Chim Âu và Rồng Lạc - xướng danh dòng giống Tiên Rồng
Người Việt ai cũng tự hào về truyền thuyết khởi nguồn Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ sinh ra trăm người con, là tổ của Bách Việt. Nhưng ít ai biết rằng biểu tượng Tiên Rồng lại hiện hữu ngay trên những hiện vật của thời Hùng Vương như trống và các vũ khí đồng cùng thời.
Hình ảnh những con chim lớn mỏ dài, đuôi rộng, giang cánh tung bay trên mặt các trống đồng không xa lạ gì với người Việt ngày nay. Loài chim này được Giáo sư Đào Duy Anh gọi là "chim Lạc" khi so sánh chúng với các loài "hậu điểu" ở vùng Giang Nam di cư cùng với những chiếc thuyền có các chiến binh đội lông chim như thể hiện trên tang trống đồng.
Nhận xét của Giáo sư Đào Duy Anh khá xác đáng rằng hình chim trên trống đồng là loài chim di cư và được người Việt cổ coi là vật tổ.
Tuy nhiên, việc gọi loài chim này là Lạc thì cần xét thêm, vì người Việt không biết loài chim nào tên là Lạc.
Vật tổ mà đến tên còn không lưu lại được thì sao gọi là vật tổ?
Trong khi đó, hình ảnh loài chim vật tổ của người Việt gắn liền với Tiên nữ Âu Cơ. Loài chim biểu tượng cho dòng Tiên là Phượng hoàng, khi gắn với tên bà Âu Cơ thì phải gọi là chim Âu mới hợp lý.
Nguyên mẫu của loài chim di cư này có thể là loài chim Hạc lớn như Hồng hạc, tới nay vẫn còn bay về vùng Đồng Tháp Mười vào mùa đông mỗi năm.
Nhận định khác cho rằng đó là loài chim Hồng hoàng hay Phượng hoàng đất. Dù là Hạc hay là Phượng thì ý nghĩa biểu tượng cho dòng Tiên lên núi theo Mẹ vẫn là nội hàm của hình ảnh này.
Một dẫn chứng khác về hình tượng chim Âu là ở đền Thượng khu di tích Cổ Loa. Đền Thượng thờ Thục An Dương Vương, nhưng nghi môn của đền không đắp rồng chầu mặt trời như những nơi khác, mà lại đắp hình Phượng chầu mặt trời.
Đền Cổ Loa còn có tên là "Tiên từ đệ nhất", có thể hiểu nghĩa là ngôi đền hàng đầu thờ dòng Tiên. An Dương Vương đã lấy đất Lạc của Hùng Vương để lập ra nước Âu Lạc nên An Dương Vương phải là dòng Âu hay dòng Tiên lên núi xuất phát từ mẹ Âu Cơ.
Còn tên gọi Lạc chính xác hơn phải là để chỉ vật tổ biểu tượng cho dòng theo cha Lạc Long Quân xuống biển. Sách Giao Châu ngoại vực ký viết: "Xưa khi Giao Chỉ chưa có quận huyện, đất có ruộng lạc, ruộng ấy theo triều thuỷ lên xuống, dân khẩn thực ruộng ấy, nên gọi là Lạc dân. Lập ra Lạc vương, Lạc hầu, coi giữ các quận huyện. Nhiều huyện có Lạc tướng, Lạc tướng có ấn đồng và dây thao xanh".
Rõ ràng từ Lạc gắn liền với ruộng lúa nước có "thủy triều lên xuống", tức là vùng đồng bằng ven sông biển, bãi bồi bán ngập nước. Lạc thực ra là đọc khác của Nác, mà nay tiếng vùng Nghệ Tĩnh vẫn phát âm có nghĩa là Nước.
Lạc Long Quân dẫn 50 người con trai xuống khai phá miền ven biển nên những người này được gọi là Lạc vương, Lạc hầu, Lạc tướng. Biểu tượng của Lạc Long Quân là cha Rồng, nên gọi là Rồng Lạc, hay Lạc Long.
