Cuộc gọi từ các nhà mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông được định danh từ ngày 27/10/2023

Hồng Ngọc
12:35 - 27/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Kể từ ngày 27/10, số điện thoại của các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng gọi đến người dân đều hiển thị tên định danh nhằm phân biệt với các cuộc gọi mạo danh, lừa đảo.

tên định danh

Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo triển khai cấp tên định danh (Voice brandname) cho các số điện thoại đường dây nóng các đơn vị thuộc Bộ, cấp tên định danh cho các nhà mạng. Ảnh minh họa

Cấp tên định danh để phòng chống các hình thức lừa đảo qua điện thoại

Để phòng chống hình thức lừa đảo qua các cuộc gọi mạo danh, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo triển khai cấp tên định danh (Voice brandname) cho các số điện thoại là các số đường dây nóng của các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, cấp tên định danh cho các nhà mạng viễn thông di động, cố định như VNPT, Viettel, MobiFone, FPT… 

Kể từ ngày 27/10/2023, tất cả các số điện thoại gọi đến người dân của các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông là Văn phòng Bộ, Cục Báo chí, Cục An toàn thông tin, Cục Viễn thông, Cục Tần số Vô tuyến điện sẽ có hiển thị tên định danh “BO TTTT”.

Cũng từ ngày 27/10/2023, các số điện thoại của doanh nghiệp viễn thông khi gọi đến khách hàng sử dụng dịch vụ cũng đều hiển thị tên định danh như: VNPT, VinaPhone (nhà mạng Vinaphone), VIETTELCSKH (nhà mạng Viettel); FPT SHOP (nhà mạng FPT), LOCAL (nhà mạng ASIM)…

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong thời gian gần đây, một số đối tượng đã sử dụng số thuê bao cố định, di động giả mạo xưng danh là Bộ Thông tin và Truyền thông, Công an, Viện kiểm sát, Ngân hàng, Nhà mạng viễn thông … gọi điện đến số điện thoại cố định, di động của người dân. Mục đích của các đối tượng là để thu thập thông tin nhằm hù dọa, lừa đảo để từ đó chiếm đoạt tài sản của người dân. Hiện tượng này đang có xu hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Vì vậy, giải pháp cấp tên định danh (Voice brandname) sẽ giúp người dân nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng để lừa đảo.

Từ nay, các số điện thoại gọi đến người dân mà xưng danh là đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông gồm Văn phòng Bộ, Cục Báo chí, Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin, Cục Tần số Vô tuyến điện; xưng danh là doanh nghiệp viễn thông (Vinaphone, Viettel, FPT..), nhưng không hiển thị tên định danh kèm theo đều là các số điện thoại giả mạo, có dấu hiệu lừa đảo.

Khi nhận cuộc gọi từ các số điện thoại giả mạo, người dân cần phản ánh tới các đầu số tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo của Bộ Thông tin và Truyền thông là 156, 5656 hoặc phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao của mình để yêu cầu xử lý.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, nhằm tiếp tục ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo, trong thời gian tới sẽ tiếp tục thúc đẩy triển khai định danh cuộc gọi (voice brandname) theo quy định tại Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Kịp thời cảnh báo, tuyên truyền tới người dân các hình thức, dấu hiệu lừa đảo mới.

Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động tiếp tục kết nối, xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư từ đó rà soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao; triển khai các biện pháp bảo đảm thông tin thuê bao trùng khớp với thông tin của người sử dụng SIM đối với các thuê bao đang sở hữu, sử dụng.

Tiếp tục điều phối các lực lượng trong ngành Thông tin và Truyền thông phối hợp với lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ các đối tượng sử dụng trạm BTS giả để phát tán tin nhắn lừa đảo, tin nhắn rác.

Đồng thời, triển khai một số cuộc thanh tra chuyên đề về đảm bảo an toàn thông tin người dùng đối với các tổ chức, cá nhân quản lý thông tin người dùng số lượng lớn như: doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng,… các doanh nghiệp kinh doanh bằng phương thức gọi điện bán hàng (telesale), các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình chuỗi có thu thập thông tin người dùng nhằm phát hiện, xử lý, ngăn chặn tình trạng thu thập, sử dụng, xử lý dữ liệu người dùng không đúng pháp luật.