiết yếu bao gồm chăm sóc sức khỏe và giáo dục.

Ông Albert Park cho biết: "Bằng cách tăng cường mạng lưới an toàn xã hội cho người nghèo và thúc đẩy đầu tư, đổi mới nhằm tạo cơ hội tăng trưởng và việc làm, các chính phủ trong khu vực có thể phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19".

Tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Phát triển Châu Á cho biết các nước đang phát triển trong khu vực châu Á đang trên đà tăng trưởng 4,8% trong năm nay, nhanh hơn mức tăng 4,2% của năm trước đó.

Tuy nhiên, trong khi các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á được kỳ vọng sẽ đạt được tiến bộ trong việc giải quyết tình trạng nghèo đói thì Ngân hàng Phát triển Châu Á cho biết 30,3% dân số trong khu vực, tương đương khoảng 1,26 tỷ người, vẫn sẽ được xem là đối tượng dễ bị tổn thương về mặt kinh tế vào năm 2030.