Chuyện gì đang xảy ra ở BacABank?

Quang Minh
13:32 - 15/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận thanh tra về việc thực hiện đề án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu ngân hàng giai đoạn 2013-2017. Trong đó, điển hình là BacABank đã sai phạm về việc hực hiện hoạt động cho vay với những công ty thuộc hệ sinh thái "TH".

Trong tuần qua, một số công dân là hội viên Hội Khuyến học Việt Nam, hiện đang là khách hàng của Ngân hàng Bắc Á (BacABank), đã liên lạc với Tạp chí Công dân và Khuyến học (Cơ quan ngôn luận của Hội Khuyến học Việt Nam) đề nghị thông tin nội dung Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ đối với ngân hàng này; bởi các hội viên này băn khoăn, lo ngại: Những sai phạm của BacABank có ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, trong đó có họ, hay không?

Sau khi tìm hiểu, Tạp chí Công dân và Khuyến học thông tin lại cho các hội viên Hội Khuyến học Việt Nam - hiện đang là khách hàng của BacABank, như sau:

Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận thanh tra về việc thực hiện đề án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu ngân hàng giai đoạn 2013-2017. Ngoài Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ đã làm việc với các ngân hàng thương mại và chỉ ra một số sai phạm về cho vay tại một số ngân hàng thương mại như Việt Á (VietABank), Quốc Dân (NCB), Bắc Á (BacABank), Sài Gòn Thương tín (Sacombank)...Trong đó, điển hình là BacABank đã sai phạm về việc hực hiện hoạt động cho vay với những công ty thuộc hệ sinh thái "TH". 

Điển hình nhất là Ngân hàng thương mại cổ phần Bắc Á (BacABank/BAB) bị phát hiện có sai phạm trong hoạt động cho vay. Trong đó, các sai phạm đều liên quan tới việc cấp tín dụng liên quan đến loạt công ty “họ” TH.

Ngân hàng BacABank là một ngân hàng tư nhân do doanh nhân Thái Hương làm Tổng Giám đốc, đồng thời bà Thái Hương cũng là nhà sáng lập và tư vấn đầu tư Tập đoàn TH.

BacABank sai phạm trong việc cho các công ty "họ" TH cho vay khi chưa đáp ứng điều kiện

Thanh tra Chính phủ phát hiện BacABank đã cho một loạt công ty "họ" TH bao gồm: Công ty CP Chuỗi thực phẩm TH, Công ty Thực phẩm sữa TH, Công ty Cổ phần Sữa TH, Công ty Phát triển nguyên liệu vùng đông bắc Nghệ An, Công ty Dược liệu TH... được vay khi chưa đáp ứng điều kiện. 

Cụ thể, BacABank thẩm định, phê duyệt cho vay khi khách hàng chưa đáp ứng điều kiện về khả năng tài chính để trả nợ và phương án dùng vốn khả thi; không có tài sản đảm bảo trong khi tài chính khách hàng khó khăn; chậm trả nợ lãi nhưng không chuyển nợ quá hạn. Nhà băng này đã cho vay khi khách hàng không đủ khả năng trả nợ, xác định kỳ hạn trả nợ không phù hợp, giải ngân dù dự án chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý.

Theo báo cáo của BacABank, tại thời điểm 31/12/2017, nợ xấu chiếm tỷ lệ 0,62%, tương ứng 427,7 tỷ đồng, nếu tính cả nợ bán cho VAMC chưa xử lý thì tỷ lệ nợ xấu là 2,1%, tương ứng 1.030 tỷ đồng. Đến 30/6/2018, nợ xấu là 452 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 0,68%, nếu tính cả nợ bán cho VAMC chưa xử lý thì tỷ lệ nợ xấu là 1,54%, tương ứng 1.034 tỷ đồng.

Kiểm tra hồ sơ cấp tín dụng của 11 khách hàng với tổng dư nợ tại thời điểm 31/8/2018 là 6.626 tỷ đồng, chiếm 11% tổng dư nợ của ngân hàng. Trong đó, có 01 khách hàng được cơ cấu giữ nguyên nợ nhóm 1 (Công ty cổ phần Sông Lam Nghệ An) và 9 khách hàng nợ nhóm 1, kết quả:

Sai phạm trong việc thẩm định điều kiện cho vay vốn: Khách hàng chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện về tính khả thi, hiệu quả của dự án khi phê duyệt cho vay; chưa đáp ứng điều kiện “có khả năng tài chính để trả nợ” theo quy định. 

Các khách hàng của BacABank thuộc đối tượng này đều là các công ty trong "gia phả" nhà TH như: Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH; công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu công nghệ xanh quốc tế; công ty cổ phần Sữa TH; công ty cổ phần Logistic SC; công ty cổ phần Dược liệu TH; công ty cổ phần nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quốc tế; Công ty trách nhiệm hữu hạn Hùng Vương Huế... 

Trong đó, có một số khách hàng âm vốn chủ sở hữu như công ty cổ phần Sữa TH; công ty cổ phần chuỗi thực phẩm TH âm vốn CSH; công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu công nghệ xanh quốc tế âm VCSH;…

Hơn nữa, BacABank vẫn "vô tư" cho vay những đối tượng thuộc loại bị hạn chế cho vay. Có những khách hàng thuộc đối tượng hạn chế cho vay theo quy định, nhưng BacABank vẫn cho vay (Công ty trách nhiệm hữu hạn Hùng Vương Huế);  có khách hàng xác định thời hạn cho vay, phương thức trả nợ chưa phù hợp với tình hình dự án (công ty cổ phần Dược liệu TH); có khách hàng cho vay thực hiện dự án theo hình thức cho vay từng lần, khó khăn trong việc theo dõi vốn có tham gia dự án (công ty cổ phần đầu tư phát triển nguyên liệu vùng đông bắc Nghệ An).

Một số chuyên gia đánh giá, BacABank hoạt động cho vay như vậy là tùy tiện kiểu "gia đình", không những vi phạm quy định của nhà nước mà còn tiềm ẩn những hệ lụy không nhỏ với khách hàng, ảnh hưởng xấu đến nền tài chính nước nhà!

Theo quy định, một khách hàng chỉ được vay tối đa 15% vốn tự có của một tổ chức tín dụng. Việc cho vay thông qua nhiều khách hàng sẽ giúp các ngân hàng "lách" được quy định. Tuy nhiên, việc lách luật này không những mang lại rủi ro cho "chủ nợ" mà còn gây ra nhiều thiệt hại cho sự tăng trưởng minh bạch và lành mạnh của thị trường tài chính nói chung.