Chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B, Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ chi trả chi phí khám chữa bệnh

N.Cường
21:47 - 14/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Chuyển bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B, công tác điều trị bệnh vẫn dựa trên phác đồ chung của ngành y tế. Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ thay cho ngân sách nhà nước chi trả chi phí khám chữa bệnh COVID-19.

3 lý do để chuyển bệnh COVID-19 từ nhóm A sang B

Theo VGP, tại cuộc tọa đàm về truyền thông y tế tổ chức chiều 14/6, Bộ Y tế cho biết có 3 lý do để đề xuất điều chỉnh bệnh COVID-19 từ nhóm A sang B.

Thứ nhất, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), SARS-CoV-2 vẫn là virus có tốc độ lây truyền nhanh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, số ca mắc và tỷ lệ tử vong giảm mạnh, tương đương hoặc thấp hơn tỷ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B trong 5 năm gần đây như sốt xuất huyết, sốt rét, bạch hầu, ho gà…

Thứ hai, đã xác định rõ tác nhân gây bệnh COVID-19 là virus SARS-CoV-2.

Thứ ba, bệnh COVID-19 hiện đáp ứng các tiêu chí thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B theo quy định tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B, Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ chi trả chi phí khám chữa bệnh - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trao đổi thông tin với báo chí ngày 14/6. Ảnh: VGP

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, Bộ Y tế đang cùng các bộ, ngành chỉnh sửa lại các hướng dẫn chuyên môn về giám sát, chẩn đoán, điều trị hay phòng chống lây nhiễm. Khi có quyết định chuyển COVID-19 từ nhóm A sang B, các quyết định hướng dẫn này đồng thời sẽ được ban hành.

Chuyển bệnh COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ chi trả chi phí khám chữa bệnh

Tại cuộc tọa đàm về truyền thông y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dự kiến trong tháng 6 này sẽ có quyết định từ chuyển bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B.

Hiện tại, Bộ Y tế đã rà soát và đang xin ý kiến của Bộ Tư pháp để sửa đổi các quyết định về chính sách liên quan bệnh COVID-19 ở nhóm A.

Khi chuyển bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B, công tác điều trị bệnh vẫn dựa trên phác đồ chung của ngành y tế, chỉ khác khi bệnh ở nhóm A thì ngân sách nhà nước sẽ chi trả chi phí khám chữa bệnh, khi sang nhóm B thì Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ chi trả theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế.

Kiểm soát hiệu quả, bền vững dịch COVID-19 cùng với các bệnh truyền nhiễm khác

Chánh Văn phòng Bộ Y tế Hà Anh Đức cho biết, khi rà soát lại tình hình dịch COVID-19 tại các địa phương, việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp và "trách nhiệm địa phương rất lớn". Trong đó, các địa phương tập trung đảm đảm kiểm soát hiệu quả, bền vững dịch COVID-19 cùng với việc quản lý các bệnh truyền nhiễm khác, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

Bộ Y tế sẽ lồng ghép, giám sát dịch COVID-19 vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp, bao gồm cả giám sát trọng điểm; tiếp tục thực hiện giám sát giải trình tự gen và giám sát các trường hợp viêm phổi nặng, các ca bệnh nặng, ổ dịch có diễn biến bất thường tại các cơ sở y tế, cộng đồng; bảo đảm năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám chữa bệnh; triển khai tiêm vaccine thường xuyên...

Chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B, Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ chi trả chi phí khám chữa bệnh - Ảnh 3.

Bộ Y tế tiếp tục triển khai tiêm vaccine phòng, chống COVID-19 phù hợp tình hình, nghiên cứu việc tiêm vaccine COVID-19 hằng năm trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Ảnh: VGP

Việt Nam đã thành công trong việc phòng, chống dịch COVID-19

Trước đó, kết luận phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ngày 3/6/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Ban Chỉ đạo quốc gia thống nhất đánh giá bệnh COVID-19 đã đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chí của nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm B theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Việc công bố hết dịch theo quy định của pháp luật; thẩm quyền quyết định chuyển bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B thuộc Bộ Y tế.

Nhìn lại 3 năm phòng, chống dịch, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 gây bất ngờ cho tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam phòng, chống dịch truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A ở quy mô toàn quốc, với rất nhiều khó khăn, thách thức lớn, chưa có tiền lệ và kéo dài suốt từ đầu năm 2020 tới nay.

Tuy nhiên, chúng ta đã thành công trong việc phòng, chống đại dịch COVID-19, đi sau nhưng về trước trong công tác này. Điều này có được nhờ sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phù hợp tình hình của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế…

Ngày 5/5/2023, Tổ chức Y tế Thế giới công bố dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu, nhưng đại dịch vẫn chưa kết thúc. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị các quốc gia chuyển đổi từ việc đáp ứng khẩn cấp sang quản lý bền vững, lồng ghép với các mối đe dọa khác và mang tính dài hạn.