Chuyển đổi số y tế gắn liền với lợi ích thiết thực của y bác sĩ và người dân
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, y tế là lĩnh vực tiên phong triển khai ứng dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia. Công nghệ giúp các y, bác sĩ thực hiện công việc của mình tốt hơn, người dân được sử dụng dịch vụ tiện lợi hơn.
Thúc đẩy phát triển dữ liệu số trong lĩnh vực y tế
Ngày 17/11/2022, tại Hội thảo "Ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin, góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh" do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhận định, sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và ngành thông tin truyền thông đã bắt đầu từ rất sớm, đặc biệt là thời điểm bùng phát dịch COVID-19 vào đầu năm 2020. Hai ngành đã cùng nhau thực hiện nhiều việc có ý nghĩa và khó, đạt được kết quả tích cực trong thời gian ngắn và chưa từng có tiền lệ.
Đây là tiền đề thuận lợi để ngành thông tin truyền thông và ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, y tế là lĩnh vực tiên phong triển khai ứng dụng các Nền tảng số dùng chung quốc gia. Công nghệ giúp các y, bác sĩ thực hiện công việc của mình tốt hơn, người dân được sử dụng dịch vụ tiện lợi hơn. Quét mã QR, thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát.
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước về công nghệ thông tin và chuyển đổi số, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, trong các chương trình chiến lược quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định các nền tảng số triển khai rộng khắp sẽ là giải pháp đột phá cho chuyển đổi số.
Ngành Y tế hiện đang sở hữu một nguồn tài nguyên vô cùng lớn, đó là dữ liệu liên quan đến công tác khám, chữa bệnh của người dân Việt Nam. Đây chính là yếu tố đầu vào quan trọng để thông minh hóa, tối ưu hóa các dịch vụ y tế.
Thứ trưởng cho biết thêm, năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông dự định đề xuất lên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chọn là năm Dữ liệu số quốc gia. Bộ Y tế cần đề xuất những giải pháp, sáng kiến thúc đẩy phát triển dữ liệu số trong lĩnh vực y tế, qua đó góp phần phát triển dữ liệu số quốc gia, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề xuất.
Thứ trưởng nhấn mạnh, chuyển đổi số muốn nhanh, bền vững thì an toàn, an ninh mạng phải song hành và trở thành một phần không thể tách rời. Chuyển đổi số cần an toàn, an ninh mạng giống như một chiếc xe cần có phanh. Phanh không phải để dừng chiếc xe lại, mà để chúng ta yên tâm nhấn ga đi nhanh hơn.
Chuyển đổi số góp phần kết nối bệnh viện tuyến trên với tuyến dưới và với người bệnh
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhận định, trong 2 năm qua, hệ thống khám bệnh, chữa bệnh của nước ta đã ghi nhận những nỗ lực phi thường trong phòng chống dịch COVID-19 và thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân. Trong thời kỳ khó khăn này, ngành Y tế đã triển khai thành công đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” và khai trương 1000 điểm cầu trên cả nước.
Hiện nay, Đề án đang được các nơi tích cực triển khai với hàng vạn lượt người bệnh được tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và lan tỏa ra khắp mọi miền Tổ quốc, giúp kết nối giữa các bệnh viện tuyến trên với tuyến dưới và người bệnh.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám chữa bệnh vẫn còn những hạn chế nhất định.
Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin chưa tương xứng với khối lượng dữ liệu y tế cần quản lý, hệ thống thông tin và các cơ sở dữ liệu còn rời rạc, chưa liên thông với nhau, an toàn thông tin và nhiều yêu cầu về công nghệ thông tin còn chậm triển khai, nguồn lực dành cho công nghệ thông tin còn hạn chế, sự phối hợp giữa các đơn vị trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số còn chưa đồng bộ,...
Những hạn chế trên dẫn đến việc phát triển công nghệ thông tin tại các bệnh viện rất khác nhau giữa các bệnh viện công lập, tư nhân và giữa bệnh viện các tuyến. Nơi nào lãnh đạo quan tâm, nơi đó công nghệ thông tin sẽ phát triển hơn, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao, giảm thời gian chờ đợi, giảm sai sót, nhầm lẫn, tăng cường tính công khai, minh bạch... và người bệnh sẽ hài lòng hơn.
Chia sẻ về vấn đề chuyển đổi số trong ngành Y tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, chuyển đổi số trong y tế không phải là vấn đề xa xôi mà gắn liền với lợi ích thiết thực của bệnh viện, thầy thuốc và người dân.
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai đơn thuốc điện tử còn giúp các bệnh viện kiểm soát việc kê đơn, dự trù thuốc cho từng năm/giai đoạn, hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh…
Theo khảo sát mới đây do Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thực hiện tại 732 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, 71% cơ sở đã thực hiện thanh toán viện phí điện tử, số còn lại thanh toán bằng tiền mặt.
Tuy nhiên, chưa đến 50% bệnh viện thực hiện đặt lịch khám trực tuyến. Con số này với bệnh viện tuyến trung ương là 70%. Bệnh nhân đặt lịch qua điện thoại là phổ biến nhất đạt gần 39%, qua website của bệnh viện hơn 28%, qua tổng đài hơn 21% và qua app hơn 11%.
Về bệnh án điện tử, qua khảo sát, còn hơn 32% cơ sở chưa triển khai. Trong số các cơ sở đã thực hiện, mới có 3% cơ sở có phần mềm quản lý được ghi chép của hồ sơ bệnh án đã được thẩm định và bỏ bệnh án giấy.
Ngành Y tế đặt mục tiêu năm 2030, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google