Chỉ số minh bạch ngân sách của Việt Nam xếp thứ 68 thế giới
Với số điểm 44/100, Việt Nam hiện đứng thứ 68/120 nước về chỉ số minh bạch ngân sách, tăng 9 bậc so với kỳ đánh giá 2 năm trước.
Theo kết quả Khảo sát ngân sách mở toàn cầu năm 2021 (OBS2021) vừa được Tổ chức Hợp tác ngân sách quốc tế (IBP) công bố, Việt Nam được nâng hạng do điểm số công khai minh bạch ngân sách tiếp tục được cải thiện so với các kỳ đánh giá trước.
Trong đó, điểm số thành phần đối với ba trụ cột đều tăng 6 điểm so với năm 2019. Cụ thể, trụ cột "Minh bạch ngân sách" đạt mức 44/100 điểm, trụ cột "Sự tham gia của công chúng" đạt mức 17/100 điểm, trụ cột "Giám sát ngân sách" đạt mức 80/100 điểm.
Với điểm số công khai minh bạch ngân sách như trên, Việt Nam đã được nâng mức xếp hạng lên 68/120 nước, tăng 9 bậc so với năm 2019 và tăng 23 bậc so với năm 2017.
So với các nước trong khu vực, Việt Nam đứng trên Campuchia và Myanmar nhưng vẫn đang xếp sau nhiều nước như Indonesia, Phillipines, Thái Lan và Malaysia.
Khảo sát ngân sách mở (OBS) là sáng kiến nhằm thúc đẩy công khai minh bạch ngân sách do IBP phối hợp với các tổ chức xã hội độc lập (ở Việt Nam là Trung tâm Phát triển và Hội nhập - CDI), thực hiện tại hơn 100 nước trên thế giới, chu kỳ đánh giá 2 năm 1 lần kể từ năm 2006.
Bộ Tài chính đã tham gia đánh giá Khảo sát ngân sách mở (OBS) từ năm 2015 và đến nay đã tham gia 4 lần khảo sát vào các năm 2015, 2017, 2019 và 2021. Sau mỗi lần khảo sát, điểm số OBS của Việt Nam đều có sự cải thiện đáng kể.
Bộ Tài chính nhận định với kết quả xếp hạng OBS 2021 cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc tăng cường công khai minh bạch ngân sách. Bên cạnh việc tiếp tục áp dụng các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 theo hướng mở rộng phạm vi, đối tượng, nội dung và hình thức công khai, Việt Nam đã tiếp cận và thực hiện các thông lệ tốt của quốc tế.
Điểm nổi bật trong kết quả OBS 2021 của Việt Nam là sự cải thiện điểm số về trụ cột "Sự tham gia của công chúng", đạt mức 17/100, cao hơn trung bình toàn cầu là 14/100, tăng 6 điểm so với năm 2019.
Để đạt được kết quả này, Bộ Tài chính đã thực hiện cơ chế lấy ý kiến trực tiếp người dân thông qua các cuộc tọa đàm về dự thảo dự toán ngân sách do Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) tổ chức. Qua đó đã cung cấp thông tin, tiếp thu những ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân để hoàn thiện dự toán ngân sách Nhà nước trình Quốc hội quyết định.
Từ năm 2020, Bộ Tài chính đã vận hành Cổng Công khai ngân sách Nhà nước, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, dữ liệu ngân sách nhà nước và hỗ trợ khai thác, tra cứu thuận tiện, theo các chiều thông tin khác nhau; đồng thời sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp từ các tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng dự toán ngân sách nhà nước.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện tốt công tác công khai ngân sách Nhà nước và hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các địa phương, các bộ/ngành thực hiện nghiêm túc việc công khai theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Để tạo điều kiện tối đa cho người dân được tiếp cận và khai thác thông tin ngân sách Nhà nước, Cổng Công khai ngân sách Nhà nước sẽ được nâng cấp, hoàn thiện theo hướng sắp xếp, tổ chức dữ liệu một cách khoa học, vận hành, khai thác thông qua phương tiện điện tử.
Bộ Tài chính cũng không ngừng hợp tác với các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự trong các hoạt động nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định pháp lý về công khai minh bạch ngân sách, cũng như chia sẻ, trao đổi thông tin và đẩy mạnh tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân để nâng cao hiểu biết, thu hút sự quan tâm của người dân.
Top các nước minh bạch ngân sách nhất là Georgia, Nam Phi, Thụy Điển.
Top các nước giám sách ngân sách tốt nhất là Đức, Na Uy, Hàn Quốc.
Top các nước có mức độ tham gia của người dân vào vấn đề ngân sách được đánh giá cao nhất là Hàn Quốc, Anh, New Zealand.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google