Cơ hội hợp tác của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với 49 trường Đại học của Trung Quốc

Trần Vũ
06:30 - 23/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Đại diện 49 trường Đại học tại Trung Quốc đánh giá cao năng lực học tập của sinh viên Việt Nam tại các trường đại học sở tại. Thời gian tới, các trường đại học sẽ xây dựng các chương trình hợp tác trong nghiên cứu và trao đổi sinh viên, giảng viên tới Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo thông tin từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-USSH), nhà trường vừa có buổi tiếp và làm việc với đoàn đại biểu đến từ 49 trường đại học của Trung Quốc. Một trong những nội dung quan trọng được đại diện các trường Đại học thảo luận là mở rộng cơ hội hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Cơ hội hợp tác của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với 49 trường Đại học của Trung Quốc - Ảnh 1.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-USSH) có buổi tiếp và làm việc với đoàn đại biểu đến từ 49 trường đại học của Trung Quốc. (Ảnh: ussh.vnu.edu.vn)

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội là điểm đến thu hút nhiều sinh viên Trung Quốc

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội là trường đại học hàng đầu của Việt Nam về đào tạo trong lĩnh vực khoa học xã hội và Nhân văn với lịch sử gần 80 năm, là thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội - đại học nằm trong top của các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Trong thời gian qua, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã ký kết 60 biên bản thỏa thuận với các trường đại học danh tiếng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Vân Nam, Thượng Hải, Tứ Xuyên, Quảng Đông... Trong đó, nhà trường hiện có mối quan hệ hợp tác gần gũi với các trường Đại học nổi tiếng như Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Hoa Đán.

Theo lãnh đạo nhà trường, hàng năm, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đón nhận số lượng lớn sinh viên Trung Quốc đến học tập, ngay cả trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Hiện nay có gần 200 sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, như tại các khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Ngôn ngữ học, Văn học, Xã hội học, Khoa học Quản lý. Ngoài ra, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đang thu hút nhiều học viên Trung Quốc tham gia học tập các chương trình thạc sĩ và nghiên cứu sinh. Trong 5 năm qua, nhà trường đã hoàn thành đào tạo 5 Tiến sĩ là NCS Trung Quốc, gần 100 thạc sĩ đến từ Đại học Vân Nam, Đại học Bách Khoa Côn Minh, Đại học dân tộc Quảng Tây.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn luôn coi việc hợp tác với các trường Đại học của Trung Quốc là định hướng trọng điểm của nhà trường. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng các chương trình đào tạo ngắn hạn với thời gian học tập linh hoạt, nội dung phong phú trong các lĩnh vực như ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam, tổ chức các chương trình tham quan, trải nghiệm tại các di tích văn hóa, địa danh nổi tiếng của Việt Nam. Các chương trình đào tạo này dự kiến bắt đầu tuyển sinh từ kỳ hè 2023, thu hút nhiều sinh viên Trung Quốc sang học tập.

Đặc biệt,vào tháng 5-6/2023, nhà trường sẽ có ba đoàn công tác làm việc với các trường Đại học tại Trung Quốc để ký kết và mở rộng cơ hội hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Theo đánh giá của Phòng Hợp tác và Phát triển, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, sinh viên Trung Quốc học tập tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội được tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất phục vụ cho học tập, ký túc xá, chăm sóc y tế, đặc biệt trong thời gian dịch COVID-19. Hiên nay, Đại học Quốc gia Hà Nội đang triển khai xây dựng khu đô thị đại học tại Hòa Lạc, trong đó có khuôn viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội để tiếp đón nhiều hơn nữa sinh viên quốc tế, trong đó có sinh viên Trung Quốc tới học tập.

Rộng mở nhiều cơ hội hợp tác giữa VNU-USSH và các trường Đại học của Trung Quốc

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội có 103 chương trình đào tạo từ bậc cử nhân đến thạc sĩ, tiến sĩ với quy mô đào tạo 10.000 người học các chương trình đào tạo dài hạn, 5.000 người học các chương trình đào tạo ngắn hạn.

Sinh viên, học viên được phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học, trong đó có nhiều đề tài giá trị về Trung Quốc, tập trung trong các lĩnh vực, như: quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia trên thế giới từ vĩ mô đến vi mô, nghiên cứu về các chính sách và mô hình phát triển của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, nhà trường có các hoạt động tham quan thực tế tại Trung Quốc được sinh viên hưởng ứng và tham gia. Trước đại dịch COVID, hàng năm có tới 600-700 sinh viên tham quan, học tập tại Trung Quốc, cho thấy nhu cầu tìm hiểu về đất nước này là rất lớn.

Hiện nay Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đang là đối tác tin cậy của nhiều trường Đại học trên thế giới, trong đó có các trường Đại học của Trung Quốc. Trong thời gian tới, nhà trường mong muốn các trường Đại học tại Trung Quốc sẽ dành nhiều cơ hội học tập hơn nữa cho sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội tại đất nước bạn.

Cũng tại buổi làm việc, Giám đốc Kinh doanh và thị trường toàn cầu, Công ty TNHH công nghệ giáo dục quốc tế khảo thí Hán ngữ Bắc Kinh cho rằng, chuyến thăm và làm việc lần này của đại diện các trường Đại học của Trung Quốc tới Đại học Quốc gia Hà Nội thể hiện mong muốn được hợp tác bền vững với nhà trường trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, đại diện 49 trường Đại học tại Trung Quốc đều đánh giá cao năng lực học tập của sinh viên Việt Nam tại các trường đại học sở tại. Trong thời gian tới, các trường đại học sẽ xây dựng các chương trình hợp tác trong nghiên cứu và trao đổi sinh viên, giảng viên tới Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Một sáng kiến được đại diện các trường đề xuất là việc thành lập trung tâm nghiên cứu về Việt Nam và Trung Quốc tại các trường Đại học nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và hiểu biết lẫn nhau trong các lĩnh vực văn học, lịch sử, địa lý… của hai quốc gia.