Chuyển đổi số là vấn đề "sống còn" của báo chí hiện đại

Hà Phong
14:29 - 22/11/2024
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 22/11, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải báo chí quốc gia và tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững. Hội nghị quy tụ đông đảo các nhà báo, nhà quản lý báo chí, và giới chuyên môn quan tâm đến báo chí công nghệ cao.

Chuyển đổi số là vấn đề "sống còn" của báo chí hiện đại - Ảnh 1.

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì hội nghị.

Chuyển đổi số là vấn đề "sống còn" của báo chí hiện đại - Ảnh 2.

Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo Hà Nội chủ toạ Hội nghị.

Tại Hội nghị, Nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, Văn kiện Đại hội 13 của Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chính trị của báo chí: "Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại". Tính chuyên nghiệp và hiện đại theo yêu cầu của Đảng có nghĩa là báo chí cách mạng Việt Nam cũng phải phấn đấu, bắt kịp với các xu hướng phát triển chung của thế giới. Một trong số đó chính là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số".

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược "Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.

Chuyển đổi số là vấn đề "sống còn" của báo chí hiện đại - Ảnh 3.

Các cơ quan báo chí chia sẻ nhiều thông tin quan trọng về quá trình chuyển đổi số báo chí tại hội nghị. Ảnh: QĐND

Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố tiêu chí tác phẩm báo chí chất lượng cao đáp ứng yêu cầu Điều lệ Giải báo chí quốc gia lần thứ XIX năm 2024. Các tiêu chí áp dụng về nội dung, về chất lượng và hiệu quả xã hội của tác phẩm, về hình thức thể hiện đối với các tác phẩm báo chí in, phát thanh, truyền hình, ảnh, đa phương tiện và các tác phẩm báo chí sáng tạo khác. 

Đối với báo chí ở Trung ương, trong 3 năm (2021-2023), ngân sách nhà nước hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao là 11,46 tỷ đồng; từ đó hỗ trợ gần 4.000 lượt tác giả, nhận được 3.875 tác phẩm chất lượng cao thuộc các loại hình báo chí... Đối với báo chí địa phương, trong 3 năm (2021-2023), ngân sách nhà nước hỗ trợ 27,7 tỷ đồng; hỗ trợ trực tiếp tới trên 4.000 lượt tác giả là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam ở các địa phương; nhận được 4.263 tác phẩm chất lượng cao thuộc các loại hình báo chí...

Chuyển đổi số là vấn đề "sống còn" của báo chí hiện đại - Ảnh 4.

PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị và Nhà báo Tạ Bích Loan, Trưởng ban Sản xuất chương trình giải trí, Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ tham luận tại Hội nghị.

Hội nghị tập trung dành thời gian cho đại diện các cơ quan báo chí tiêu biểu có cách làm sáng tạo trong chuyển đổi số báo chí đạt nhiều thành tựu thời gian gần đây chia sẻ và bàn luận chủ đề này. 

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị trình bày tham luận tại hội nghị cho biết: Báo Kinh tế và Đô thị vừa ra mắt tòa soạn hội tụ và hệ sinh thái số; đang triển khai xây dựng văn phòng điện tử. Tất cả các văn bản đến, văn bản đi đều được điện tử hóa thay vì dùng bản giấy trước đây.

Trong bối cảnh chuyển đổi số, hiện nay, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số; 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng AI.

Tuy nhiên, hiện, báo chí cũng chịu 4 tác động lớn của chuyển đổi số toàn cầu, đó là nguy cơ bị tấn công mạng với quy mô lớn; Ảnh hưởng đến thông tin từ mạng xã hội, tin tức giả mạo, thiếu kiểm chứng; Xu hướng cá nhân hóa trong tiếp nhận thông tin cũng ngày càng cao; Sự thay đổi vai trò, vị thế của công chúng, đang từ thế bị động chuyển sang chủ động…

Ông Lợi cho rằng, trước sự cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi báo chí phải có sự thay đổi về công nghệ, tổ chức bộ máy.

Một số mô hình về chuyển đổi số báo chí ấn tượng như triển lãm tương tác về sự kiện 70 năm giải phóng thủ đô, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ... được các cơ quan báo chí sáng tạo nhiều mô hình chuyển đổi số ấn tượng. Thành công của Báo Nhân Dân trong việc triển khai phụ san panorama Điện Biên Phủ gây ấn tượng với độc giả trong nước và quốc tế là một ví dụ...

Nhà báo Tạ Bích Loan, Trưởng ban Sản xuất chương trình giải trí, Đài Truyền hình Việt Nam khẳng định, loại hình báo chí nào cũng cần một tinh thần đổi mới sáng tạo, tìm ra cách làm hay, mới. “Với báo chí, việc kể một câu chuyện làm sao hấp dẫn, khách quan, động lực hành động là điều vô cùng quan trọng. Báo chí luôn phải kể những câu chuyện mới hơn, hay hơn, nếu dựa vào những gì sẵn có thì nó sẽ không tồn tại mãi”, nhà báo Tạ Bích Loan khẳng định.

VTV đã sử dụng các kênh truyền tải khác nhau để mở rộng độ tiếp cận với khán giả, lan tỏa các thông điệp trên diện rộng. Ví dụ như Tuần phim Tài liệu về Hà Nội trên VTVgo: Khắc họa sống động, toàn diện thủ đô trong 70 năm để những bộ phim cũ và mới đặc sắc về Hà Nội được tập hợp trên một kênh mới.

Để sáng tạo nội dung báo chí đang phương tiện, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus chia sẻ, việc tạo ra các sản phẩm đa phương tiện chưa bao giờ dễ dàng như bây giờ khi chúng ta có nhiều công cụ AI hỗ trợ.

Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus Nguyễn Hoàng Nhật chia sẻ, mỗi khi triển khai một tuyến đề tài đặc biệt, đừng suy nghĩ mình sẽ làm bao nhiêu chữ, bao nhiêu kỳ, thể loại gì (phản ánh hay phóng sự). Hãy nghĩ về những thể loại mới, kèm theo nhiều yếu tố đa phương tiện, kể chuyện bằng ảnh, video hay đồ họa, dữ liệu...

Từ đó, nâng cao trải nghiệm cho độc giả cũng chính là nâng cao giá trị cho bản thân mỗi phóng viên, biên tập viên và học kỹ năng mới chưa bao giờ là quá muộn.

Nhận xét về phiên thảo luận nghiệp vụ tại hội nghị, nhà báo Tô Quang Phán, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội cho rằng các cơ quan báo chí hiện đang chuyển mình mạnh mẽ với nhiều cách làm hay, sáng tạo đáp ứng đòi hỏi chuyển đổi số. Ngay cả những cơ quan báo chí đồ sộ, "truyền thống" như Nhân Dân, VTV, Thông tấn xã Việt Nam... cũng đều phải đổi mới để thích ứng với đòi hỏi này. Đó cũng là xu thế tất yếu của báo chí. 

Hội nghị cũng tiến hành các chương trình nghị sự khác về triển khai công tác Hội đối với hoạt động báo chí đáp ứng chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải báo chí quốc gia và tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững của báo chí.

Bình luận của bạn

Bình luận