Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh: Những yếu tố giúp thị trường khởi sắc

PV
06:00 - 15/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trong những tháng cuối năm 2022, nguồn cung bất động sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng giảm rõ rệt, giao dịch cũng trở nên trầm lắng. Cùng với khó khăn về nguồn vốn, thị trường bất động sản hiện phải đối mặt với nhiều trở ngại khác như lãi suất cao, tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh...

photo-1671019231675

Một khu chung cư tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: David Gabrić

Cần chính sách hỗ trợ

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, nếu nguồn vốn tắc nghẽn, thị trường bất động sản năm 2023 khó có thể ổn định và phát triển.

Trong bối cảnh hiện nay, nguồn vốn chính của doanh nghiệp bất động sản là huy động trái phiếu và vay ngân hàng. Do đó, việc thiếu hụt nguồn cung bất động sản trên thị trường là điều khó tránh khỏi khi các nguồn vốn lớn tiếp tục bị ảnh hưởng.

Đồng thời, thị trường bất động sản năm 2023 cũng sẽ có những chuyển biến thận trọng hơn. Về thanh khoản, lĩnh vực nhà ở vẫn ổn định. Tuy nhiên, nguồn cung hạn chế và thiếu sản phẩm hợp túi tiền người tiêu dùng cũng có thể ảnh hưởng đến tính thanh khoản.

Trước thực trạng này, để thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh sôi động hơn cần phải có chính sách hỗ trợ cụ thể, như giải quyết càng sớm càng tốt các vướng mắc pháp lý; tháo gỡ nút thắt vốn, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp bất động sản; kiểm soát rủi ro hệ thống, kết nối tài chính, bất động sản…

Đặc biệt, chính phủ và các ngành liên quan cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công, "bơm" tiền vào nền kinh tế thông qua các chương trình hỗ trợ, kích cầu... cho cộng đồng, cho doanh nghiệp.

Ông Lê Hoàng Châu cho biết, Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đề nghị tăng hạn mức tín dụng thêm 1% (tương đương 100 nghìn tỷ đồng). Nhằm ổn định thị trường bất động sản, tăng vốn vào sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm này.

Giải pháp không phải là "giải cứu" thị trường và doanh nghiệp, Nhà nước chỉ hỗ trợ thông qua cơ chế, chính sách, pháp luật tạo điều kiện để thị trường bất động sản tự điều chỉnh, đồng thời là tăng cường một số giải pháp kích cầu trực tiếp. Hỗ trợ người mua nhà để ở và người mua nhà lần đầu với lãi suất hợp lý.

Kỳ vọng vốn nước ngoài

Cho đến khi các vấn đề về khung pháp lý được cải thiện, thị trường sẽ phát sinh một số hệ lụy lớn như: quá trình xây dựng bị gián đoạn do thiếu vốn xây dựng dẫn đến sụt giảm doanh số. Vấn đề này sẽ còn kéo dài cho đến khi các chủ đầu tư tung sản phẩm mới ra được thị trường, đặc biệt là phân khúc nhà ở tầm trung và bình dân.

Ông Neil MacGregor chia sẻ tại sự kiện "2023: Triển vọng thị trường" do Phòng Thương mại Anh tổ chức tại TP.HCM ngày 7/12, đây là thời điểm khó khăn cho nhà đầu tư trong nước, khi niềm tin của người mua nhà giảm sút. Những vướng mắc về khung pháp lý là nỗi đau đầu lớn với các chủ đầu tư… Tín dụng khan hiếm dẫn đến cạn nguồn vốn khiến tính thanh khoản giảm, đồng thời chi phí xây dựng tăng cao, không còn là môi trường kinh doanh lý tưởng cho doanh nghiệp.

"Tuy nhiên, trong tương lai, chúng tôi nhận thấy sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư quốc tế bất chấp những khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu. Điều này cũng được phản ánh trong kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2022", ông Neil MacGregor nói.

Theo các chuyên gia, lĩnh vực bất động sản vẫn là một bộ phận quan trọng của hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong năm 2022, với nhiều thương vụ M&A do các nhà phát triển bất động sản đầu tư ở Việt Nam. Nhưng cũng đã có những thương vụ quan trọng giữa các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, trong bối cảnh tín dụng hạn chế và thiếu vốn ở thị trường trong nước, các chuyên gia kỳ vọng năm 2023 sẽ chứng kiến sự quan tâm từ nhà đầu tư và dòng vốn ngoại tham gia thị trường.

Một xu hướng nổi bật là các nhà bán lẻ quốc tế vẫn đặt niềm tin vào thị trường Việt Nam. Một số thương hiệu xa xỉ và cao cấp mới đang gia nhập thị trường. Trong khi đó, các chuỗi bán lẻ lớn đang tăng tốc mở rộng tại Việt Nam.

Ở lĩnh vực bất động sản nhà ở, nguồn cung hạn chế tại thành phố Hồ Chí Minh cùng hệ thống hạ tầng liên quan đang được đầu tư tích cực sẽ là động lực rất lớn cho sự ra mắt của các dự án trên thị trường bất động sản vùng ven. Giá bán dự án phù hợp với mức thu nhập của người dân.