Chứng khoán tuần mới: Chờ một phiên "bùng nổ theo đà"

Nam Nguyễn
17:34 - 20/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang trong đà giảm, tuy nhiên những phiên hồi phục và "rút chân" gần đây cho thấy một dấu hiệu tích cực có khả năng trở lại.

Trong tuần vừa qua, VN-Index đã có lúc xuyên thủng mốc 900 điểm về mức 873,8 điểm trong phiên sáng ngày thứ 4 (16/11). Tuy nhiên, dòng tiền bắt đáy đã được kích hoạt sau đó khi xuất hiện như một tín hiệu cho nhiều nhà đầu tư có thể quan tâm thị trường trở lại. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc VN-Index có những phiên đảo chiều ấn tượng với biên độ hồi phục khá, khiến thị trường có những dấu hiệu tích cực hỗ trợ. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn đánh giá rất cao khả năng sẽ có những phiên bùng nổ theo đà, trong tuần tới.

Chứng khoán tuần mới: chờ một phiên "bùng nổ theo đà" - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 3 phiên hồi phục ngoạn mục, sẵn sàng chờ đón một tuần mới

tích cực hơn. Ảnh: FD

Trong phiên cuối tuần vừa qua, VN-Index gần như không thay đổi khi chỉ tăng nhẹ 0.07 điểm, dừng chân ở mức 969.33 điểm; HNX-Index tăng 3.01 điểm, kết phiên ở mức 190.87 điểm. Tuy nhiên xét cả tuần, VN-Index tăng tổng cộng 14.8 điểm (+1.55%), HNX-Index tăng 1.06 điểm (+0.56%).

Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt hơn 709 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 25.44% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình gần 79 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 32.5% so với tuần giao dịch trước.

Với mức tăng này, nhiều chuyên gia cho rằng thị trường đã được xoa dịu rất nhiều bằng những nhịp hồi phục, từ đó giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư. 

Các cổ phiếu lớn đã bắt đầu được giao dịch trở lại, tích cực nhất là lực mua đến từ khối ngoại. Các mã cổ phiếu trong rổ VN30 cũng có được những đóng góp tích cực vào thị trường, trong đó phải kể đến các cổ phiếu thuộc tập đoàn Vingroup gồm VIC, VHM và VRE và các mã khác như HPG, MSN, CTG cùng là những mã có tác động tích cực nhất đến VN-Index. Tính riêng VIC đã góp hơn 11 điểm tăng cho chỉ số này.

Thị trường hồi phục trong tuần qua khiến cho phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu đều hồi phục. Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu tăng mạnh nhất với mức tăng 5,7% giá trị vốn hóa. Nguyên nhân chủ yếu cho việc này đến từ việc cổ phiếu thép tăng hồi mạnh như: HPG tăng 22,8%, HSG tăng 11%, NKG tăng 7,6%...

Nhóm tài chính tăng mạnh thứ hai với 4,6% giá trị vốn hóa. Theo đó, cổ phiếu chứng khoán như SSI tăng 15,2%, VND tăng 13,3%, SHS tăng 9,4%, HCM tăng 4,8%...

Nhóm ngành bất động sản cũng hồi phục tốt với các mã như VIC tăng 20,8%, NLG tăng 11,1%, KDH tăng 9,4%, VHM tăng 8,7%, DIG tăng 2,1%...

Cổ phiếu ngành dược phẩm và y tế tăng mạnh thứ ba với 2,3% giá trị vốn hóa gồm các đại diện như DHG tăng 2,2%, IMP tăng 12,8%...

Các nhóm còn lại tăng nhẹ như ngân hàng 0,7% giá trị vốn hóa, hàng tiêu dùng tăng 0,3%. Ở chiều ngược lại, nhóm dầu khí giảm mạnh nhất thị trường khi mất tới 9,5% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu tiêu biểu trong nhóm này là BSR giảm 14%, PVS giảm 13,2%, PVD giảm 11,9%, OIL giảm 10,1%, PLX giảm 7,7%...

Các ngành có mức giảm nhẹ là công nghệ thông tin giảm 2%, dịch vụ tiêu dùng giảm 1,5%, tiện ích cộng đồng giảm 0,6% và công nghiệp giảm 0,1%.

Khối ngoại có tuần mua ròng thứ hai liên tiếp trên hai sàn với tổng cộng giá trị mua ròng đạt 5.155,09 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, STB là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 50,2 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là HPG và SSI với lần lượt 46,2 triệu cổ phiếu và 26,4 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, MBB là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 5,7 triệu cổ phiếu.

Thực tế, ngoài các yếu tố nội tại, nhiều tin tức hỗ trợ gần đây cũng giúp thị trường có nhiều khả năng hồi phục trở lại. Trong đó, các thông tin quốc tế về tỉ lệ lạm phát tháng 10 tại Mỹ tăng thấp hơn dự báo làm dấy lên khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể chỉ tăng 50 điểm lãi suất điều hành trong cuộc họp tháng 12 tới (tăng lãi suất chậm lại), đồng USD có dấu hiệu điều chỉnh sau khi tạo đỉnh, Trung Quốc tung ra các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản và nhiều nhận định về việc nước này có thể sắp mở cửa trở lại.

Trong nước, Chính phủ đang xem xét các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp như Chính phủ đã thành lập Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong triển khai các dự án bất động sản. Thêm đó khối ngoại liên tục mua ròng mạnh và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đăng ký mua vào cổ phiếu. Do đó, các chuyên gia kỳ vọng thị trường có thể duy trì xu hướng phục hồi trong tuần tới.

Bên cạnh đó, việc thị trường chứng khoán Việt Nam về vùng định giá rất hấp dẫn sau đợt điều chỉnh mạnh đã thu hút dòng tiền khối ngoại đổ mạnh vào thị trường. Nhờ đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có cú đảo chiều ngoạn mục trong phiên ngày thứ 4 (16/11).

Xét ở góc độ trung hạn, từ tháng 8/2022 đến nay thị trường đã giảm khá sâu và hiện tại điểm số VN-Index đã về tương đương thời điểm trước đại dịch COVID-19 (đây là giai đoạn thị trường tích lũy cạn kiệt tin cậy trước con sóng lớn trong giai đoạn 2020 - 2022) và vùng điểm số hiện tại 900 - 1.000 điểm có thể đem lại hy vọng thị trường sẽ ngừng đà giảm và bắt đầu chu kỳ tích lũy, hồi phục trở lại.

Một số tín hiệu khác cũng khá tích cực trong những phiên gần đây là việc nhiều cổ phiếu trụ cột như: VCB, BID, VIC, GAS, HPG... đã bắt đầu có những biến động tích cực hơn so với thị trường. Điều này phát ra tín hiệu sớm rằng, các cổ phiếu đầu ngành có thể tích lũy lại và chuyển sang giai đoạn tăng giá tiếp theo sớm hơn thị trường và xu hướng đó sẽ lan tỏa dần ra các cổ phiếu khác, để giúp thị trường bước vào tích lũy và hồi phục.