Đại biểu Quốc hội: Cần ưu tiên đất đang được sử dụng cho mục đích văn hóa, giáo dục

Minh Châu
14:25 - 21/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5 ngày 21/6/2023, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề, cần thực hiện giải pháp nào để ưu tiên với đất đang được sử dụng cho mục đích văn hóa, giáo dục, tránh chuyển đổi sang mục đích lợi nhuận.

Sáng 21/6, tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Đại biểu Quốc hội: Cần ưu tiên đất đang được sử dụng cho mục đích văn hóa, giáo dục - Ảnh 1.

Sáng 21/6, tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, phát biểu mở đầu phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Sau Kỳ họp, dự án luật đã được tổ chức lấy ý kiến sâu rộng đối với mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước. Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động nhiều hoạt động đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng việc lấy ý kiến nhân dân, tích cực tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Ngày 9/6/2023, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đã có 186 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại 19 Tổ; không khí thảo luận sôi nổi, nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, trí tuệ, trách nhiệm. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về những vấn đề trọng tâm trong dự án luật cũng như những vấn đề các đại biểu quan tâm.

Giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định, Nhà nước khuyến khích việc sử dụng đất vào mục đích phát triển văn hóa, y tế, giáo dục đào tạo, thể dục thể thao, khoa học, công nghệ và môi trường. Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên đã được xếp hạng hoặc được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bảo vệ thì phải được quản lý nghiêm ngặt.

Đại biểu đặt vấn đề, cần thực hiện giải pháp nào để ưu tiên với đất đang được sử dụng cho mục đích văn hóa, giáo dục, tránh chuyển đổi sang mục đích lợi nhuận. Từ thực tế, đại biểu cho biết nhiều đất của trường học, các cơ sở văn hóa rất được các nhà đầu tư quan tâm, khi chuyển sang mục đích sử dụng khác thì việc thu hút người học của các cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ đến những nguồn lực đầu tư cho văn hóa giáo dục, coi đó là sự đầu tư trực tiếp cho tương lai con em, không nên coi đó là những nhà đầu tư, kinh doanh thông thường, để có hướng quy định phù hợp. 

Đại biểu cho rằng, Điều 157 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần sửa đổi theo hướng thiết kế thêm đối tượng được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là các cơ sở giáo dục ngoài công lập, để tạo được những thành tựu cụ thể trong giáo dục về dài hạn.

Đại biểu Quốc hội: Cần ưu tiên đất đang được sử dụng cho mục đích văn hóa, giáo dục - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội tham gia phiên họp toàn thể tại Hội trường thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), ngày 21/6/2023. Ảnh: quochoi.vn

Bổ sung quỹ đất cho cơ sở trợ giúp phòng chống bạo lực gia đình

Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cho biết, điểm d khoản 2 Điều 10 trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định, nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất như sau: đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng trụ sở của đơn vị sự nghiệp công lập; đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác...

Đại biểu cho rằng quy định như vậy còn rất chung chung, cần rà soát, cụ thể hóa nội hàm của cơ sở xã hội, tránh sự tùy nghi trong quá trình tổ chức thực hiện. Ngoài ra, để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với yêu cầu thực tế, đại biểu đề nghị bổ sung thêm cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình và cơ sở cai nghiện ma túy.

Đại biểu cho biết, Điều 35 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) quy định, Cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình thực hiện việc chăm sóc, tư vấn, bố trí nơi tạm lánh, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho người bị bạo lực gia đình và trẻ em mà người bị bạo lực gia đình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng; giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình.

Luật Phòng, chống ma túy cũng quy định, cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật. Đại biểu nhấn mạnh, việc có quỹ đất cho các cơ sở này là cần thiết, góp phần vào việc bảo vệ, thực hiện quyền con người. 

Tương tự, tại Điều 79 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu đề nghị bổ sung vào điểm d khoản 2 hai loại hình cơ sở là thêm cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình và cơ sở cai nghiện ma túy.

Bình luận của bạn

Bình luận