Cô đánh trò bầm tím mắt sao gọi là “tác động vật lí”?

Phan Anh
09:11 - 23/04/2024
Công dân & Khuyến học trên

Cô giáo đánh học sinh đến tím mắt là có dấu hiệu của hành vi bạo lực trẻ em chứ không phải là “tác động vật lí”. Việc sử dụng uyển ngữ (nói giảm nói tránh, nhã ngữ) không đúng ngữ cảnh là cổ xuý cho tội ác leo thang.

Cô đánh trò bầm tím mắt sao gọi là “tác động vật lí”?

Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải làm việc với ban giám hiệu và cô giáo Giàng Thị Sáng sau khi xảy ra vụ việc. Ảnh: Phòng GD-ĐT Mù Cang Chải

Nữ sinh lớp 1 bị giáo viên đánh bầm tím mắt

Thông tin một nữ sinh lớp 1, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) bị giáo viên chủ nhiệm đánh thâm tím cả 2 mắt gây bức xúc dư luận xã hội.

Thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải cho biết, cơ quan này đã phối hợp chính quyền địa phương và Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở La Pán Tẩn xác minh nghi vấn học sinh lớp 1 bị giáo viên đánh bầm tím mắt.

Qua buổi làm việc, bước đầu xác định trong buổi học ngày 15/4/2023 (thứ Hai), trong tiết ôn luyện cuối năm, học sinh Lù Thị L. (lớp 1) quên nhiều kiến thức, để cô hướng dẫn nhiều lần.

Do đó cô giáo Giàng Thị S. “đã có sự nóng nảy và đã tác động vật lý nhẹ đối với học sinh Lù Thị L.”

Được biết, hiện tại sức khỏe em L. đã ổn định, không đau ở đâu, quầng thâm mắt đã đỡ nhiều, hoạt động ăn uống, sinh hoạt bình thường và đang được theo dõi sức khỏe tại Bệnh viện đa khoa Trường Đức.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở La Pán Tẩn đã ra quyết định đình chỉ giảng dạy với giáo viên Giàng Thị S. để xác minh.

Bạo lực trẻ em hay “tác động vật lí”?

Về việc cô giáo Giàng Thị S. đánh nữ sinh Lù Thị L., Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở La Pán Tẩn và ngành giáo dục địa phương cần thẳng thắn nhìn nhận một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, học sinh Lù Thị L. (lớp 1) chỉ vì quên nhiều kiến thức (để cô giáo hướng dẫn nhiều lần) nên bị cô giáo Giàng Thị S. đánh bầm tím 2 mắt là không thể chấp nhận được ở môi trường giáo dục.

Học sinh lớp 1 (6 tuổi), nhất là các em ở miền núi, vùng sâu vùng xa, học chậm, quên nhiều kiến thức cũng là chuyện rất bình thường. Hôm nay học sinh viết chưa đúng, làm toán cộng trừ còn sai… thì cô giáo cần nhẫn nại, bỏ thêm thời gian, công sức để kèm cặp cho các em mới là việc làm đúng.

Là giáo viên tiểu học (dạy lớp 1) nhưng cô giáo Giàng Thị S. rất nóng nảy, thiếu kiên nhẫn thì làm sao có thể giảng dạy và giáo dục học sinh ngày này qua ngày khác. Các em vừa học yếu vừa sợ hãi giáo viên thì việc đến trường, đến lớp chẳng khác nào cực hình.

Thứ hai, theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải, cô giáo Giàng Thị S. “đã có sự nóng nảy và đã tác động vật lý nhẹ đối với học sinh Lù Thị L.”

Cô giáo đánh học sinh đến tím mắt là có dấu hiệu của hành vi hành hạ trẻ em chứ không phải là “tác động vật lí”. Bởi vì, trong khoa học, “tác động vật lí” được định nghĩa là “sử dụng lực mạnh lên một vật khác”.

Đóng, gõ, đập, hay thậm chí là áp lực khí động học từ sức ép đưa đến các lực tác động vào vật thể/ đối tượng từ các phương khác nhau, cũng có thể được coi là “tác động vật lí”. Tuy nhiên, cụm từ này rất ít khi được sử dụng trong khoa học. Vậy nên, việc sử dụng uyển ngữ (nói giảm nói tránh, nhã ngữ) không đúng ngữ cảnh là cổ xuý cho tội ác leo thang.

Thứ ba, có thể khẳng định, hành vi của cô Giàng Thị S. là bạo lực trẻ em – điều này được ghi rõ trong Luật trẻ em.

Theo đó, khoản 6 Điều 4 Luật trẻ em 2016 quy định về các hành vi bạo lực trẻ em như sau: “Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.”

Tội bạo lực trẻ em tuỳ theo trường hợp sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lí hình sự (phạt tù từ 01-05 năm).

Ngoài ra, truyền thông dẫn lời ông Nông Đức Viễn - hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở La Pán Tẩn - cho biết:

“Mới chỉ từ tháng 2/2024, cô giáo Giàng Thị S. cũng đã kí cam kết không không để xảy ra sự việc liên quan đến bạo hành học sinh. Do vậy, nhà trường sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân sự việc và xử lý nghiêm theo mức độ vi phạm”.

Phải chăng, cô giáo Giàng Thị S. nóng nảy đánh học sinh đã trở thành thường xuyên, thói quen? Thiết nghĩ, sau khi có kết luận của cơ quan chức năng, cô giáo này nên tìm cho mình một công việc khác phù hợp hơn là đứng trên bục giảng dạy chữ, dạy người - và dạy cấp tiểu học lại càng không phải là công việc dễ dàng có thể sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề trong học đường.


Hơn lúc nào hết, vấn đề sức khoẻ học đường lại được đặt ra cấp thiết!

Mời quý độc giả tham gia bàn luận tại cuộc thi "Sức khoẻ học đường vì nguồn nhân lực đất nước" do Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức. 

Bài dự thi gửi vào email của Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học: toasoan@congdankhuyenhoc.vn
Hoặc gửi trực tiếp đến Tòa soạn: Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học, Số 29/67 Đỗ Quang, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Điện thoại hotline: 02473.098.555.