Chủ tịch Agribank: Một số doanh nghiệp lách luật để vay vốn kinh doanh bất động sản

PV
16:41 - 28/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank chia sẻ, 2022 là một năm thách thức vô cùng lớn đối với điều hành vĩ mô của Chính phủ...

Chủ tịch Agribank: Một số doanh nghiệp lách luật để vay vốn kinh doanh bất động sản - Ảnh 1.

Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh vẫn trầm lắng trong quý 3 năm 2022. Ảnh: CreateTravel

Thị trường bất động sản - vừa hỗ trợ vừa kiểm soát

Theo Chủ tịch Agribank, hiện nay đã xuất hiện những nhóm doanh nghiệp có cấu trúc phức tạp, dùng nhiều thủ thuật để lách quy định của pháp luật về người có liên quan cũng như che dấu ngân hàng cho vay về mục đích sử dụng vốn để đầu tư kinh doanh mạo hiểm, kinh doanh bất động sản.

Chủ tịch Agribank nhấn mạnh: "Đây là tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho hệ thống ngân hàng cũng như tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Vì vậy, nhà nước cần có cơ chế ngăn chặn, đồng thời kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp có hệ số sử dụng vốn huy động lớn".

Bên cạnh đó, Chủ tịch Agribank cũng đề cập đến vấn đề, Chính phủ, các bộ ngành cần có một chương trình hỗ trợ cũng như kiểm soát thị trường bất động sản để tránh khủng hoảng đối với thị trường này sẽ gây hệ lụy tiêu cực đến các ngành khác nhưng đồng thời cũng giải quyết triệt để bài toán đầu cơ, thổi giá bất động sản như thời gian vừa qua vừa gây thiệt hại cho người dân có nhu cầu nhà ở, vừa thiệt hại cho nền kinh tế trong dài hạn. Chính phủ cần có cơ chế để kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân có hệ số sử dụng vốn huy động lớn.

Doanh nghiệp bất động sản không vay được vốn do không đạt chuẩn tín dụng

Chia sẻ tại Tọa đàm “Dự báo kinh tế - Vượt “cơn gió ngược” 2023" diễn ra chiều 27/12, Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại không hạ chuẩn tín dụng nên các ngân hàng thương mại không dám cho vay đối với một số trường hợp.

Doanh nghiệp xin vay khoản tín dụng mới mặc dù có tài sản bảo đảm, nhưng không được ngân hàng thương mại chấp thuận do doanh nghiệp có khoản vay đáo hạn (dù chỉ thuộc nhóm 2, nhóm 3) chưa thanh toán nên không đạt chuẩn tín dụng.

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho rằng, nếu có được khoản vay mới thì doanh nghiệp có thể triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh, tạo được dòng tiền và thanh khoản thì hoàn toàn có thể hoàn trả khoản vay mới và thanh toán khoản vay đáo hạn, có lợi cho cả doanh nghiệp và tổ chức tín dụng.

Doanh nghiệp xin vay tín dụng mới và đề nghị được thế chấp bằng trái phiếu doanh nghiệp do đã hết tài sản bảo đảm, nhưng không được ngân hàng thương mại chấp thuận vì tài sản bảo đảm là trái phiếu nên không đạt chuẩn tín dụng.

Theo ông Châu, nếu có được khoản vay mới và được phép thế chấp bằng trái phiếu doanh nghiệp thì đây là nguồn vốn vay quý giá, có tính chất là "vốn mồi" để doanh nghiệp có thể triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh, tạo được dòng tiền và thanh khoản thì hoàn toàn có thể hoàn trả khoản vay mới và các khoản vay cũ, có lợi cho cả doanh nghiệp và tổ chức tín dụng.

Thị trường bất động sản thiếu nguồn cung một phần do thiếu vốn dẫn đến việc một số doanh nghiệp bằng nhiều thủ thuật tìm cách lách luật, che dấu ngân hàng để vay vốn, trong đó có nhiều khoản vay đầu tư vào bất động sản.

Nguồn: Tổng hợp