Chơi game 3 tiếng mỗi ngày làm tăng khả năng trí não của trẻ?

Tường Linh
06:00 - 30/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Một nghiên cứu mới của Mỹ vừa phủ nhận một định kiến vẫn tồn tại lâu nay trong tư tưởng của các bậc phụ huynh ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới: chơi game không mang lại ích lợi gì và có thể làm hỏng khả năng tư duy của trẻ em.

Các bậc phụ huynh thường lo lắng về tác hại của trò chơi điện tử (game) đối với con cái họ, từ sức khỏe tâm thần cho tới việc chúng lười hoạt động thể dục và nhiều vấn đề xã hội khác.

Nhưng một nghiên cứu lớn mới của các nhà khoa học Mỹ, được công bố trên tạp chí y khoa Jama Network Open vào đầu tuần này, đã chỉ ra rằng game có những lợi ích nhất định liên quan tới việc phát triển khả năng nhận thức.

Chơi game 3 tiếng mỗi ngày làm tăng khả năng trí não của trẻ? - Ảnh 1.

Nghiên cứu mới cho thấy game cũng có những tác động có lợi nhất định với khả năng nhận thức.

Tác giả chính của nghiên cứu là Tiến sĩ Bader Chaarani, một trợ lý giáo sư ngành tâm thần học tại Đại học Vermont, đã bị cuốn hút một cách tự nhiên vào chủ đề này, bởi chính ông cũng là một game thủ lâu năm.

Nhiều nghiên cứu trước đây chỉ tập trung vào các tác động bất lợi, liên kết việc chơi game với chứng trầm cảm và gia tăng sự hung hăng. Tuy nhiên, những nghiên cứu này bị hạn chế bởi số lượng người tham gia tương đối nhỏ, đặc biệt là ít công trình mổ xẻ các khía cạnh liên quan đến hình ảnh não, lĩnh vực mà Tiến sĩ Charaani có hiểu biết chuyên sâu.

Vì thế trong nghiên cứu mới, ông và các đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu thu được từ Nghiên cứu phát triển nhận thức não ở tuổi vị thành niên (ABCD) – một hoạt động nghiên cứu có quy mô lớn, đang diễn ra dưới ngân sách của Viện Y tế Quốc gia Mỹ.

Nhóm xem xét các câu trả lời khảo sát, kết quả kiểm tra nhận thức và hình ảnh não của khoảng 2.000 đứa trẻ 9 và 10 tuổi. Những trẻ này được chia thành hai nhóm, gồm các bé không bao giờ chơi game và các bé chơi từ 3 giờ trở lên mỗi ngày.

Ngưỡng 3 giờ trở lên được chọn, vì nó vượt quá khuyến cáo về thời gian chơi game do Học viện Nhi khoa Mỹ đưa ra cho nhóm đối tượng trẻ em lớn hơn độ tuổi nêu trên, là chỉ chơi từ 1 tới 2 giờ mỗi ngày.

Mỗi nhóm được đánh giá khả năng thực hiện hai nhiệm vụ. Nhiệm vụ đầu tiên liên quan đến việc nhìn thấy các mũi tên chỉ sang trái hoặc phải, ở đó các em được yêu cầu bấm sang trái hoặc phải nhanh nhất có thể. Các em cũng được yêu cầu không nhấn bất cứ thứ gì, nếu thấy tín hiệu "dừng lại", để đo mức độ kiểm soát phản ứng bất ngờ.

Nhiệm vụ thứ hai, để kiểm tra khả năng ghi nhớ, sẽ yêu cầu trẻ xem các gương mặt người khác nhau, tiếp đó được hỏi liệu một bức ảnh hiển thị tiếp theo có khớp với ảnh đã trình chiếu hay không.

Sau khi sử dụng các phương pháp thống kê để kiểm soát những biến số có thể làm sai lệch kết quả, chẳng hạn như thu nhập của cha mẹ, chỉ số IQ và các triệu chứng sức khỏe tâm thần... nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng những trẻ chơi game đều thực hiện cả hai nhiệm vụ tốt hơn nhóm trẻ còn lại.

Điều đáng chú ý là khi trẻ thực hiện các nhiệm vụ, não của chúng cũng được quét bằng thiết bị chụp ảnh cộng hưởng từ. Kết quả là não của trẻ chơi game nhiều cũng hoạt động nhiều hơn nhóm còn lại, ở các vùng liên quan đến sự chú ý và ghi nhớ.

Các tác giả kết luận trong nghiên cứu họ: "Kết quả phân tích của chúng tôi đã làm tăng khả năng rằng game có thể cung cấp hoạt động huấn luyện khả năng nhận thức, với các hiệu ứng nhận thức thần kinh có thể đo lường được".

Tuy nhiên, Tiến sĩ Chaarani nói rằng không thể biết chính xác liệu hiệu khả năng nhận thức tốt hơn của trẻ khiến chúng muốn chơi game hơn, hay chơi game làm tăng khả năng nhận thức.

Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ có được câu trả lời rõ ràng hơn khi tiếp tục tiến hành nghiên cứu, và xem xét cả những đứa trẻ ở độ tuổi lớn hơn.

Các nghiên cứu trong tương lai cũng có thể mang tới nhiều thông tin sâu hơn nếu biết trẻ em đang chơi thể loại trò chơi nào. Tuy nhiên ở tuổi 9-10, trẻ có xu hướng thích các trò chơi hành động như Fortnite hoặc Assassin's Creed.

Tiến sĩ Chaarani cho biết thêm: "Tất nhiên, việc dành quá nhiều thời gian ngồi trước một màn hình để chơi game sẽ có hại cho sức khỏe tâm thần và hoạt động thể chất nói chung". Nhưng ông đánh giá kết quả nghiên cứu của nhóm cho thấy cùng là một hoạt động ngồi trước màn hình để thưởng thức nội dung số nhưng game sẽ mang tới tác động tốt hơn so với những việc như xem video trên YouTube, vốn không có tác dụng rõ rệt tới khả năng nhận thức.