Rồng vốn có nguyên mẫu là Thuồng luồng, hay một loài Cá sấu lớn, sống bán cư ở vùng sông nước ven bờ. Loài vật này còn được gọi là Giao long trong truyền thuyết vì vào thời sơ sử trước Công nguyên, đồng bằng sông Hồng là một bãi bồi lớn, là nơi rất thuận lợi cho các loài bò sát lưỡng cư sinh sống.
Truyện Chim bạch trĩ trong Lĩnh Nam chích quái kể rằng, sứ giả nước Việt Thường đối đáp với Chu Công rằng người Việt "vẽ mình để làm hình rồng, khi lặn lội dưới nước thì giao long không dám phạm đến".
Người Việt lấy Giao long hay Rồng Lạc làm vật tổ bởi liên quan đến tục xăm mình cho những người sống ở vùng ven sông, làm nghề đánh cá, chài lưới, thường xuyên tiếp xúc với Thuồng luồng cá sấu. Chữ Lạc trong Lạc Long Quân có bộ Trãi, chỉ một loài bò sát, càng chứng tỏ thêm điều này.
Hình ảnh những con giao long vật tổ có thể thấy ở ngay trên các đồ đồng thời kỳ văn hóa Đông Sơn (quãng thế kỷ IV Trước Công Nguyên đến thế kỷ I). Trống đồng Nam Cường 1 là một trống dạng Đông Sơn, được phát hiện ở Thành phố Lào Cai. Trên mặt trống ở vòng ngoài có hình 14 con chim bay ngược chiều kim đồng hồ. Ở vòng trong là hình 4 con "thú lạ" chầu quay quanh mặt trời 14 cánh ở tâm mặt trống. Những con "thú lạ" có mõm dài như mỏ chim, đầu có sừng hoặc mào, 4 chân nâng thân thú ngắn. Đặc biệt là chiếc đuôi dài và rộng.
Đuôi loài thú này có thể cuộn lại như trường hợp thể hiện trên mặt trống đồng Phú Xuyên, cho thấy đây không phải là loài cáo, mà là một loài bò sát có khả năng cuộn mình.
Con "thú lạ" đó thực ra không hề lạ, mà là cách thể hiện con Giao long hay Rồng của người Việt ở thời kỳ trống đồng. Hình Giao long tương tự được thấy trên nhiều vũ khí khác cùng thời như mũi giáo, lưỡi rìu, vỏ kiếm. Thường gặp hình một đôi Giao long thân dài, đối xứng chạm chân vào nhau, đuôi có thể cuộn lại, hoặc duỗi thẳng ra. Hình giao long hay rồng trên các vũ khí là linh hồn biểu trưng cho sức mạnh, sự cường tráng của chúng.
Biểu tượng cặp Giao long trên vũ khí thời Đông Sơn đã từng được Viện khảo cổ học Việt Nam lấy làm logo. Loài thú trên trống đồng và vũ khí đồng Đông Sơn như thế chính là biểu tượng của Rồng. Toàn cảnh mặt trống đồng Nam Cường 1 nhìn lại là hình Rồng chầu Phượng múa dưới ánh mặt trời rực rỡ.
Người viết bài này còn được xem trên vỏ một thanh kiếm thời kỳ Chiến Quốc (tương đương với thời văn hóa Đông Sơn) đúc nổi và mạ bạc hình Rồng và Phượng. Đặc biệt là hình Rồng được thể hiện trong phong cách Đông Sơn với thân kéo dài, đuôi xoắn và xếp thành cặp đối xứng. Đôi phượng được thể hiện với phong cách tương tự, đầu phượng có mỏ nhọn có mào, thân kéo dài, cánh ngắn, đuôi dài. Sự kết hợp Rồng – Phượng như vậy gặp một cách ổn định trên các hiện vật của thời kỳ này.
Rồng – Phượng hay chim Âu – rồng Lạc thể hiện trên các đồ đồng Đông Sơn là sự xướng danh nguồn gốc dân tộc từ Cha Rồng xăm mình lội nước đắp đê, chiến đấu với thủy quái, đến Mẹ Tiên ngẩng đầu giang cánh chinh phục các triền núi cao.
Huyền thoại Tiên Rồng còn lưu dấu ngàn năm trên các cổ vật thời sơ sử.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google